Viết sách để biện minh
|
Đầu tháng 6, cựu Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, 82 tuổi, giới thiệu cuốn Trần Hy Đồng tự thuật do Nhà xuất bản Thế Kỷ Mới (Hồng Kông) phát hành, theo mạng tin tức Sina Hồng Kông.
Nhậm chức Thị trưởng Bắc Kinh năm 1989 rồi Bí thư Thành ủy Bắc Kinh vào năm 1992, ông Trần bị phát giác tham nhũng từ năm 1995. Sau đó, cựu Bí thư Trần mất hết mọi chức vụ trong đảng Cộng sản Trung Quốc và bị kết án 16 năm tù hồi năm 1998. Đến năm 2004, ông Trần được bảo lãnh tại ngoại để chữa bệnh. Cuốn sách Trần Hy Đồng tự thuật là ghi chép thực tế sau 8 lần trao đổi giữa học giả nổi tiếng Trung Quốc Diêu Giám Phục với cựu Bí thư Trần khi ông này được điều trị tại Bắc Kinh từ năm 2010-2012.
Theo tờ The New York Times, ông Trần, thông qua cuốn sách trên, phủ nhận toàn bộ những gì mà ông bị lên án như: đưa tin sai, quá cường điệu về phong trào sinh viên dẫn đến sự kiện Thiên An Môn ngày 4.6.1989. Mặc dù thừa nhận nhiều trách nhiệm, nhưng ông vẫn khẳng định mình không phải là tổng chỉ huy việc thiết quân luật trong sự kiện trên. Cựu Bí thư Trần biện minh rằng ông mong muốn tìm kiếm biện pháp ôn hòa nhưng không thành. Tuy nhiên, ông lại không tiết lộ ai là người trực tiếp chỉ huy thiết quân luật.
Ngoài ra, ông Trần còn cho rằng ông là nạn nhân, bị ám hại bởi một số đối thủ chính trị nên phải hứng chịu những cáo buộc tham nhũng đầy “vô lý”. Cựu Bí thư Trần cũng nói vụ án của ông là “không công bằng nhất trong tố tụng tư pháp đối với các nhà lãnh đạo cấp cao kể từ thời Cách mạng văn hóa”. Đồng thời, ông tuyên bố: “Các đối thủ chính trị có thể không từ thủ đoạn nào để giành chính quyền”.
Bi kịch cựu tổng bí thư
|
Ông Triệu Tử Dương (17.10.1919 - 17.1.2005), người từng giữ chức Thủ tướng (1980-1987) và Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc (1987-1989) cũng có một kết thúc đáng buồn. Với thành tích tiến hành nhiều biện pháp cải cách, góp phần lớn vào việc tăng trưởng sản xuất và hạn chế tình trạng tham nhũng, ông Triệu từng được đề cử làm lãnh đạo thay thế ông Đặng Tiểu Bình. Thế nhưng, cựu Tổng bí thư Triệu đã bị mất chức và rời khỏi Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc vì phản đối thiết quân luật trong sự kiện Thiên An Môn. Ông sống 15 năm cuối đời trong hoàn cảnh bị quản thúc tại gia. Trong suốt thời gian này, ông phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt gồm: chỉ được tiếp khách tại nhà nhưng không được gặp phóng viên và khách nước ngoài; tham gia những hoạt động khác bên ngoài phải có cảnh sát đi theo, được phép tản bộ ở công viên nhưng có thể bị ngăn cản nếu đến những nơi đông người; không được đến sân golf vì những nơi này hầu hết có vốn đầu tư từ nước ngoài; nếu đi ngoại tỉnh, không được lui tới những khu vực duyên hải hoặc khu vực nhạy cảm; phải làm báo cáo kế hoạch để trung ương phê chuẩn.
Ông Triệu từng nhiều lần viết thư cho cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân yêu cầu gỡ bỏ lệnh quản thúc trên. Trong một lá thư, ông Triệu viết: “Từ tháng 6.1986 tôi bị quản thúc. Điều này có hại nghiêm trọng tới sức khỏe một người gần 80 tuổi như tôi. Tôi hy vọng lệnh quản thúc này sớm bị gỡ bỏ để sự tự do của mình được khôi phục”. Thế nhưng, chẳng những lệnh quản thúc không được gỡ bỏ mà trong khoảng thời gian từ tháng 10.1997 - 12.1999 nó còn thắt chặt hơn, như: cấm tiếp khách, cấm đi ra ngoài. Đến ngày 17.1.2005, báo đài Trung Quốc đăng tải một tin vắn tắt về việc cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương qua đời mà không đề cập gì về chức vụ ông từng đảm nhiệm. Đám tang của ông diễn ra trong lặng lẽ và trở thành đề tại được báo chí quốc tế bàn luận sôi nổi.
Tự sát bất thường
|
Chiều 4.5.1995, Phó thị trưởng Bắc Kinh khi ấy là ông Vương Bảo Sâm, cộng sự thân tín nhất của cựu Bí thư Trần Hy Đồng, tự sát trên núi bằng cách bắn vào đầu. Ông Trần cũng chính là người cuối cùng trò chuyện với ông Vương. Một số thông tin cho rằng cựu Phó thị trưởng Vương tự sát vì hoảng sợ khi bị điều tra về tham nhũng. Sau khi ông Vương chết, dư luận Trung Quốc rộ lên thông tin về việc ông Trần nhận các khoản hối lộ khổng lồ. Kế đến, ông Trần đã bị điều tra và kết án 16 năm tù giam vì tội tham nhũng.
Trong khi đó, đến nay, cái chết của ông Vương vẫn là một bí ẩn.
Tiết lộ mới về vụ Bạc Hy Lai Cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị xem là “tội đồ” khiến cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai của thành phố này rơi vào cảnh thân bại danh liệt. Tuy nhiên, đến nay, chi tiết về sự đối đầu giữa hai ông Bạc - Vương, từng là cặp bài trùng một thời, vẫn rất bí ẩn. Mới đây, tờ The New York Times loan tin ông Vương khai với các nhà điều tra tại Trung Quốc rằng ông từng bị cựu Bí thư Bạc đấm vào mặt. Hành động trên xảy ra trong một cuộc họp hồi cuối tháng 1.2012 khi cựu Giám đốc Công an Vương thông báo bà Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc, liên quan đến cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood. Tuy nhiên, tờ The New York Times lại dẫn một số nguồn tin thân cận của ông Bạc với diễn biến câu chuyện không giống như thế. Theo đó, khi được ông Vương thông báo vào ngày 18.1 rằng bà Cốc Khai Lai dính líu đến cái chết của doanh nhân Heywood, cựu Bí thư Bạc đã nói: “Hãy để tôi một mình trong chốc lát. Tôi sẽ suy nghĩ về việc này”. Sau đó, ông Bạc hứa với ông Vương là sẽ cho tiến hành điều tra vụ việc một cách công tâm, sẵn sàng bắt bà Cốc Khai Lai. Điều đó khiến ông Vương yên tâm. Nhưng đến ngày 21.1, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trùng Khánh Trần Tồn Căn thông báo rằng ông Vương bị cách chức Giám đốc công an. Ngày 28.1, ông Vương bị điều chuyển khỏi ngành công an. Đây có thể là nguyên nhân khiến ông này chạy vào Sứ quán Mỹ tại Thành Đô hồi tháng 2 và dẫn đến sự kiện cựu Bí thư Bạc bị cách chức. Chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về các thông tin trên. |
Lucy Nguyễn
Bình luận (0)