Ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, Cà Mau đề nghị Bộ Y tế chi viện khẩn cấp

Gia Bách
Gia Bách
16/12/2021 18:23 GMT+7

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản gửi Bộ Y tế nhờ hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh này vì số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.

Theo báo cáo của Sở Y tế Cà Mau, trong vòng hơn 1 tháng (từ 14.11- 16.12), tỉnh Cà Mau ghi nhận 16.515 ca nhiễm Covid-19. Đặc biệt, trong 3 ngày gần đây, số ca nhiễm liên tục tăng vọt.

Số ca nhiễm tăng vọt

Cụ thể, ngày 13.12, ghi nhận 793 ca; ngày 14.12 ghi nhận 1.011 ca; ngày 15 là 1.072 ca. Đỉnh điểm ngày 16.12, Cà Mau ghi nhận 1.339 ca, nâng số ca mắc của tỉnh lên 20.640 ca và 82 người tử vong.

Trước tình hình ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh này về thuốc kháng vi rút, nhân lực điều trị...

Bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở tầng 3

Bệnh viện cung cấp

Theo đánh giá của UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân dịch bùng phát là do kết thúc đợt giãn cách xã hội, người dân trở về từ nhiều tỉnh, thành. Có trên 35.000 người từ vùng dịch về địa phương được cách ly tại gia đình, Đặc biệt các khu phong tỏa chưa được quản lý chặt, còn xảy ra tình trạng người trong khu phong tỏa tiếp xúc nhau, lây chéo trong khu phong tỏa.

Đặc biệt, khi tỉnh thực hiện mở cửa, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 nhưng người dân vẫn còn chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, không thực hiện tốt thông điệp 5K, chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp cách ly y tế tại nhà dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo cho gia đình và các hộ xung quanh. Nhiều F0 phát hiện có liên quan đến việc tham dự các đám, tiệc tập trung đông người; làm tăng nguy cơ lây ra cộng đồng.

Ngày 16.12: Cả nước 34.062 ca Covid-19, 1.033 ca khỏi | TP.HCM 1.175 ca | Cà Mau

1.339 ca

Nhờ Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp

Trước tình hình ca nhiễm Covid-19 bệnh tăng vọt, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, vừa có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, để kịp thời khống chế được dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và tử vong, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ khẩn cấp cho thuốc Molnupiravir 50.000 liệu trình (ca) điều trị, Favipiravir 20.000 liệu trình (ca) điều trị.

UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị cho phép khẳng định trường hợp nhiễm Covid-19 bằng test nhanh kháng nguyên. Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nhiều trường hợp xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính, chỉ định xét nghiệm lại bằng phương pháp RT-PCR hầu hết đều dương tính. Để thuận lợi và nhanh chóng phân tầng, cách ly điều trị F0 kịp thời, giảm tốn kém sinh phẩm, hoá chất cho việc sử dụng xét nghiệm PCR, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Y tế cho phép tỉnh Cà Mau xét nghiệm khẳng định nhiễm Covid-19 ở các trường hợp sau:

Trường hợp 1, người nhiễm Covid-19 là trường hợp có xét nghiệm dương tính Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR.

Trường hợp thứ 2, là trường hợp bệnh nghi ngờ, có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế).

Trường hợp thứ 3, là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày và có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với 2 loại test nhanh khác nhau (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do nhân viên y tế thực hiện). Trong trường hợp chỉ có kết quả dương tính với 1 loại test nhanh thì cần phải có xét nghiệm RT-PCR để khẳng định.

Cho phép khẳng định khỏi bệnh Covid-19 bằng test nhanh

F0 điều trị tại nhà đủ 10 ngày, test nhanh âm tính được xác định khỏi bệnh (kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên và test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn hoặc Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh.

Đối với người bệnh Covid-19 điều trị các cơ sở thu dung, điều trị, nếu là người bệnh Covid-19 đơn thuần hay người bệnh Covid-19 có bệnh nền/bệnh kèm theo, thì các triệu chứng lâm sàng cần phải hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc CT từ 30 trở lên hoặc test nhanh âm tính vào trước ngày ra viện (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

Nhiều nơi đang thiếu thiếu hụt ô xy y tế giữa lúc dịch Covid-19 rất căng thẳng

Chi viện khẩn cấp nguồn nhân lực điều trị

UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế khẩn cấp hỗ trợ nguồn nhân lực. Hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm Covid-19 tầng 2 và 3. Hiện tỉnh cần 1 đội 10 người, bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn có kinh nghiệm trong điều trị bệnh trung bình, nặng và nguy kịch.

Hỗ trợ cho các cơ sở y tế thu dung, điều trị F0 tầng 2 và 3, thời gian 3 tuần, bắt đầu từ ngày 20.12.2021 đến 15.1.2022. Hỗ trợ điều trị trường hợp nhiễm Covid-19 tầng 1 tại nhà và tại khu cách ly tập trung. Tỉnh Cà Mau đang cần 5 đội, mỗi đội 8 người, bao gồm 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng có kinh nghiệm quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà. Thời gian 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20.12.2021 đến 22.1.2022.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Bộ Y tế bổ sung vắc xin tiêm mũi bổ sung (mũi 3) cho những người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng. Đồng thời, Cà Mau đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ cấp 65.000 liều vắc xin Pfizer trong tháng 12.2021, để tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, những người có yếu tố nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch, ghép tạng, ung thư, HIV, các bệnh nền nặng,... nhất là đối tượng trên 50 tuổi được tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.