(TNO) Sau 2 lần tạm hoãn, ngày 1.10, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm vụ án công an ''dùng nhục hình'' khiến 7 thanh niên vô tội bị bắt oan ở H.Trần Đề (Sóc Trăng).
Anh Khâu Sóc (bên phải) và anh Thạch Sô Phách tại phiên tòa sáng 1.10 |
Có 3 bị cáo có liên quan, được đưa ra xét xử gồm Nguyễn Hoàng Quân (38 tuổi), nguyên thiếu tá, Đội trưởng Đội hướng dẫn, điều tra án xâm phạm nhân thân thuộc PC45, Công an tỉnh Sóc Trăng; Triệu Tuấn Hưng (34 tuổi, nguyên đại úy, Phó đội trưởng), cùng bị truy tố về tội ''dùng nhục hình'' và Phạm Văn Núi (57 tuổi, nguyên Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) bị truy tố về tội ''thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng''.
Bị cáo Hưng thuê 5 luật sư tham gia bào chữa, bị cáo Quân không thuê luật sư mà tự bào chữa.
Vụ án có 3 bị hại gồm các anh Trần Văn Đở, Thạch Sô Phách và Khâu Sóc (cùng ngụ H.Trần Đề). Tại phiên tòa bị hại Đở vắng mặt.
Đại diện Viện KSND đọc cáo trạng
|
Liên tục dùng nhục hình?
Theo cáo trạng Viện KSND tối cao, khoảng 22 giờ ngày 13.7.2013, tại phòng làm việc PC45, Công an tỉnh Sóc Trăng, Hưng đã dùng khóa số 8 treo một tay anh Đở theo chiều thẳng đứng vào khung hoa sắt cửa sổ, chỉ để 2 đầu bàn chân chạm sàn nhà. Sau đó, dùng tay đánh, dùng gối thúc vào bụng để ép buộc anh Đở khai nhận có tham gia giết ông Dũng.
Đến 23 giờ cùng ngày, Quân tiếp tục treo tay còn lại của anh Đở vào khung hoa sắt, chỉ 2 đầu bàn chân chạm sàn và dùng tay, chân đấm đá ép anh Đở khai nhận có giết ông Dũng.
Triệu Tuấn Hưng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm
|
Ngày 14.7.2013, tại trụ sở PC45, anh Phách được Hưng lấy lời khai. Hưng cũng dùng thủ đoạn nhục hình giống như anh Đở là lấy hai còng số 8 treo cao hai tay anh Phách vào khung sắt, sau đó dùng dùi cui cao su đánh mạnh nhiều cái vào chân, tay để ép Phách khai nhận có giết ông Dũng.
Ngoài ra, ngày 20.7.2013, Hưng còn dùng khăn lau bàn gói cục nước đá lạnh đặt vào bộ phận sinh dục để ép buộc anh Phách khai nhận tội. Do không chịu nổi hình thức tra tấn, anh Phách đã khai nhận có tham gia giết ông Dũng.
Ngày 14.7.2013, trong lúc lấy lời khai anh Sóc, Quân đã túm tóc đập mạnh đầu anh Sóc vào tường, dùng tay không tát nhiều cái vào mặt, dùng dùi cui cao su đánh nhiều cái vào lưng để ép anh Sóc có tham gia giết ông Dũng.
Quá trình điều tra, Quân và Hưng không thừa nhận hành vi dùng nhục hình đối với anh Sóc, Phách và Đở. Tuy nhiên, theo lời khai của các nhân chứng là Nguyễn Văn Lượng và Hồ Trung Hiếu (cán bộ điều tra Phòng PC 45) được giao nhiệm vụ canh giữ anh Đở thì đã chứng kiến Quân, Hưng đã dùng nhục hình anh Đở tại Cơ quan CSĐT. Vì vậy, Viện KSND tối cao có đủ cơ sở kết luận hành vi dùng nhục hình của bị can Quân và Hưng.
Đối với bị cáo Núi, mặc dù được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra ngày từ đầu hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng Núi đã không phát hiện được những thiếu sót trong quá trình khám nghiệm tử thi, không xác đình được thời gian nạn nhân tử vong, không xác đình cơ chế hình thành dấu vết.
Quá trình nghiên cứu hồ sơ đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp của Cơ quan CSĐT, do không nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật nên Núi đã không phát hiện việc Cơ quan CSĐT bất khẩn cấp các thành niên bị oan không đúng quy định. Mặc dù các nghi can không nhận tội và trình bày chứng cứ ngoại phạm.
Bị cáo không thừa nhận hành vi dùng nhục hình
Tại phiên xét hỏi, bị cáo Quân đã phủ nhận hành vi dùng nhục hình với 3 thanh niên trên.
Trả lời HĐXX là trong quá trình điều tra, bị cáo có dùng nhục hình với anh Sóc và anh Phách? Bị cáo Quân không thừa nhận dùng nhục hình mà chỉ thừa nhận có dùng tay tát vào mặt anh Sóc một cái.
HĐXX hỏi vì sao bị cáo tát anh Sóc, mục đích gì về nguyên tắc điều tra viên có được phép tác nghi can trong quá trình điều tra? Bị cáo Quân nói do nóng tính, bực tức và do anh Sóc không hợp tác nên mới dùng tay tát vào mặt. Còn trong quá trình điều tra nghi can thì điều tra viên không được phép đánh nghi can, tuy nhiên bị cáo Quân cho rằng đó chỉ là buổi tiếp xúc, chứ không phải trong lúc điều tra.
HĐXX hỏi vì sao anh Phách và chị Diễm bị ép phải tự nguyện ra đầu thú? Bị cáo Quân nói trong quá trình điều tra, anh Phách đã khai nhận có tham gia, giết ông Dũng và chị Diễm đã nhìn thấy. Theo pháp luật người thừa nhận tội nếu tự nguyện ra đầu thú sẽ được khoan hồng của pháp luật nên bị cáo mới hướng dẫn anh Phách, chị Diễm đi đầu thú.
Bị cáo Quân cũng khai nhận, trong quá trình điều tra vụ án giết người, giữa bị cáo Quân và một số cán bộ điều tra viên có mâu thuẫn.
Chiều cùng ngày tòa tiếp tục phần xét hỏi các bị can.
Bị bắt oan
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, rạng sáng 6.7.2013, tại ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2 (H.Trần Đề) xảy ra vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân được xác định là ông Lý Văn Dũng (hành nghề xe ôm, ngụ H.Trần Đề).Hai ngày sau, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng lập Ban chuyên án, đồng thời tiến hành khởi tố vụ án, huy động nhiều điều tra viên tập trung phá án. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng tiến hàng bắt tạm giam 7 thanh niên ở H.Trần Đề gồm anh Khâu Sóc, Thạch Mươl, Thạch Sô Phách, Trần Văn Đở, Trần Cua, Trần Hol về hành vi ''giết người'' và Nguyễn Thị Bé Diễm, khởi tố cho tại ngoại về hành vi ''không tố giác tội phạm''.
Khi vụ án chuẩn bị kết thúc điều tra thì ngày 18.11.2013, Lê Mỹ Duyên (15 tuổi, quê Kiên Giang) và Phan Thị Kim Xuyến (17 tuổi, quê Sóc Trăng) ra công an tự thú khai nhận mình là hung thủ giết chết ông Dũng để cướp tài sản.
Qua điều tra, lời khai của Duyên và Xuyến phù hợp với tình tiết của vụ án giết ông Dũng. Cơ quan CSĐT quyết đinh khởi tố Duyên tội ''giết người'' và “cướp tài sản”. Riêng Xuyến chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên được đưa vào trại giáo dưỡng.
Sau khi Duyên, Xuyến ra đầu thú, lần lượt 7 thanh niên bị khởi tố, bắt giam oan sai trên được thả tự do.
Sau đó, anh Phách, Sóc và Đở đã làm đơn tố cáo một số cán bộ điều tra, cho rằng trong thời gian bị tạm giam họ bị đánh đập, dùng nhục hình, ép cung bằng nhiều hình thức để buộc họ thừa nhận giết chết ông Dũng.
|
Bình luận (0)