Buôn Ma Thuột - Điểm đến hấp dẫn

29/10/2004 09:44 GMT+7

Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất ở Tây Nguyên nằm ở độ cao 536 m, nhiệt độ trung bình hàng năm 23 độ C, là tỉnh lỵ của tỉnh Đăk Lăk. Tên gọi Buôn Ma Thuột được bắt nguồn từ tiếng Ê-đê: Buôn Ama Y Thuot (Buôn: làng, Ama: cha), gọi tắt là Buôn Ma Thuột, có nghĩa là làng của cha Thuột, tên vị tù trưởng có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Ea Tam.

Tháng 3/1975, quân và dân ta mở cuộc tiến công đánh chiếm thành phố Tây Nguyên này, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh, từ đó Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử.

Vùng đất cao nguyên này trước đây thuộc tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, ngày 22/11/1904, thực dân Pháp đã tách ra để thành lập tỉnh Đăk Lăk. Đến ngày 5/6/1930, Buôn Ma Thuột được nâng lên thành thị xã.

Buôn Ma Thuột có một thời là thủ phủ của Tây Nguyên có số dân đông nhất, sầm uất nhất ở đây, là trung tâm hành chánh, văn hóa và kinh tế của toàn vùng. Buôn Ma Thuột là đầu mối huyết mạch giao thông tỏa ra các hướng, nối với thành phố Đà Lạt qua huyện Lăk bằng quốc lộ 27, nối liền với Khánh Hòa qua Ninh Hòa bằng quốc lộ 26, nối với TP.HCM bằng quốc lộ 14 qua Đăk Nông, Bình Phước, nối liền với Yok Đôn Buôn Đôn bằng tỉnh lộ số 1 và nối với Pleiku, Kontum bằng quốc lộ 14. Buôn Ma Thuột nổi tiếng có nhiều loại trái cây, khoai sắn, rau củ, đặc biệt là cà phê Buôn Mê đã từ lâu chiếm lĩnh trên thị trường và cho đến nay chưa có nơi đâu sánh bằng.

Du khách đến thăm Buôn Ma Thuột có thể đến tham quan các danh lam thắng cảnh như thác Đray Sap, Đray Anour, Đray H’linh, hồ Lăk hoặc ghé thăm các buôn làng của người Ê-đê, M’nông để cùng thưởng thức những đêm rượu cần với các lễ hội cồng chiêng, hay cưỡi voi vào rừng săn bắn cùng cư dân địa phương, đi thuyền độc mộc dạo chơi trong khung cảnh núi rừng êm ả...

Bên cạnh những kiến trúc cổ, phần lớn là nhà gỗ được xây cất công phu, người Buôn Ma Thuột ngày nay đang tích cực xây dựng những công trình mới mẻ và hiện đại, đường phố rộng rãi, sạch đẹp phủ bóng cây xanh mở rộng hệ thống giao thông ra vùng ngoại thành nhằm nâng cao mức sống của nhân dân qua các kế hoạch nông lâm, công nghiệp và đầu tư xây dựng các khu dân cư. Bộ mặt đô thị không ngừng được chỉnh trang, mở rộng, thành phố đang hình thành các khu dân cư mới; đặc biệt là khu đô thị Đông Bắc có diện tích 172 ha, được đầu tư xây dựng với nhiều nhà cao tầng hiện đại, được xem như trung tâm kinh tế - tài chính của thành phố Buôn Ma Thuột trong tương lai.

Sau 10 năm xây dựng, đến nay các công trình hầu như đã hoàn chỉnh với nhiều kiến trúc đẹp, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, đồng thời làm thay đổi bộ mặt không gian kiến trúc đô thị, mỗi vùng và khu dân cư đều có bản sắc riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và tự nhiên nhưng được cách tân, tạo cho thành phố vừa mang tính truyền thống mà cũng vừa mang tính hiện đại.

Từ một thị xã mà công nghiệp hầu như không có gì, nay Buôn Ma Thuột thật sự là một trung tâm kinh tế lớn ở Tây Nguyên đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều công ty thương mại chuyên xuất nhập khẩu, chế biến nông, lâm sản ra đời, đặc biệt là cà phê, cao su; Buôn Ma Thuột cũng là trung tâm văn hóa, giáo dục quan trọng. Năm 1977, đại học Tây Nguyên được thành lập và trở thành trung tâm đào tạo các con em dân tộc ít người từ Quảng Trị vào đến Ninh Thuận.

Vào tháng 11/2004 tới đây, chính quyền và nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển (1904-2004), đây cũng là dịp để người dân nơi đây ôn lại những truyền thống hào hùng, đồng thời định hướng cho tương lai của một đô thị giàu đẹp và có tầm cỡ ở Tây Nguyên.

(Theo Báo Bình Dương)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.