Các đội hạng nhất được góp vốn vào VPF

10/10/2011 23:50 GMT+7

Chiều qua 10.10, ông Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp và Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc làm việc về đề án Công ty VPF.

Chiều qua 10.10, ông Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban Bóng đá chuyên nghiệp và Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc làm việc về đề án Công ty VPF.

Theo dự thảo được công bố tại Hội nghị chủ tịch các CLB cách đây 10 ngày, bầu Kiên đã đề xuất vốn điều lệ thành lập công ty là 21 tỉ 875 triệu đồng, trong đó VFF chiếm thế “thượng phong” với 7 tỉ 875 triệu đồng (cổ đông lớn nhất), chiếm 35,6%. 14 tỉ đồng còn lại thuộc về 14 CLB của V-League (không có sự góp vốn của các CLB hạng nhất). Nhưng sau khi nhận ý kiến phản biện của nhiều nơi, ban soạn thảo đã đồng ý cho 10/14 CLB hạng nhất cùng góp vốn.

Ông Phạm Ngọc Viễn nói: “VPF tổ chức cả giải ngoại hạng lẫn hạng nhất mà không cho phép hạng nhất cùng đóng góp cổ phần thì rất bất hợp lý. Hiện tại chỉ còn 4 CLB hạng nhất chưa là doanh nghiệp mà hạn cuối cùng là năm 2013, nếu không kịp chuyển đổi thì không những không được đóng góp cổ phần mà sẽ bị đánh tụt hạng”. 

 
Các ông bầu đang đẩy nhanh tiến trình thành lập VPF - Ảnh: Hoàng Anh 

Như vậy, trước mắt sẽ có 24 CLB góp vốn mà theo ông Viễn: “Số vốn có thể tăng lên, lớn hơn con số gần 22 tỉ đồng như dự kiến, nhưng phần đóng góp của mỗi CLB sẽ thấp đi và đặc biệt tỷ lệ góp vốn vẫn không thay đổi. Nghĩa là VFF vẫn chiếm 35,6%, và có quyền phủ quyết các quyết định trọng yếu của công ty nhằm thực hiện đúng định hướng của VFF thông qua các đại diện tại VPF”.

Trong cuộc họp chiều qua, tuy thống nhất cao độ chủ trương phải thành lập VPF ngay trước mùa giải 2012 nhưng hai bên chưa bàn bạc về cơ cấu tổ chức bộ máy hay nhân sự Hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc. Ông Viễn cho biết: “Cơ quan quyền lực cao nhất của VPF là Đại hội cổ đông. Các cổ đông sẽ bầu HĐQT. Sau đó sẽ bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc điều hành cùng các vị trí chủ chốt khác. VFF sẽ không can thiệp sâu vào công tác nhân sự mà sẽ giao toàn quyền cho các doanh nghiệp. VFF có thể sẽ chỉ tham gia 1 thành viên vào HĐQT của VPF”. Tuy nhiên, ông Viễn cũng khẳng định lại một lần nữa, về cơ bản, VFF sẽ rất chủ động trong việc quản lý và điều hành các giải đấu, chứ không làm “bù nhìn” cho ông bầu.

Tránh tình trạng mâu thuẫn, mất đoàn kết giữa hai “lực lượng”, Công ty VPF sẽ quy định rất rõ trong điều lệ như sau: Nếu các đại diện VFF muốn ra các quyết định, cần phải nhận sự ủng hộ của ít nhất 1/2 số CLB để đạt tỷ lệ trên 65%. Nếu trên 50% số CLB cùng thống nhất ý kiến nhưng các đại diện VFF phủ quyết thì các CLB cần thông qua Đại hội VFF (hoặc ban chấp hành). 

Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nói: “Tiến độ công việc cần phải được đẩy nhanh vì thời gian không còn nhiều. Ngay trong tuần này, VFF và các doanh nghiệp sẽ phải hoàn thiện đề án để tôi ký, sau đó trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Được cấp chủ quản phê duyệt, đề án sẽ được mang ra Đại hội VFF thường niên vào cuối tháng 10. Tôi cho rằng, không có mô hình nào chuẩn với VN. Vấn đề là làm, vừa hoàn thiện, cải tiến cho phù hợp”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.