Ca sĩ Thái Hòa: Qua nhạc Trịnh, tôi ngộ được chữ Tâm

04/04/2009 21:48 GMT+7

Đeo đuổi ước mơ phát triển dòng nhạc Trịnh vượt qua biên giới, ca sĩ Nguyễn Hữu Thái Hòa đã, đang và vẫn tiếp tục những hoài bão lớn của mình. Anh đã có dịp chia sẻ với Thanh Niên trong chuyến về Việt Nam biểu diễn nhân ngày giỗ thứ 8 của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa qua.

Hoài bão phát triển “dòng văn hóa” nhạc Trịnh

* Học kiến trúc, làm quản lý chất lượng nhưng lại say mê hát nhạc Trịnh, vậy anh thấy có mối liên hệ nào giữa ba công việc này? Nhạc Trịnh có tác động gì tới công việc và cuộc sống hằng ngày của anh?

- Học kiến trúc cho tôi kiến thức căn bản về tổ chức và khung trong mọi vấn đề. Làm quản lý chất lượng có thể đảm bảo các tiến độ và kết quả đề ra. Bản thân tôi từ hành nghề kiến trúc, có cơ duyên mà chuyển sang làm quản lý chất lượng, cái này hỗ trợ cái kia. Trong khi âm nhạc và nhạc Trịnh Công Sơn cho tôi một phần tâm hồn còn biết “yêu quá cuộc sống này” để tiếp tục làm tốt hai việc kia...

 * Anh từng cho rằng âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn còn "ngủ quên” bởi hoàn cảnh và hậu quả của chiến tranh... Nhưng có vẻ anh rất tự tin và tự hào về hoài bão sẽ tiếp nối phát triển dòng văn hóa này. Tại sao vậy?

- Suốt 8 năm qua, tôi đi trên một con đường đầy những ngẫu hứng và suy tư cùng dòng nhạc Trịnh. Càng đi càng thấy mình vỡ ra nhiều điều thú vị và có cả cay đắng về cuộc sống này. Tôi vẫn tiếp tục ao ước cùng nhạc sĩ “niềm ao ước cuối đời” của ông (năm 2000): mong muốn Ca khúc Da Vàng được tái bản. Ước mong của tôi là truyền đạt lại cho lớp trẻ, cả trong lẫn ngoài nước, về một dòng nhạc tràn đầy tính nhân văn và tình người.

* Là người dành rất nhiều thời gian để hát nhạc Trịnh, tâm huyết nghiên cứu âm nhạc và con người của cố nhạc sĩ, vậy anh đã “ngộ” ra điều gì?

- Tôi ngộ ra được chữ TM, không bằng lời nói suông mà bằng những tình tự âm nhạc đi vào từng thớ thịt làn da của con người. Trịnh Công Sơn có tài năng lớn của một nhạc sĩ xuất chúng, với cái TM của ông, dòng nhạc Trịnh trở thành một thứ Đạo làm người. Thế mới biết “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tôi muốn đưa nhạc Trịnh vào chữ Tâm thực tế giữa đời thường, nó cụ thể, gần gũi và cầm nắm được. Khi tiếp cận các nạn nhân dioxin, tôi hiểu rằng vì sao dòng nhạc của Trịnh Công Sơn trong chiến tranh luôn hướng đến những người yếu thế và thường dân vô tội. Và sức lay động lòng người của dòng nhạc này là rất lớn. Hy vọng rằng những người trẻ hôm nay giữ được cái Tâm đã lưu truyền từ thế hệ đi trước để làm tiếp phần việc cần làm.

* Trong nhiều năm tích cực gìn giữ và quảng bá nhạc Trịnh ra nước ngoài, anh có tìm thấy nhiều người Việt sinh sống ở nước ngoài cùng chung ý tưởng? Mọi người đã làm gì để nhạc Trịnh đến được với cả người nước ngoài, giúp họ hiểu và yêu thích dòng nhạc này?

- Các Fanclub nhạc Trịnh trên mạng, các Hội ái hữu Trịnh Công Sơn, hàng loạt cuốn sách vẫn tiếp tục viết về ông. Đi và hát nhiều dòng nhạc Trịnh trong 8 năm qua, tôi dần dần không thấy khoảng cách biên giới trong dòng nhạc này. Ở đâu, tôi cũng tìm được những người đồng cảm... Đối với người nước ngoài thì hơi khó khăn, vì ý nghĩa triết lý sâu xa trong ca từ của Trịnh Công Sơn đôi khi vượt ra ngoài phạm trù ngôn ngữ có thể diễn tả hoặc biên dịch lại. Các bạn nước ngoài dịch và hiểu được 60% ý nghĩa của ca từ đã là quá tốt.

* Hai tác phẩm Hành trình văn hóa ISO và giấc mơ Việt Nam (NXB Trẻ, 2007), Vườn xưa – Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn (tập 1, NXB Trẻ, 2007) được độc giả trong nước rất yêu thích. Nghe nói trong năm 2009, anh tiếp tục cho xuất bản cuốn Hành trình văn hóa Trịnh Công Sơn do anh chủ biên. Hẳn anh rất yêu thích sách và dành cho nó rất nhiều tâm huyết và thời gian?

- Đúng là tôi yêu văn học và thích viết nhật ký công việc, cũng là thói quen của tôi. Nhưng sau hai ấn phẩm đầu tiên, tôi cẩn thận hơn rất nhiều với sách vở vì phát hiện ra quá nhiều thiếu sót. Tôi cần thêm thời gian đầu tư cho các tập sách sau này. Vì vậy tôi không dám nói trước điều gì, sợ bước không qua... Giấc mơ của tôi là làm sao đất nước sớm phát triển bằng và cả vượt người, nhưng vẫn giữ được cái tâm và tấm lòng rộng mở như triết lý của dòng nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi chọn quê nhà vì “đất nước cần một trái tim”

* Từng sống ở nhiều nơi trên thế giới (Việt Nam, Canada, Pháp, Hồng Kông…), anh thấy thích sống và làm việc ở đâu nhất?

- Rất khó nói, mỗi nơi tôi đã từng sống và làm việc ở mỗi giai đoạn khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau nên cũng có thể cho phép mình so sánh. Ví như tôi thích đời sống đa văn hóa ở Canada và Bắc Mỹ, thích sự năng động và dịch vụ cực tốt ở Hồng Kông. Tôi cũng yêu văn hóa Pháp và sự tĩnh lặng của đất nước này. Tôi làm được thật nhiều việc trong một ngày ở Việt Nam và có nhiều bè bạn... Nhưng nếu chỉ chọn một, tôi xin chọn quê nhà... bằng một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Tôi chọn nơi này... vì đất nước cần một trái tim... Và như thế, tôi sống vui từng ngày... Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi...”.

* Có bao giờ anh tính lại xem mình đã từng làm qua tất cả bao nhiêu nghề? Và nghề gì để lại cho anh những kỷ niệm khó quên nhất?

- Bạn có biết một sinh viên sống ở Canada có thể làm bao nhiêu nghề để tự trang trải việc học đến lúc tốt nghiệp không? Tôi tin là không dưới 5. Như thế, việc năng động và chịu khó lao vào cuộc sống, tuy có nhiều rủi ro, nhưng sẽ giúp bạn sớm trưởng thành hơn... Có lẽ ca hát đem lại cho tôi nhiều hạnh phúc và kỷ niệm nhất, để tôi được trải lòng cùng cuộc sống mà không phải chịu bất kỳ một ràng buộc gì.

* Một ngày của tổng giám đốc chất lượng quản lý thường bắt đầu và kết thúc ra sao?

- Một nụ cười trẻ thơ (của con gái cưng) và một câu hát của Trịnh Công Sơn về tình yêu. Dĩ nhiên khoảng giữa là một cuộc sống bận rộn nhưng hiệu quả.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

- Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc tại Canada.

 
Ca sĩ Thái Hòa và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn



- 1997: Phó giám đốc hoạch định phương thức sản xuất và vận hành hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 của đoàn công nghiệp điện Schneider Electric tại Việt Nam.

- 2001: Anh là người châu Á đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bộ phận quốc tế vụ tại Tập đoàn Schneider Electric tại Pháp.

Hiện anh sống và làm việc tại Hồng Kông, là Tổng giám đốc Chất lượng quản lý hơn 40 nhà máy của Công ty Schneider Electric tại châu Á – Thái Bình Dương. Đang là cố vấn trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ về chất lượng, lãnh đạo dự án BiC (Best in Class) của Bộ Khoa học - Công nghệ tại các tỉnh phía Nam.

- Về nước biểu diễn hằng năm nhân ngày giỗ (1.4) của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

- Tổ chức Quỹ Da Vàng giúp đỡ nạn nhân dioxin Việt Nam.

- Album nhạc Trịnh mới nhất: Mẹ - Cánh chim cô đơn.

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.