Bộ LĐ-TB-XH vừa trình Chính phủ dự thảo lần cuối Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật An toàn vệ sinh lao động (có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016) về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
Điều 6 của dự thảo quy định Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan có thẩm quyền cấp, gia hạn, cấp lại, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với tổ chức kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Để có cơ sở cấp phép, các bộ chuyên ngành gửi Bộ LĐ-TB-XH ý kiến thẩm định, đánh giá về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định thuộc lĩnh vực của bộ, ngành đó quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan cấp phép cho các đơn vị kiểm định (đăng kiểm), kể cả ở các lĩnh vực chuyên ngành do bộ khác quản lý như Bộ Xây dựng (ví dụ máy thi công công trình, hệ thống cốp pha...), Bộ Công thương (điện lực, hóa chất, máy công nghiệp), Bộ GTVT (thiết bị lắp trên tàu biển, công trình biển)...
Tuy nhiên, đề xuất trên gây ra nhiều ý kiến lo ngại chồng chéo trong quản lý, tạo thêm “giấy phép con”, thủ tục hành chính không cần thiết. Phản hồi lại đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH, các bộ Công thương, Xây dựng, GTVT đã có văn bản đề nghị Chính phủ chủ trì làm việc với các bộ ngành xem xét, thống nhất lại dự thảo. Theo Bộ GTVT, quy định trên sẽ khiến một tổ chức kiểm định gặp khó khăn do vừa phải được chỉ định bởi các bộ chuyên ngành, lại phải xin giấy phép của Bộ LĐ-TB-XH.
Sáng 30.5, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với các bộ liên quan đến vấn đề này. Cuộc họp đi tới kết luận yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan theo hướng giao thẩm quyền cho các bộ quản lý ngành thực hiện việc cấp phép, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định như hiện nay.
Bình luận (0)