Tại cuộc tiếp xúc cử tri nói trên, nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước thực trạng ô nhiễm tại hồ Tây, mà người dân quận Tây Hồ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều cử tri cho rằng thực trạng ô nhiễm đã được cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều lần nhưng không thấy cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, vẫn còn tình trạng các hộ sản xuất và kinh doanh xả nước thải ra Hồ Tây, vụ cá chết tại đây một phần do quản lý chưa tốt.
Theo Phó chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, hiện thành phố đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, liên ngành Bộ Công an, Tài nguyên môi trường, Khoa học công nghệ vào cuộc, phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân cá chết.
“Giống như vụ Formosa, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng rồi mới kết luận nguyên nhân rõ ràng. Cá chết tại hồ Tây có thể một phần có thể do các cống xả thải và hồ, cũng có thể do tảo hoặc nguyên nhân khác… Sau khi có kết luận chính thức sẽ làm rõ. Đến giờ hiện tượng cá chết đã ngừng, thành phố cũng đã bổ sung 3 máy tạo oxy”, ông Sửu nói.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, đây là vấn đề nổi cộm và cần phải được xử lý khoa học. Theo Tổng bí thư, khi ông được T.Ư phân công về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, việc đầu tiên là xây dựng bãi rác Nam Sơn (Hà Nội). Khi đó rác thải y tế đổ bừa bãi bên ngoài, không ai để ý.
Tổng bí thư cho rằng hậu quả môi trường hiện nay là do một giai đoạn “các tỉnh thi nhau kêu gọi đầu tư nước ngoài mà xem nhẹ vấn đề môi trường, Formosa là ví dụ điển hình”.
Về vấn đề xây dựng Đảng, chống tham nhũng được nhiều cử tri nêu ra, theo Tổng bí thư, việc chống tham nhũng vô cùng khó khăn, “nhưng không làm thì càng hư hỏng, làm thế nào để ổn định đi lên, chứ không thể đánh một nhát chết tươi được”. Nếu đất nước không bình yên, nay bạo loạn chỗ này chỗ kia thì không làm gì được, vì thế phải tính toán toàn diện.
Bình luận (0)