Bứt phá cuối 2021 dự báo FE CREDIT bùng nổ cùng SMBC trong 2022

16/02/2022 14:57 GMT+7

Nhờ chiến lược đúng đắn linh hoạt cùng hệ sinh thái số ổn định, FE CREDIT ghi nhận tăng trưởng giải ngân 65% trong quý 4.2021. Năm 2022 với sự tham gia của đối tác SMBC, kỳ vọng FE CREDIT sẽ bùng nổ và tăng trưởng một cách ngoạn mục.

Sức mạnh nội tại giúp FE CREDIT hồi phục ngay khi hết giãn cách xã hội

Nếu như năm 2020 được xem là cơ hội “lửa thử vàng” thì năm 2021 được xem là “chưa từng có tiền lệ” của ngành tài chính tiêu dùng bởi sự “càn quét” của dịch Covid-19.

Dù chưa có báo cáo chính thức về bức tranh tổng thể ngành tài chính tiêu dùng năm 2021, nhưng số liệu 2020 phần nào cho thấy mức độ khó khăn mà ngành phải chống chịu. Năm 2020, ngành tài chính tiêu dùng thế giới ghi nhận doanh thu giảm 25%, nợ xấu tăng 100% dẫn đến lợi nhuận giảm gần 200%, theo số liệu của FiinGroup (tổ chức thu thập và phân tích số liệu).

Tuy nhiên, so với bối cảnh chung, nhiều số liệu tài chính cho thấy Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE CREDIT) đã vượt qua khó khăn của ngành đặc biệt từ tháng 12.2021.

Tổng giám đốc FE CREDIT, ông Kalidas Ghose cho biết, giai đoạn tháng 7 - 9.2021 (khi TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt) là thời gian khó khăn chưa từng có đối với ngành tài chính tiêu dùng và FE CREDIT. Tuy nhiên từ tháng 10.2021 trở đi, trong trạng thái bình thường mới, cùng chiến lược thích ứng linh hoạt và hệ sinh thái số vững mạnh, tình hình hoạt động kinh doanh của FE CREDIT đã bắt đầu hồi phục.

FE CREDIT đã cố gắng đa dạng hóa sản phẩm như bán chéo, bán bổ sung các sản phẩm dịch vụ trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, nhằm theo sát và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng một cách linh hoạt. Ở thái cực khác, khủng hoảng đã mang lại cho FE CREDIT bài học về chiến lược thu hồi nợ và ứng dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí.

Báo cáo cho thấy, năm 2021, số lượng khách hàng đang hoạt động tăng 48%. Giải ngân sản phẩm cốt lõi quý 4.2021 của FE CREDIT đạt 17.000 tỉ đồng, tăng 65% so với quý 3.2021. Riêng tháng 12 đạt 6.400 tỉ đồng, cao nhất trong các tháng năm 2021. Nhờ đó, giải ngân cho vay năm 2021 ghi nhận kết quả khả quan, đạt 67.000 tỷ đồng, tăng 4.000 tỉ đồng so với năm 2020.

Khoản phải thu ròng cuối cùng (ENR) năm 2021 đạt 75.400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm trước. Chi phí hoạt động (OPEX) có xu hướng giảm dần. Nếu như chỉ tiêu này năm 2019 là 5.690 tỉ đồng thì đã giảm xuống còn 5.040 tỉ đồng trong 2020 và đạt 4.670 tỉ đồng trong 2021. Nguyên nhân là công ty đã liên tục đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Không chỉ chi phí hoạt động tiếp tục xu hướng giảm mà tỷ lệ dịch chuyển nhóm nợ cũng được kiểm soát tốt. Hệ số an toàn vốn (CAR) luôn ở mức cao trên 15,5% trong nhiều năm liên tiếp. Riêng năm 2021 đạt 17,8%.

Những yếu tố trên đã khẳng định sức mạnh nội tại của FE CREDIT trong việc xây dựng nền tảng tài chính cũng như hệ sinh thái số vững mạnh. Năng lực cạnh tranh vượt trội của FE CREDIT so với các công ty tài chính khác tiếp tục được khẳng định khi FE CREDIT là đơn vị tiên phong dịch chuyển khách hàng trên nền tảng số hóa đồng thời duy trì và tăng trưởng lượng khách hàng hiện hữu một cách ấn tượng.

Cùng SMBC hứa hẹn sẽ bùng nổ trở lại…

Năm 2021 trở thành dấu mốc quan trọng của FE CREDIT khi vượt qua khó khăn chưa từng thấy của ngành tài chính tiêu dùng một cách ngoạn mục và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Tổ chức tài chính hàng đầu thế giới - SMBC (Nhật Bản).

Trong năm 2021, FE CREDIT được Moody's nâng hạng xếp hạng tín nhiệm CFR từ B1 lên Ba3. Việc nâng cấp xếp hạng tín nhiệm xuất phát từ kỳ vọng FE CREDIT sẽ nhận được sự hỗ trợ từ SMBC qua đó giúp giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn đồng thời hỗ trợ tính thanh khoản cho công ty.

Sự tham gia của SMBC trong vai trò cổ đông chiến lược, có thể sẽ đưa đến những thay đổi trong cơ cấu tổ chức của FE CREDIT nhưng không đáng kể. Hơn hết, những người trong cuộc và giới tài chính kỳ vọng sự tham gia của Tổ chức tài chính hàng đầu thế giới - SMBC sẽ tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của FE CREDIT trong thời gian tới.

Nhìn vào số liệu có thể thấy, FE CREDIT đã hồi phục trong năm 2021 nhờ chiến lược thích ứng linh hoạt và sự chuẩn bị tốt, vì vậy trong bối cảnh “sống chung với Covid-19”, cùng nền tảng tài chính vững, nguồn lực mạnh, FE CREDIT sẽ duy trì đà hồi phục trong năm 2022, bình thường hóa và trở lại con đường tăng trưởng cao những năm tiếp theo.

Được biết, năm 2022, FE CREDIT sẽ tăng cường tập trung vào tệp khách hàng tốt và cung cấp khoản vay cho họ thông qua ngân hàng số Übank. FE CREDIT tích hợp mở tài khoản Übank cho tất cả khách hàng mới với các sản phẩm miễn phí và tận dụng hạn mức tín dụng để liên tục mang lại cơ hội tăng hạn mức còn lại của khách hàng thay vì chỉ bán hàng hay quảng cáo qua điện thoại một cách riêng lẻ. Đưa ra các chiến dịch có tính cá nhân hóa cao để đưa khách hàng vào hệ sinh thái của FE CREDIT.

Tăng cường kênh bán hàng trực tiếp để tiếp cận người lao động của các doanh nghiệp đã đăng ký và doanh nghiệp phi chính thức để tạo cơ sở cho vay theo lương.

Bên cạnh đó, FE CREDIT cũng tập trung ra mắt các sản phẩm mới cho những người làm trong từng lĩnh vực cụ thể, mở rộng phân khúc khách hàng cụ thể như vay tiêu dùng hưu trí, gói vay dành riêng cho cán bộ ngành y, nghành giáo dục và tăng quy mô khách hàng tiềm năng thông qua việc hợp tác với đối tác lớn như Zalo, Viettel và các nền tảng viễn thông khác.

Về tiết giảm chi phí, FE CREDIT lên kế hoạch hợp lý hóa số lượng nhân sự và các chi phí liên quan như việc thuê mặt bằng, hay việc tự động hóa và đo lường tính hiệu quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.