(iHay) Hình như vùng biển Quảng Ngãi có nhiều 'duyên nợ' với cá hồng hay sao ấy. Bình thường, ở những ngư trường lân cận, cỡ tháng 9 là cá hồng trở thành 'cá hiếm'. Vậy mà ở Sa Huỳnh, địa phương cuối cùng về phía nam của tỉnh này, cá hồng vẫn… có mặt hằng ngày trên bến dù đã sang tháng 11.
|
Người chưa hề thấy loại cá này, nhưng nghe tên cá hồng thế nào cũng liên tưởng đến màu hồng của cá. Đúng vậy, toàn thân con cá “lấy” màu hồng làm gam màu chủ đạo. Vây cá hồng đào, vảy cá hồng phớt, đuôi cá hồng đỏ. Ngay cả bụng cá có chút biến tấu khi ngã sang màu trắng đục cũng vướng một ít hồng cho kỳ được.
Sớm tinh mơ, hễ thấy các bà nội trợ cắp cái rổ xăm xăm xuống bến là biết nhà ấy có “công chuyện”. Một là nhà có khách. Hai là cúng giỗ. Ba là biếu người thân. Cũng có khi là có đám hỏi. Mẹ tôi nói đám hỏi (lễ đính hôn) mà có cá hồng trên bàn tiệc là hai bên sui gia ưng lắm. Chẳng là cá có tên “hồng”, không chỉ mang ý nghĩa là màu của hạnh phúc mà còn là “hồng phúc”, phước lớn cho đôi trẻ. Tôi không quan tâm lắm điều đó, nhưng thấy cá đẹp, ăn rất ngon là tôi… tin.
Với những “nhà nội trợ” không trường lớp như mẹ tôi và tất cả những bà mẹ khác trong làng, cá hồng đã có nhiều “thể loại”. Huống chi các vua bếp tài năng thì cá hồng chắc trở thành mỹ vị như chơi.
Ba tôi là ông giáo về hưu, một người giao tiếp rộng, thâm tình cũng lắm. Vậy nên mỗi lần nhà có khách, thứ mồi mà mẹ tôi nghĩ đến đầu tiên là cá hồng. Qua tay mẹ, cá hồng nằm nguyên con trong cái đĩa, bên trên là nấm mèo, thịt ba chỉ xắt nhỏ, cà chín, miến, sả, gừng… gọi là cá hồng hấp nguyên liệu thập cẩm. Tôi nhớ, lẫn trong những câu chuyện giữa ba tôi và khách, “đề tài” cá hồng nổi lên rôm rả nhất với đủ các tính từ: mềm mại, chua chua, ngòn ngọt, đậm đà…
Mẹ cũng hay thể hiện tài nội trợ khi thường xuyên “cách tân” để con cá hồng không đơn điệu. Đó là món cá hồng nấu canh chua với khế, me và một ít măng. Cá hồng trong món này được xắt lát mỏng cho thịt dễ tắm trong hương liệu chủ đạo là vị chua. Thịt cá hồng vì thế vừa ngọt, vừa chua thanh. Nước canh cũng “phụ họa” một cách đắc lực với cá làm nên những tiếng xì xụp, hít hà khiến cả nhà như “mê đắm” cùng nồi canh của mẹ.
|
Đến món lẩu, cá hồng cũng chứng tỏ mình là loại cá có đẳng cấp. Đi với cải cay, chuối chát, diếp cá, khế, cà chua… cá hồng không phải ngon riêng đằng cá mà lan tỏa phẩm chất của mình đến các loại rau, khiến rau dù… khiêm tốn cũng trở nên ngọt thơm một cách... bất thường. Miếng cá hồng trắng tinh kèm với đũa rau xanh, đáp xuống chén mắm ớt đo đỏ, nhẹ nhàng nhai, nhẹ nhàng lắng nghe mới thấy hết sự kết hợp tinh tế, hài hòa giữa hương vị biển xa với hương đồng cỏ nội.
Đã hết đâu! Cá hồng tắm mắm ớt tỏi rất… khêu gợi trong món chiên vàng. Hay một cái là dù chiên trong dầu, toàn thân cá ngã màu vàng ươm nhưng đâu đó trên thân cá vẫn có chút hồng như thể cá cũng biết giữ… màu cờ sắc áo. Món này ăn kèm với cơm nóng thì chỉ có nước… cạo xoong.
Với cánh trẻ chúng tôi, cá hồng thường được nướng chấm với mắm gừng. Dăm ba anh em ngồi với nhau, bánh tráng bẻ giòn giòn, miếng cá trắng phau chấm vào chén mắm rồi đặt lên miếng bánh tráng. Chao ôi, cái ngon của cá hồng được “chắp cánh” từ vị gừng thấm mắm mằn mặn cay cay. Lại được vài ly rượu “đục” tác động, miếng cá hồng càng thêm… phiêu bồng trong “cảm quan” ẩm thực của những người thưởng thức.
Trần Cao Duyên
>> Cá sơn đỏ - món lai rai cực 'hot' ở Quảng Ngãi
>> Đến Quảng Ngãi ăn cơm chiên ớt xanh Sa Huỳnh
>> Đá Giăng - 'mỹ nhân miền sơn cước' của Quảng Ngãi
Bình luận (0)