Khi TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TG9X Thái Dương đã giới thiệu ca khúc Sài Gòn tôi sẽ. Bài hát, với ước mong “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy, sẽ không có dây, phố thưa lại đầy”, được lan tỏa mạnh trên mạng xã hội, được nhiều ca sĩ trong nước và hải ngoại lẫn người yêu nhạc hát lại, biểu diễn trong các chương trình âm nhạc lớn. Đến nay, những ngày đầu thành phố mở cửa, anh vừa giới thiệu sáng tác nữa dành cho quê hương mình: Bài ca tôi viết lần này (còn có tên khác: Bài ca tôi hát lần này).
Bài ca tôi hát lần này - TG9X Thái Dương |
Bài hát vừa được tác giả gửi tặng và đồng hành cùng chương trình Chung tay bảo trợ trẻ mồ côi “Cùng con đi tiếp cuộc đời” của Báo Thanh Niên.
Bài hát được TG9X Thái Dương viết trong đêm 1.10, khi TP.HCM mở cửa sau thời gian dài giãn cách xã hội |
Ảnh: chụp màn hình |
* "Bài ca tôi viết lần này, trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa…”, câu hát mở đầu như lời chung vui cùng thành phố khi cuộc sống dần trở lại bình thường mới, nhưng cảm giác đã được bạn viết trong tâm trạng không hân hoan?
-TG9X Thái Dương: Chúng ta đều mong tới một ngày Sài Gòn - TP.HCM “sẽ thơm phở ngon”, “sẽ không có dây”, “phố thưa lại đầy”… , những gì mong đợi đã hiện ra trước mắt, thành sự thật rồi, bản thân tôi cũng phấn khích khi chia sẻ hình ảnh mình đã được ra phố trên trang Facebook cá nhân.
Ngay sau đó, tôi lại là có cảm giác như tội lỗi khi mình nỡ vui, nỡ ăn mừng, trong khi dù thành phố bước đầu khống chế được dịch nhưng đã có nhiều mất mát, trong đó có những người thân của tôi, người thân của bạn bè tôi. Xa hơn người thân là những nạn nhân Covid-19, nhiều người không được gặp người thân của mình lần cuối.
Do đó bài hát này, thứ nhất, tôi muốn đồng hành với những người ra đi, về mặt tinh thần, họ đã đi nhưng linh hồn đâu đó vẫn còn hướng về thành phố, về quê nhà nơi có người thân chưa kịp từ biệt. Tôi cũng muốn gửi những người ở lại, những ai có người thân ra đi, để họ không cảm thấy cô đơn. Vì khi nhìn thành phố mở cửa, cuộc sống trở lại như vậy, trong lòng họ chắc hẳn có những ngậm ngùi…, họ sẽ ước gì người thân mình còn đây để cùng chung vui…
Có những hình ảnh trong Sài Gòn tôi sẽ đã diễn ra trong Bài ca tôi hát lần này, nhưng nó sẽ thật sự trọn vẹn nếu vẫn còn được cùng với người thân của mình.
* Có 2 ý trong bài hát này được lặp lại từ Sài Gòn tôi sẽ: phố thưa lại đấy, tái sinh rạng ngời. Hình như đó cũng là cách viết nhắc lại, thật tinh tế, bài hát của mình?
- Đó chính xác là một cách cố ý nhắc lại những gì đã có trong Sài Gòn tôi sẽ, tạo sự liên kết trong bài hát của mình.
Còn ngụ ý tại sao đưa vào, nó giống như chuyện tôi bày tỏ cùng người thân rằng mình mong muốn một ngày trở thành ca sĩ. Rồi, khi thành đạt, tại sao tôi thấy trống vắng quá. Lặp lại, nói lên việc đây từng là ước mơ, kỳ vọng của mình, nhưng nay cảm giác lại không phấn khích như mình nghĩ, khi xung quanh mình có ít nhiều mất mát, chia ly…
* Ca khúc này dường như có một chút tương đồng với vẻ đẹp mà buồn của Happy new year (ABBA), khi trong nỗi hân hoan có niềm chua xót, tiếc nhớ. Bạn có để ý điều đó?
- Chị nói tôi mới để ý. Thật vui về cảm nhận này. Happy new year là bài hát về buổi tiệc mừng năm mới, được vang lên trong dịp đầu năm, khi nghe tựa bài ít ai nghĩ đó là bản nhạc buồn, nhưng nghe xong, hiểu bài hát mới thấy đó không phải là một khúc hoan ca.
Bài hát của tôi, dù có một chút sự tương đồng như chị nói, nhưng ca từ, rõ ràng là bài bi ca. Tôi cũng cố ý viết giai điệu buồn, cách hát cũng buồn, gợi sự tò mò: sao bài hát ra đời khi thành phố mở cửa mà như vậy, từ đó người ta có thể muốn nghe thêm nó được tiếp tục như thế nào…
"Bài này mới viết, trong nỗi hân hoan phố phường mở cửa..." |
ẢNH: TỪ CLIP |
* Không chỉ gợi lên sự tưởng niệm, lời nguyện cầu, bài hát này mang màu sắc như bản nhạc cổ điển, có vẻ nó đẹp cả khi không lời…
- Cảm ơn chị đã dành lời khen như vậy, thật quý giá, vì tôi không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp. Tôi có thể tự tin về ngôn ngữ của mình - vì là dân ngôn ngữ, tự hào chút xíu về ngôn ngữ tiếng Anh - thầy giáo dạy Anh ngữ, cũng như lối dùng tiếng Việt sao cho dễ hiểu. Nay được khen về âm nhạc nữa, dù có thể quá lớn, nhưng tôi cũng xin nhận (cười).
Thật sự, tôi có chịu ảnh hưởng của nhạc new-age (thể loại chứa đựng những âm thanh êm dịu, tạo cảm giác thư giãn, lạc quan), nhất là nhạc không lời của Yanni, Omar Akram, Chris Spheeris - những nhạc sĩ new-age mà tôi hay nghe, nên ít nhiều có ảnh hưởng.
Ngày 3.10: Thông báo 114 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành |
Vợ từng ngăn tôi đừng giới thiệu bài này...
* Ai là thính giả đầu tiên của bài hát này? Và cảm nhận của người đó thế nào?
- Câu chuyện này tôi ít kể nhưng rất quan trọng. Người đầu tiên nghe bài hát này, cũng như các sáng tác của tôi, là vợ tôi.
Đêm 1.10, lúc có ý tưởng cho ca khúc này, tôi có nói: "Vợ ơi ngủ trước đi, cho anh làm bài này chút", vì cảm xúc đang dâng trào, nếu không làm ngay thì mai trôi tuột mất. Vì bình thường 2 đứa luôn “khép đôi mi chung một giờ” (cười).
Hôm sau khi viết xong, tôi gọi vợ cho nghe thử, cô nghe rồi khóc, nói: "Em sợ quá". "Sợ gì?", "Không biết, em sợ mất mát, anh làm em có cảm giác đó, nó buồn quá, hay là thôi đi anh, mình đừng giới thiệu, em nghĩ nó sẽ tiêu cực…", "Em sợ người ta nói mình than vãn?", "Không, nhưng nó có vẻ u ám quá…".
Trao đổi qua lại nhưng cuối cùng rồi… tôi cũng đăng trên các kênh của mình. Tôi nói: "Không sao đâu em, mình viết tặng người đang buồn như cách an ủi họ, còn ai thấy không vui thì sẽ không nghe, chứ không phải bài hát muốn kéo niềm vui của họ xuống".
Tác giả quyết định đổi tên thành Bài ca tôi hát lần này và cho phép mọi người - những ai hát lại, được sửa chữ "viết" thành chữ "hát" |
Ảnh: nvcc |
* Còn bố mẹ bạn thì sao?
- Bố mẹ tôi không phải là người hay chia sẻ, rất tiếc, cả hai không đụng tới chuyện âm nhạc, trừ khi tôi hỏi. Có điều, tuy vợ là người nghe bài hát này đầu tiên nhưng bố là người đọc lời đầu tiên và vỗ tay, chỉ vậy thôi.
* Cũng thật là khi bạn là tác giả có “trưng cầu” ý kiến người nghe trên mạng xã hội, về ca từ hay câu hát nào đó của mình?
- Chắc chỉ có thầy giáo viết nhạc như tôi mới làm vậy, vì hiếm ai viết lên cho khán giả vào góp ý, chỉnh sửa ca từ. Nhưng tôi cũng hãnh diện vì đó cũng là đặc điểm rất khác của mình. Góp ý như vậy cũng thể hiện sự quan tâm của mọi người dành cho tác phẩm của mình, như tôi đã từng chỉnh sửa vài chữ trong Sài Gòn tôi sẽ.
* Vậy bài hát lần này, có câu “bài này mới viết", có thể mang tính thông báo, rất tự nhiên, nhưng cảm giác hơi "lạc" so với sự lắng đọng của toàn bài, bạn có thể nói thêm về dụng ý của nó?
- Tuy nghe tự nhiên, nhưng mỗi câu chữ tôi viết đều có ý đồ của nó. Tôi cũng suy nghĩ, cân nhắc nhiều nhưng cuối cùng quyết định giữ lại hết tất cả.
Cái bất hợp lý đầu tiên là chữ “viết”. Bài này mới viết, chữ viết nó thể hiện tính cá nhân của tác giả, sẽ hạn chế trong việc phổ biến. Chữ mới cũng vậy, vì sau 1 tuần hay 1 tháng sẽ không còn mới nữa. Đó là những nghịch lý đòi hỏi tôi phải cân nhắc, đã cân nhắc và cuối cùng tôi giữ lại hết để bảo vệ cảm xúc tinh khôi của mình. Đôi khi, mình cân nhắc quá, gọt giũa sẽ làm mất đi cái đẹp tự nhiên, nguyên sơ.
Thứ hai, nếu đây là bài hát mang tính thời sự, dành cho/về dịch Covid-19 thì hết dịch người ta sẽ không nghe thôi. Vậy đã xác định thời sự thì để cho nó thời sự, à, tôi vừa viết xong hát cho các bạn nghe liền như tấm lòng trần trụi của tôi, các bạn nghe nha! Đó là ý đồ của bài này mới viết, nó mới nóng hổi vừa thổi vừa nghe (cười).
Nhân đây, tôi cũng chia sẻ 2 cách “mở cửa” cho bài hát của mình: một là đổi tên thành Bài ca tôi hát lần này; hai là cho phép mọi người - những ai hát lại, được sửa chữ “viết” thành chữ “hát”.
* Cảm ơn TG9X Thái Dương về cuộc trò chuyện này!
Bình luận (0)