Các bộ ngành, doanh nghiệp cần hiểu rõ các cam kết

30/05/2006 00:14 GMT+7

Bên lề Hội nghị SOM II, APEC 2006 tại TP.HCM ngày 29/5, Đại sứ VN tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngô Quang Xuân đã có cuộc trao đổi với báo giới về một số vấn đề liên quan đến nội dung đàm phán gia nhập WTO giữa VN với Mỹ.

* Được biết, chúng ta đã nhượng bộ khá nhiều trong việc đàm phán mức thuế nhập khẩu thịt bò từ Mỹ vào VN? Trước mắt, VN cần chuẩn bị gì, thưa Đại sứ?

- Đây là sản phẩm nhạy cảm, không riêng gì VN gặp phải. Mỹ là nước xuất khẩu thịt bò rất mạnh nên chắc chắn là yêu cầu giảm thuế và mở rộng chủng loại. Tôi nghĩ, việc giảm thuế nhập khẩu thịt bò từ Mỹ vào VN sẽ ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước, không mất hết nhưng chắc chắn sẽ khó khăn. Tuy nhiên, mình phải xác định những lĩnh vực ưu tiên của mình; trước mắt vừa bảo vệ thị trường trong nước, vừa tìm cách thâm nhập thị trường các nước. Vấn đề là các bộ, ngành có sẵn sàng không? Các DN có sẵn sàng không? Điều cần thiết hiện nay là làm thế nào cho các bộ, ngành địa phương và các DN hiểu rõ cam kết trong cuộc đàm phán vừa rồi và phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Theo tôi, chúng ta chưa phổ biến hoặc đã phổ biến quá ít... Đơn cử như trong vấn đề thuế, chắc chắn phải giảm, thậm chí giảm tới 2/3, vì vậy chúng ta phải tập huấn cho DN biết ngay chứ cứ tồn tại như kiểu cũ thì dứt khoát không được. Thú thực, tôi thấy rất sốt ruột cho sự phối hợp này.

* Đại sứ có thể cho biết những lộ trình chúng ta thực hiện trong đàm phán này như thế nào? Với VN, lộ trình nào sau khi gia nhập WTO là có lợi nhất?

- Chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để kết thúc đàm phán đa phương, cứ cho là tháng 10 tới chúng ta được kết nạp, sau đó Quốc hội sẽ xem xét và phê chuẩn Nghị định thư tham gia WTO, có nghĩa là vào khoảng giữa tháng 11 thì VN sẽ chính thức là thành viên của WTO.

Theo tôi, chúng ta cần thực hiện lộ trình trung và dài hạn là phù hợp. Còn với lộ trình ngắn hạn thì sẽ rất khó khăn, nhất là đối với các DN vừa và nhỏ và khối DN nhà nước vốn quen dựa vào bao cấp. Trong 1 hay 3 năm, thậm chí là 4 - 5 năm tới là thời gian rất khó khăn cho hàng hóa, thương hiệu của VN khi các mặt hàng chất lượng tốt, giá rẻ nước ngoài tràn vào. Các nhà sản xuất trong nước sẽ rất điêu đứng, có thể lắm chứ, thậm chí một số mặt hàng sẽ phải hy sinh. Trung Quốc cũng vậy, sau 1 năm gia nhập WTO, rất nhiều DN vừa và nhỏ phá sản nhưng bây giờ họ mạnh kinh khủng. Tuy nhiên, rất nhiều bạn bè quốc tế nhận xét, gặp khó khăn, người VN sẽ vươn lên mạnh mẽ và tôi cũng tin như vậy.

Hôm nay 30/5, sẽ diễn ra phiên họp toàn thể để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Thương mại vào ngày 1/6.

Chuẩn bị cho phiên họp toàn thể

Ngày 29/5, Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần II (SOM II) đã bước vào phiên họp không chính thức với đầy đủ 21 Trưởng SOM thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC. 4 nội dung chính được thảo luận trong phiên họp gồm: Thúc đẩy vòng đàm phán Doha; Thực hiện các mục tiêu chủ yếu của lộ trình Busan; Thống nhất xây dựng khuôn mẫu về tự do, thương mại, đầu tư trong khu vực APEC; giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ khối APEC. Vấn đề được các nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là VN quan tâm là việc trợ giá nông nghiệp của các nước EU, Mỹ khiến cho một số hàng hóa nông sản cùng loại của các nền kinh tế đang phát triển mất khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và liên kết dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.