Nhiều thế hệ họ Hồ ở làng Thuận Truyền (xã Bình Thuận, H.Tây Sơn, Bình Định) đã thành danh bằng con đường võ thuật.
>> Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 3: Người giữ lửa làng quyền An Vinh
>> Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 2: Ông Chảng ngang thiên
>> Các dòng họ võ thuật nức tiếng - Kỳ 1: Tuyệt kỹ Ngọc trản thần công
“Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”
Họ Hồ bắt đầu nổi danh trong giới võ thuật từ thời võ sư huyền thoại Hồ Ngạnh (1891-1976). Từ đó đến nay đã có 5 thế hệ tiếp nối truyền thống võ học của gia tộc. Võ đường của họ Hồ hiện do võ sư Hồ Sừng (75 tuổi), cháu nội võ sư Hồ Ngạnh, cai quản.
|
Theo võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Ngạnh tên thật là Hồ Nhu, con của ông Đốc Năm (Hồ Đức Phổ) và bà Lê Thị Huỳnh Hà. Tuy cha mẹ đều là những người giỏi võ nghệ nhưng ông Đốc Năm làm võ quan cho triều Nguyễn tại Huế nên ông Hồ Ngạnh được mẹ truyền dạy võ nghệ từ nhỏ. Lớn lên, ông theo học rất nhiều danh sư đương thời tại đất Tây Sơn, trong đó có ông Đội Sẻ và Hồ Khiêm. Từ những bài roi học được của các môn phái, Hồ Ngạnh sáng tạo tuyệt kỹ roi “đánh nghịch”, ngược với cách đánh thuận thông thường. Khi giao chiến với các cao thủ, thế roi đánh nghịch bất ngờ nhiều lần giúp ông Hồ Ngạnh thắng thế.
Võ sư Hồ Ngạnh để lại nhiều giai thoại về các trận tỉ thí, trong đó có trận đối đầu với bọn cướp Dư Đành. Khi đó, bè đảng của Dư Đành có 11 cao thủ rất giỏi võ, chính quyền đương thời không sao bắt được. Biết Hồ Ngạnh nổi tiếng về roi, Dư Đành cho người đến đề nghị nhập bọn nhưng ông từ chối. Chúng bèn nhắn tin thách đấu, nếu Hồ Ngạnh thua thì phải gia nhập đảng cướp. Mặc dù bạn bè can ngăn, ông Hồ Ngạnh một mình xách roi đến điểm hẹn. Khi Hồ Ngạnh về nhà, quần áo rách tơi tả nhưng không một thương tích trên người.
Võ sư Hồ Sừng kể sau lần đó, Dư Đành quyết tâm tìm cơ hội phục thù. Một hôm, ông Hồ Ngạnh đang ở nhà thì được người báo tin nương sắn của gia đình bị nhổ hết nhưng củ sắn vẫn để nguyên trên rẫy. Ông Hồ Ngạnh ra rẫy gánh sắn về nhà. Tuy nhiên, trên đường về thì gặp Dư Đành đang phục sẵn rồi bất ngờ xông ra tấn công. Lần nay, Dư Đành bị ông Hồ Ngạnh đánh văng vào bụi tre và mắc kẹt trong đó nên phải xin tha và hứa không về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.
|
Cùng thời với Hồ Ngạnh, ở làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, TX.An Nhơn, Bình Định) có một người gốc Tàu tên Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) rất giỏi võ nghệ, đặc biệt là võ Thiếu Lâm. Nghe tiếng ông Tàu Sáu, Hồ Ngạnh đến làm quen, giao đấu để tìm hiểu võ nghệ lẫn nhau. Theo võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Ngạnh cầm roi bọc vải trắng có đệm bông được thấm mực xanh, ông Tàu Sáu cầm roi thấm mực đỏ. Ông Hồ Ngạnh dùng đường roi nghịch tấn công liên tiếp làm Tàu Sáu không kịp phản công mà chỉ lo chống đỡ. Sau một hồi giao đấu, Tàu Sáu nhảy ra ngoài xin chịu thua. Trên áo của ông Tàu Sáu chi chít những chấm mực xanh tại các điểm tương ứng với huyệt đạo trong thân thể. Từ đó, hai người kết nghĩa thâm giao, trao đổi võ nghệ lẫn nhau. Tàu Sáu đã tặng Hồ Ngạnh câu: Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất (Roi Thuận Truyền chỉ có một), Hồ Ngạnh cũng tặng lại câu: Thủ vũ An Thái ngã vô song (Tay quyền An Thái cũng không hai). Câu ca “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” bắt nguồn từ giai thoại này.
|
Võ sư Hồ Sừng cho biết: “Ông nội tôi còn được triều đình Huế triệu ra kinh đô dạy võ cho các thanh niên hoàng tộc. Tại Huế, ông nội tôi đã dùng roi đánh thắng một võ sư gốc Trung Quốc, thuộc phái Thiếu Lâm, đang hành nghề Sơn Đông mãi võ tại chợ Đông Ba tên là Trịnh Hùng Trí. Sau trận đấu, Trịnh Hùng Trí nói: “Hồ Ngạnh danh bất hư truyền” và từ đó không dám coi thường võ cổ truyền Việt Nam”.
Tre già măng mọc
Võ sư Hồ Ngạnh có một người con trai nhưng mất sớm, để lại người cháu nội duy nhất là võ sư Hồ Sừng. Trong sách Võ nhân Bình Định, hai tác giả Quách Tấn, Quách Giao có kể lại câu chuyện truyền miệng dân gian về sự “mất sớm” của con trai võ sư Hồ Ngạnh: Hồ Ngạnh dạy cho con trai nhiều năm võ nghệ song vẫn giữ lại một món nghề để phòng thân. Người con nhiều lần cầu xin cha dạy cho món nghề đó nhưng đều bị từ chối. Một hôm, nhân dịp tối trời, con bịt mặt lẻn vào đánh lén Hồ Ngạnh để học trộm võ. Hai cha con giao đấu với nhau, người con trúng đòn độc của cha nên phải tháo thân chạy trốn. Sáng hôm sau, khi vợ chồng ông Hồ Ngạnh sang thăm con trai thì chứng kiến cảnh con trai đang thoi thóp trên giường.
Tuy nhiên, võ sư Hồ Sừng cho biết: “Đấy là lời đồn đại sai sự thật, cha tôi bị bệnh rồi mất. Khi ông nội tôi còn sống, một người bạn trong giới võ thuật đưa ông tập sách có đề cập đến câu chuyện cha đoạt mạng con, ông phản đối kịch liệt và yêu cầu nhà xuất bản rút lại câu chuyện nói trên”.
Trong 7 người con của võ sư Hồ Sừng, ông Hồ Cương vừa được phong danh hiệu võ sư thì qua đời. Võ sư Hồ Bé đang dạy võ cùng với cha tại võ đường của gia tộc. Võ sư Hồ Sỹ đang công tác tại Bảo tàng Quang Trung (H.Tây Sơn). Các anh Hồ Dư, Hồ Sửu, Hồ Hiệp đang dạy võ tại gia đình. Thế hệ tiếp theo, họ Hồ cũng trình làng những gương mặt đang là vận động viên hoặc từng là vận động viên đội tuyển võ thuật tỉnh Bình Định như: Hồ Thứ, Hồ Thị Kim Tâm, Hồ Đức Thiệt (con của võ sư Hồ Cương), Hồ Thị Thảo (con của võ sư Hồ Bé), Hồ Đức Hạnh (con của Hồ Hiệp)…
Hoàng Trọng
Bình luận (0)