Hôm qua (12.1), cổ phiếu (CP) FLC bị bán tháo về giá sàn, nhưng luôn luôn trắng bên mua. Những người còn đang sở hữu CP này không thể nào bán được dù đã chịu lỗ hơn 20% ngay sau vừa mua xong.
Nhà đầu tư rất phẫn nộ với việc các lãnh đạo doanh nghiệp bán “chui” cổ phiếu |
Ngọc Thắng |
Lãnh đạo bán “chui”
Nguyên nhân là trước đó 2 ngày, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, đã bán 74,8 triệu CP FLC mà không báo cáo, công bố thông tin trước giao dịch theo quy định. Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, tất cả các nhà đầu tư (NĐT) đều vô cùng phẫn nộ.
Cú đánh úp của ông Quyết đã kiến CP này mất thanh khoản trầm trọng. Nếu như 2 phiên 10 - 11.1, số lượng giao dịch của FLC đạt kỷ lục với tổng cộng gần 300 triệu đơn vị thì phiên hôm qua chỉ có vỏn vẹn hơn 2,5 triệu đơn vị được giao dịch, chưa được 10%. Trước đó, cuối năm 2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết 65 triệu đồng do bán “chui” 57 triệu CP. Đồng thời khi đó, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS - do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ tịch HĐQT) cũng bị phạt số tiền 130 triệu đồng vì hành vi dự kiến bán hơn 13,6 triệu CP Công ty CP đầu tư và khoáng sản AMD Group (AMD) nhưng không báo cáo.
Cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét kỹ vì nếu chỉ xử phạt hành chính như từ trước đến nay là không đủ mang tính răn đe. Nhiều NĐT lại mất niềm tin vào thị trường chứng khoán từ những hành vi tương tự.
Nhìn lại các vụ vi phạm bán “chui”, thao túng chứng khoán có thể thấy hầu hết “cá mập” là lãnh đạo, người nhà hay có liên quan đến lãnh đạo đánh úp nhà đầu tư. Đơn cử, tháng 7.2021, Ủy ban Chứng khoán nhà nước công bố xử phạt ông Trần Ngọc Bê (Hà Nội) số tiền 940,35 triệu đồng với lý do không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch CP VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ông Bê là người có liên quan một lãnh đạo VPBank. Ngoài phạt hành chính, ông Bê còn bị phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng.
Tương tự, ông Lê Mạnh Thường (Hà Nội) và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản khác nhau để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng mã FTM của Công ty CP Đầu tư và phát triển Đức Quân (TP.HCM) bị xử phạt 600 triệu đồng/người. Hoặc tháng 9.2020, cơ quan quản lý cũng xử phạt và buộc ông Hoàng Đức Thuận phải nộp lại số tiền hơn 3,3 tỉ đồng do đã có hành vi thao túng giá DST của Công ty CP đầu tư Sao Thăng Long.
Trước đó, vào năm 2017, Ủy ban Chứng khoán nhà nước từng ra quyết định xử phạt bà Đỗ Thị Cẩm Thúy 600 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại số tiền thu lợi bất chính gần 9,3 tỉ đồng do đã sử dụng 28 tài khoản để thao túng CP SPI…
Bỏ túi vài trăm tỉ, nộp phạt vài trăm triệu
Trong khi đó, Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, liên quan đến hành vi không công bố thông tin chỉ bị xử phạt đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế (nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên), nhưng số tiền phạt không quá 1,5 tỉ đồng (đối với cá nhân).
Chiếu theo theo quy định này, ông Quyết có thể chỉ bị phạt 1,5 tỉ đồng, trong khi thu lợi bất chính khoảng 500 tỉ đồng từ vụ bán chui gần 170 triệu CP phiên giao dịch ngày 10.1 vừa qua. Hay năm 2017, với việc bán chui tới 57 triệu CP FLC, theo tính toán có thể mang lại 400 tỉ đồng theo giá trị thị trường nhưng số tiền ông Quyết bị phạt chỉ vỏn vẹn 65 triệu đồng.
Tình trạng bán chui cổ phiếu diễn ra rất nhiều lần, nhưng mức phạt quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được. Tôi đề nghị sửa luật và nghị định, cần tịch thu hết số lượng cổ phiếu giao dịch mà không công bố
Tương tự, năm 2018, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG), cũng bị phạt 65 triệu đồng do không báo cáo về việc nhận chuyển nhượng 7,82 triệu CP YEG và chuyển nhượng lại số CP nêu trên, dù 2 giao dịch đồng thời này không làm phát sinh số lãi hay thay đổi CP của ông Tống.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Công ty Luật Nghiêm & Chính, nhận định hành vi này của ông Quyết là tái phạm nên không thể coi là vi phạm thủ tục hành chính đơn thuần được. Vì vậy, nếu chỉ áp dụng quy định về xử phạt hành chính, dù là mức tối đa 1,5 tỉ đồng, cũng không đủ sức răn đe và ngăn ngừa những vi phạm tiếp theo của ông Quyết hay nhiều cá nhân khác.
Cùng quan điểm, theo TS Lê Đạt Chí - Phó Khoa tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), những vụ thao túng giá hay bán chui CP từ lãnh đạo doanh nghiệp như ông Quyết vẫn diễn ra thường xuyên. Bản thân ông Quyết đã lặp lại hành vi này nên không thể nói là hành vi vô tình. Đây là sự thách thức pháp luật. Cần phải xem xét hành vi vi phạm bán chui CP dưới góc độ giao dịch nội gián vì bản thân ông Quyết là người của công ty. Đồng thời, hành vi bán ra CP đã tạo diễn biến giá có lợi cho chính ông Quyết nhưng gây ra tổn thương cho cổ đông khác và cả thị trường. Nếu sắp tới FLC có thông tin nào không khả quan về hoạt động kinh doanh thì rõ ràng đây là việc biết trước thông tin để giao dịch. Do đó, phải xem xét khởi tố hình sự theo hành vi giao dịch nội gián.
Đặc biệt, theo TS Lê Đạt Chí, hành vi như trên đã gây ra nhiều hệ lụy khác. Ví dụ như việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố hủy giao dịch bán CP của ông Trịnh Văn Quyết vào ngày 10.1, nhưng còn các giao dịch khác có bị hủy hay không, bởi lượng CP bán ra vào ngày đó của ông Quyết chỉ chiếm khoảng 50% lượng giao dịch của FLC trên sàn. Làm thế nào phân biệt được ai là người thật sự bán ra CP này như giao dịch bình thường? Nếu bị hủy giao dịch thì người bán hôm đó cũng bị thiệt hại.
Tình trạng bán “chui” cổ phiếu khiến nhà đầu tư lo ngại |
ngọc thắng |
Nhà đầu tư mất cả trăm tỉ đồng
Mỗi vụ bán chui, thao túng của các cá mập, NĐT bị thiệt hại nặng nề. Với các NĐT giao dịch CP FLC, nếu chỉ ước tính khi mua FLC trong phiên cuối tuần qua với giá trần 22.550 đồng/CP và có gần 32 triệu CP được giao dịch, đến hôm qua (12.1), số CP trên về đến tài khoản và bán ra với giá sàn 18.550 đồng/CP thì tổng cộng các NĐT đã mất đi 128 tỉ đồng.
Đáng nói, sự mất thanh khoản của CP này đang khiến các NĐT như ngồi trên đống lửa. Anh T.M.Đ, một NĐT đang bị “kẹp” CP FLC, uất ức: “Tình trạng bán chui CP diễn ra rất nhiều lần, nhưng mức phạt quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được. Tôi đề nghị sửa luật và nghị định, cần tịch thu hết số lượng CP giao dịch mà không công bố”.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho rằng hành vi bán chui CP không chỉ gây thiệt hại lớn cho các cổ đông mà còn tác động sâu rộng, để lại hậu quả nghiêm trọng vì làm mất niềm tin của NĐT trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán VN. Có thể xem hành vi này ở góc độ là giao dịch nội gián. Tương tự, các hành vi thao túng giá CP trên thị trường nếu bị phát hiện đều cần xử phạt nghiêm và kèm theo các biện pháp bổ sung, thậm chí đều khởi tố hình sự mới có thể ngăn chặn được các cá nhân, tổ chức khác làm theo.
đồ họa: văn năm |
Bình luận (0)