Ngư dân khốn khó
Sáng 8.9, khoảng hơn 47 tấn cá lồng của 21/66 hộ dân nuôi ở vịnh Nghi Sơn (thuộc xã đảo Nghi Sơn, H.Tĩnh Gia) bất ngờ chết hàng loạt, ước thiệt hại 6 - 7 tỉ đồng.
tin liên quan
Cá nuôi lồng bất ngờ chết hàng loạt ở vùng biển Nghi Sơn, Thanh HóaChỉ trong 3 giờ đồng hồ, hơn 47 tấn cá lồng nuôi ở vịnh Đảo Ngọc (xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bất ngờ chết hàng loạt, gây thiệt hại khoảng 6 - 7 tỉ đồng.
|
Trong khi đó, từ ngày 5 - 9.9, người dân các thôn Liên Vinh (xã Tĩnh Hải) và thôn Bắc Yến (xã Hải Yến, H.Tĩnh Gia) phát hiện và thu gom khoảng 300 kg cá tự nhiên như cá bơn, cá thèn, cá đù, cua, ghẹ chết mắc trong lưới và trôi dạt vào bờ. Ngay sau khi nhận được trình báo của người dân, các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước và cá đi kiểm tra. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày 11.9, sau khi phát hiện cá biển chết lẻ tẻ trôi dạt vào bờ, hầu hết ngư dân tại vùng biển thuộc thôn Liên Vinh đã tạm ngừng đi biển. Theo các ngư dân, cá biển chết bất thường gây tâm lý e ngại cho người tiêu dùng, khiến việc tiêu thụ hải sản gặp khó khăn. Ngư dân Bùi Văn Vệ (54 tuổi, ngụ tại thôn Liên Vinh) cho biết, người dân trong thôn phát hiện cá biển có dấu hiệu khác thường khi vừa đánh bắt xong vào ngày 5.9. Những con cá được đánh bắt đều chết sau khi đưa lên thuyền khoảng 30 phút (dù vẫn thả trong nước biển), nhiều con cá chết mắc vào lưới. Ngư dân sau đó còn phát hiện một lượng nhỏ cá chết trôi dạt vào bờ.
Theo ông Vệ, đây là lần đầu tiên ở vịnh Nghi Sơn xảy ra hiện tượng cá tự nhiên bị chết và chết nhanh sau khi đánh bắt. Tuy nhiên, cá chỉ chết ở khu vực từ 4 - 5,5 km trở vào đất liền, còn từ khu vực cách bờ 6 km trở ra, chưa xuất hiện tình trạng trên. “Cách đây khoảng 1 tuần, tôi đi đánh cá thì phát hiện nước biển có màu nâu đục, bốc mùi tanh hôi rất khó chịu. Đặc biệt, những con cá khi mắc vào lưới chết nhanh hơn so với những ngày trước đó. Bình thường cá, cua, ghẹ có thể sống qua đêm trên thuyền thúng, nhưng những ngày qua cá chết rất nhanh, thậm chí chết ngay sau khi vừa bị mắc lưới. Bà con đều cho rằng tình trạng trên do nước biển ở khu vực này bị ô nhiễm”, ông Vệ nói.
|
Tảo cũng là do ô nhiễm
Kết quả phân tích mẫu nước lấy tại khu vực cá lồng chết ở xã Nghi Sơn cho thấy có loài tảo hairoi-creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ với mật độ khoảng 8 triệu tế bào/lít nước biển. Mẫu nước lấy tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo này chiếm ưu thế, mật độ khoảng 500.000 tế bào/lít nước biển. Bước đầu xác định nguyên nhân khiến cá tự nhiên, cá lồng chết là do tác động của loài tảo hairoi-creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa. Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính đối với vùng biển Tĩnh Hải và Nghi Sơn (của H.Tĩnh Gia) là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển.
Ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, lý giải tình trạng cá chết ở Nghi Sơn ngoài nguyên nhân do hiện tượng tảo nở hoa như kết luận của các cơ quan chức năng, còn có thể do điều kiện thời tiết gây ra. Những ngày qua, trên địa bàn Thanh Hóa có mưa lớn kéo dài, lượng bùn đất từ trên núi chảy xuống vịnh Nghi Sơn làm thay đổi môi trường nước khiến cá nuôi và cá tự nhiên ven bờ chết.
Đứng từ góc độ khoa học, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường biển lưu ý, trong báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa có nêu “cá chết hầu hết là cá tự nhiên sống ở tầng đáy, các loài cá nuôi lồng có sức chống chịu rất tốt và có khả năng thích ứng với môi trường nước thay đổi”. Nhưng thường thì tảo nở hoa ít ảnh hưởng đến các loài cá sống ở tầng đáy mà chỉ ảnh hưởng đến cá ở tầng trên. Hơn nữa, hiện tượng tảo nở hoa không phải là hiện tượng tự nhiên mà là do biển bị ô nhiễm các chất hữu cơ với nồng độ cao. Trong báo cáo của tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ ra khả năng dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa có thể là do lượng lớn chất hữu cơ trong đất liền theo nước mưa đổ vào cửa sông ra biển. Điều này cho thấy dù nguyên nhân thực chất là gì thì rõ ràng hiện tượng cá chết là do con người gây ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực vịnh Nghi Sơn bao quanh khu kinh tế Nghi Sơn với hàng loạt những cơ sở sản xuất công nghiệp như nhà máy lọc hóa dầu, nhiệt điện, xi măng, chế biến thực phẩm…
GS-TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia độc chất học môi trường, cho rằng ở VN có khoảng trên 30 loại tảo nhưng không có nhiều loại có thể gây nên hiện tượng thủy triều đỏ hoặc có độc tố gây hại cho loài khác. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cẩn thận để tìm ra nguyên nhân.
Cần nghiên cứu thêm để có kết luận chính xác
Báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa dẫn kết quả phân tích bước đầu của Viện Tài nguyên môi trường biển cho thấy có tảo hairoi-creratium furca nở hoa gây thủy triều đỏ. Nếu là tảo nở hoa thì phải làm rõ là do độc tố của tảo làm cá chết hay do tảo phát triển quá nhiều hút hết ô xy, tảo sinh ra từ đâu?... Nếu muốn rõ hơn phải có số liệu phân tích thêm về hàm lượng hữu cơ, các muối dinh dưỡng, hàm lượng ô xy và phân tích các dấu hiệu trên các con cá chết thì mới kết luận chính xác được.
PGS-TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học
|
Bình luận (0)