Các chủ đầu tư khu công nghiệp gặp khó

08/05/2011 00:23 GMT+7

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hoang vắng ở các khu công nghiệp (KCN) (Thanh Niên đã phản ánh trên số ra ngày 2.5)? Các chủ đầu tư KCN nói gì về sự chậm trễ hiện nay?

 

Các chủ đầu tư KCN đang gặp rất nhiều khó khăn (trong ảnh là hoạt động triển khai hạ tầng ở KCN Hàm Kiệm II, Bình Thuận) - Ảnh: T.Q.D

Khủng hoảng kinh tế thế giới khiến đầu tư nước ngoài giảm sút, cơ sở hạ tầng bên ngoài KCN đầu tư chậm trễ, ngân hàng ngừng cho vay vốn... là các nguyên nhân được nhiều chủ đầu tư KCN nêu ra khi trả lời phỏng vấn của Thanh Niên.

Điều kiện hạ tầng yếu kém

Ông Trần Văn Nhựt, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, nhận định một trong những nguyên nhân khiến tiến độ đầu tư các KCN ở Bình Thuận hiện chậm là cơ sở hạ tầng của tỉnh còn yếu và thiếu. Hiện nay, xe lưu thông đường bộ từ TP.HCM đến Phan Thiết phải mất nhiều giờ.

Bình Thuận lại chưa có cảng, chưa có sân bay nên việc lưu thông hàng hóa sẽ khó khăn cho các KCN. Điều này khiến các DN ngại bỏ vốn đầu tư thuê đất trong các KCN.

Cũng theo ông Nhựt, hiện nay Bình Thuận đang khẩn trương triển khai đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Dự kiến tháng 6 này sẽ khởi công cảng nước sâu Kê Gà và quy hoạch sân bay Phan Thiết trình Chính phủ phê duyệt.

Q.H

Ông Đỗ Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Bình Tân (đồng thời là TGĐ Công ty hàng tiêu dùng Bình Tân - Bita’s), chủ đầu tư KCN Hàm Kiệm II (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết trong số các nguyên nhân khiến KCN này đến nay chưa hoàn thành toàn bộ công trình, việc thiếu hạ tầng ở địa phương là quan trọng nhất. Tỉnh Bình Thuận có đường biển dài hơn 190 km nhưng lại chưa có cảng biển; đường bộ cách TP.HCM chỉ 180 km nhưng thời gian di chuyển mất 5 - 6 giờ. Chi phí vận chuyển container cũng cao hơn các nơi khác...

Một chủ đầu tư KCN khác cho biết, trước khi khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra năm 2007, công ty ông có rất nhiều đối tác là nhà đầu tư nước ngoài ký cam kết mở nhà máy ở Việt Nam, đảm bảo đầu ra ổn định cho KCN của mình. Sau khi khủng hoảng kinh tế bùng phát, các cam kết vẫn còn hiệu lực, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại không còn đủ khả năng tài chính để triển khai. “Chúng tôi không bao giờ muốn tình trạng chậm trễ đầu tư KCN xảy ra. Vì đã là doanh nghiệp, chúng tôi cần triển khai kinh doanh để mang lại lợi nhuận, giải quyết công ăn việc làm”, nhà đầu tư này bộc bạch.

Đồng tình với lý giải trên, ông Đỗ Long nói thêm, Công ty Bình Tân đã xác định bên cạnh lĩnh vực giày dép, đầu tư hạ tầng KCN là ngành nghề thứ hai mà công ty đeo đuổi dù thực tế rất nhiều khó khăn. Nhất là trong điều kiện giá cả vật liệu xây dựng không ngừng tăng cao. Đặc biệt gần đây, việc xây dựng hạ tầng KCN được xem thuộc nhóm ngành phi sản xuất, cho nên các ngân hàng đã hạn chế cho vay. “Mặc dù đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, nhưng Bình Tân vẫn cố gắng triển khai dự án KCN Hàm Kiệm II. Với diện tích 433 ha, qua 3 năm, chúng tôi đã hoàn chỉnh 120 ha để có thể kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy. Ngay trong quý 2/2011 này, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng nhà máy xử lý nước thải do Tập đoàn Magna của Israel đầu tư”, ông Long nói.

Một khó khăn khác được các chủ đầu tư thừa nhận là tình trạng có quá nhiều KCN hiện nay trong khi nhà đầu tư thuê đất ở KCN thì có hạn... Sự cạnh tranh lẫn nhau gay gắt trong việc thu hút nhà đầu tư cũng là vấn đề nan giải đối với các chủ đầu tư KCN.

Cần rà soát lại tình hình, không cấp phép mở quá nhiều KCN trên cùng địa bàn, một chủ đầu tư KCN kiến nghị. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét tạo điều kiện cho các chủ đầu tư KCN vay vốn, bởi lẽ “đầu tư KCN là để thu hút các nhà máy vào sản xuất, vì vậy không nên xếp ngành này vào nhóm phi sản xuất”, ông Đỗ Long nói. Ông cũng đề xuất trong tình hình khó khăn hiện nay, Nhà nước nên chấp nhận cho chủ đầu tư KCN bằng nguồn lực tự có để thực hiện công trình theo cách cuốn chiếu, khi thuận lợi sẽ tăng tốc như đã cam kết. 

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.