Các hòa ước giữa hai phía Việt - Pháp

20/03/2022 07:30 GMT+7

Phải khách quan thừa nhận rằng trong hai trận đánh ở ô Cầu Giấy năm 1873 và năm 1883 có công lao rất lớn của quân Cờ Đen. Tổ chức này đã chuyển mình từ những thổ phỉ trong thời gian đầu mới trốn sang VN thành một đội quân tinh nhuệ dưới quyền điều động của quan binh VN và đã làm quân Pháp lắm phen mất ăn mất ngủ.

Từ thời điểm này, mọi nghi ngờ của vua Tự Đức và triều thần đối với Lưu Vĩnh Phúc đã tan biến hẳn. Sau khi đạo quân Cờ Đen của họ Lưu loại trừ được viên đại tá Pháp Henri Rivière, “Tin thắng trận tâu lên. Vua mừng lắm, thưởng Vĩnh Phúc thăng thụ đề đốc, cho mũ áo chánh nhị phẩm (ngang tổng đốc, thượng thư - NV), gia thưởng một cái kim có chữ “trung dũng”…” (Đại Nam thực lục - tập 8 - sđd, trang 570). Hai tháng sau, nhà vua lại ban cho họ Lưu tước Nghĩa Lương nam.

Phụ chánh Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913)

Tuy nhiên, đúng 2 tháng sau sự kiện tiêu diệt H.Rivière, ngày 19.7.1883, vua Tự Đức qua đời, việc triều chính bắt đầu rối ren do sự phân hóa trong hàng ngũ triều thần và sự lộng quyền của hai phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Người được vua Tự Đức chỉ định kế vị là ông hoàng Dục Đức chỉ ở ngôi mấy ngày, chưa kịp làm lễ tấn tôn; người kế vị tiếp theo là vua Hiệp Hòa cũng bị bức tử sau 4 tháng làm vua (30.7.1883 - 29.11.1883).

Phụ chánh Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886)

T.L LÊ NGUYỄN

Trong thời gian vua Hiệp Hòa còn tại vị, ngày 25.8.1883, hai phía Việt - Pháp đã ký Hòa ước Quý Mùi (còn gọi là Hòa ước Harmand, theo tên viên chức đại diện phía Pháp). Hòa ước có 27 khoản, đặc biệt khoản 23 ghi rõ “… Nước Pháp sẽ một mình mang lấy trách nhiệm đuổi quân Cờ Đen ra khỏi Bắc Kỳ và dùng các biện pháp để bảo đảm an ninh và tự do trên sông Hồng Hà” (Nguyễn Phương - 82 năm Việt sử 1802 - 1884 - ĐH Sư phạm Huế 1963, trang 215). Điều này cho thấy thực dân Pháp kiêng dè quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc đến mức nào.

Jules Harmand, người ký hòa ước Quý Mùi 1883 với đại diện triều đình Huế

Song, việc triều đình Huế đặt bút ký hòa ước có điều khoản trên có nghĩa là họ mặc nhiên chấp nhận từ bỏ việc sử dụng quân Cờ Đen như một lực lượng cơ hữu của mình. Họ không thể công khai điều động lực lượng này, và cũng giống như trường hợp hòa ước Nhâm Tuất 1862 và sự tồn tại của tổ chức kháng chiến Trương Định, triều đình tiếp tục âm thầm nuôi dưỡng và hỗ trợ đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc.

Một năm sau, ngày 6.6.1884, hai phía Việt - Pháp lại ký Hòa ước Giáp Thân, mở đường cho việc thuộc địa hóa toàn diện đất nước VN. Hòa ước này không nhắc đích danh quân Cờ Đen, song điều thứ 15 cũng ghi rõ là quân Pháp được đóng binh ở bất cứ nơi nào xét thấy cần (Nguyễn Phương - sđd - trang 220).

Trong thời gian này, những cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân Pháp và các lực lượng chính quy do nhà Thanh phái đến (nhằm phối hợp với triều đình VN trong việc tiễu phỉ) trở nên ngày một nghiêm trọng. Cuộc xung đột Pháp - Hoa được giải quyết bước đầu bằng hòa ước Fournier ngày 11.5.1884 chỉ bao gồm 5 điều khoản ngắn ngủi, không đủ để đảm bảo một sự hòa giải đích thực.

Các trận đánh lớn tiếp tục nổ ra, dẫn đến việc Pháp đánh chiếm Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, và bao vây đảo Đài Loan của Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là chiến tranh giữa hai phía đã được đẩy ra khỏi biên giới VN, xâm nhập vào đất Trung Hoa.

Cuối cùng, vào ngày 9.6.1885, triều đình nhà Thanh phải đồng ý ký với Pháp một hòa ước lâu dài có tên là “Hiệp ước Hòa bình, hữu nghị và thương mại”, gọi tắt là Hòa ước Thiên Tân, lấy tên nơi ký kết văn kiện này. Ngay điều khoản thứ nhất của hòa ước này đã ghi rõ là Pháp giành quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giải tán hay tống xuất các băng nhóm cướp bóc để đảm bảo sự trị an. Về phần mình, nhà Thanh cam kết giải tán và trục xuất các băng nhóm đang trú ẩn ở các biên giới giáp với VN, không được gửi quân qua biên giới với VN … (Ch.Gosselin - L’Empire d’Annam - Paris 1904, trang 539-541).

Điều này có nghĩa là nhà Thanh phải từ bỏ mọi sự hỗ trợ hay hợp sức với đạo quân Cờ Đen trong việc chống Pháp. Thêm vào đó, ngay trong lúc vua Hàm Nghi còn tại vị, triều đình Huế đã bị buộc phải thu hồi mọi chức tước đã ban bố cho Lưu Vĩnh Phúc (Bradley Camp Davis - Imperial Bandits - University of Washington Press - 2007, trang 126).

Như vậy từ năm 1885, đạo quân Cờ Đen trở thành một tổ chức bất hợp pháp và Lưu Vĩnh Phúc từ một viên quan vào hàng nhị phẩm của triều đình Huế đã sớm trở thành một kẻ tội đồ. Tuy nhiên, con người đó vẫn không thối chí, ông ta quay về Quảng Châu, Trung Quốc, thực hiện mệnh lệnh của vua Quang Tự, đóng góp thêm nhiều công trạng cho nhà Thanh, và đáng nói hơn nữa, ông trở thành chỗ dựa của nhiều nhà cách mạng VN khi hoạt động trên đất Trung Quốc. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.