‘Các bạn tôi ở trên ấy’ - câu chuyện dài day dứt về xứ đẹp nguyên sơ

Kiều Bích Hậu
Kiều Bích Hậu
20/06/2021 10:00 GMT+7

Tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc là một hiện thực mang màu cổ tích hiếm hoi còn sót lại trên đất nước Việt Nam chúng ta, cuộc sống của người Ba Na ở Tây Nguyên.

Đọc Các bạn tôi ở trên ấy, nỗi nuối tiếc của người đọc cứ lớn mãi, lớn mãi theo từng trang sách lật qua, trở thành nỗi đau khôn nguôi trước một vẻ đẹp tuyệt mỹ mà quá đỗi mong manh của cuộc sống hoang sơ, đang dần mờ khuất bởi sự lấn át, sự hỗn độn của đời sống văn minh hôm nay.
Trước tiên đó là rừng, rừng Tây Nguyên qua ngòi bút dày dạn và tinh tế của nhà văn gạo cội Nguyên Ngọc, hiện lên mạnh mẽ, bí ẩn mà cuốn hút đầy ma lực. Rừng là nguồn cội của chúng ta, tạo nên chúng ta. Rừng là Mẹ và dường như hào phóng cho chúng ta ăn, cho chúng ta ở, nương náu, cho chúng ta bao vật báu. Rừng giàu có và bao dung. Nhưng có lẽ, chúng ta chẳng thể bao giờ hiểu hết rừng, kể cả những người Ba Na sống cận kề rừng, ăn rừng, ngủ rừng, sống cùng rừng.
Nguyên Ngọc viết: “Rừng vây bọc lấy con người, đi vào tận trong xương thịt máu huyết con người, thậm chí là một phần “bản nguyên” của con người…”. Và trong huyền thoại của Tây Nguyên, có những lâm - nhân kỳ bí khiến người ta say mê như “Gung hut” (chàng Giung điên). “Anh là biểu hiện ước muốn của con người được là chính mình, bất chấp các chuẩn mực và cấm kỵ… Rừng có thể ám con người, làm cho con người thành điên, để cho con người có thể tìm lại được chính mình, cái sự thật mình vẫn tự che dấu, lột đi mọi lớp vỏ “phức tạp” mà xã hội mặc lên cho con người”.
Người Tây Nguyên sống bằng đạo lý của rừng, rừng xanh đại ngàn làm nên cuộc sống huyền thoại có thực của người Tây Nguyên, nhưng là người từng có nửa cuộc đời gắn bó với nơi này, nhà văn Nguyên Ngọc nuối tiếc viết: “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngàu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết. Chỉ lo sợ. Rất lo sợ”.
Qua từng chương sách, tác giả kể cho chúng ta miên man những câu chuyện thực sự khác biệt về người Tây Nguyên và triết lý sống của họ. Có thể nói đó là những gì hoàn toàn trái ngược với quan điểm sống hiện đại của chúng ta, với những gì chúng ta được học ở nhà trường, trong cuộc sống và đọc trên các phương tiện truyền thông. Nhưng chính những khác biệt trong triết lý và lối sống người Tây Nguyên đã mang lại cho độc giả như tôi một niềm an ủi mạnh mẽ, một sự cân bằng trong tâm trí giữa dòng đời căng thẳng triền miên với những phức tạp của phát triển hiện đại. Ví dụ một ngày thình lình không hẹn trước, bạn có thể đến chơi nhà một người Tây Nguyên, bạn sẽ được chủ nhà xiết bao ngạc nhiên đón tiếp nồng hậu với cá suối, rau rừng, và bếp lửa nồng ấm tình người vây bọc, bạn sẽ được “những người chủ của rừng hào phóng chia sẻ một đêm hạnh phúc mà họ dư thừa…”.
Vậy đó, còn người văn minh chúng ta thì sao? Tôi chợt xấu hổ khi mình từng đòi hỏi người quen nếu muốn gặp mình phải hẹn trước một tuần hoặc vài ngày, rồi đem so sánh việc người phương Tây còn yêu cầu hẹn trước cả tháng thì mới sắp xếp được lịch gặp. Tại sao vậy? Vì chúng ta quá bận rộn công việc, sự vụ hàng ngày. Tất cả những cái đó để mưu cầu cho được nhiều tiền hơn, nhiều danh tiếng hơn, sở hữu nhiều thứ hơn… Để làm gì? Để mà không thể hào phóng đón người thân, thậm chí người lạ đến với mình bất cứ lúc nào như người Tây Nguyên! Như vậy không đáng buồn lắm sao? Chúng ta càng có nhiều những tiện nghi, lối sống càng văn minh, thì dường như sự hào phóng, và hạnh phúc càng vắng bóng.
Quan điểm của người Tây Nguyên cũng thật khác biệt vì đối với họ lao động không phải là giá trị. Họ chỉ cần làm ra đủ ăn, không thể hiểu cần tích lũy để làm gì. Giá trị đối với người Tây Nguyên, ấy là làm ra cái thích thú: âm nhạc, các cuộc tình, các ché rượu và những câu chuyện huyền thoại mà họ kể hay sống hàng đêm. Triết học của họ là “Cuộc sống thường nhật chỉ khai thác một phần nhỏ trong các khả năng của con người, chỉ là phần nổi của tảng băng. Một phần của cái còn lại, được nhìn thấy trong giấc mơ và được kể trong huyền thoại”. Ban ngày họ chỉ tồn tại, lao động vừa đủ để thể xác tồn tại. Ban đêm, qua các câu chuyện được kể bên bếp lửa, qua tiếng đàn, giọng hát, họ mới thật sự sống với những vấn đề trọng đại nhất, trăn trở nhất, triết học sống còn nhất của người.
Chính cuốn bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của Nguyên Ngọc là một câu chuyện thật dài và đầy day dứt về vẻ đẹp nguyên sơ, cổ xưa của con người còn tồn tại đến nay, chỉ còn sót lại ở Việt Nam chúng ta, mà rồi cũng đang dần biến mất. Cái gì đẹp quá, thường vốn rất mong manh. Có lẽ, nó chỉ còn trên trang sách của nhà văn Nguyên Ngọc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.