Các kỷ lục gia trí nhớ thế giới chia sẻ bí quyết học tập nhẹ nhàng

17/12/2022 14:28 GMT+7

Các kỷ lục gia thế giới về trí nhớ và tư duy đã chia sẻ những phương pháp học tập nhẹ nhàng, 5 phút thuộc bài trong buổi giao lưu “Bí mật của những bộ não siêu phàm” tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU).

“Phương pháp học tập nhẹ nhàng”

Chia sẻ “phương pháp học tập nhẹ nhàng” trước hơn 500 học sinh, sinh viên tại HIU (TP.HCM) chiều 16.12, Giáo sư Marek Kasperski, Trưởng Ban Trọng tài toàn cầu cuộc thi Sơ đồ Tư duy thế giới và cuộc thi Đọc nhanh thế giới, cho biết: “Vấn đề khiến học sinh khó nhớ bài học là kiểu chép bài và ghi chú kiểu truyền thống, chỉ dùng một màu để viết, điều này không kích thích bộ não hoạt động và ghi nhớ bài”.

“Một vấn đề nữa là học sinh, sinh viên ghi chép quá nhiều chữ mà không cần thiết, chẳng hạn “và”, nhưng… Những từ này không mang lại giá trị thông tin. Cách ghi chép truyền thống cũng không sai nhưng sẽ gây mất thời gian mà không thể giúp các bạn ghi nhớ hiệu quả”, ông Kasperski nói.

Theo ông Kasperski, kiểu ghi chép truyền thông theo trình tự từ trên xuống khiến học sinh khó có thể thêm ý tưởng mới vào bản ghi chú.

Từ đó, ông Kasperski đưa ra bí quyết dùng sơ đồ tư duy (mind map) để vượt qua các kỳ thi và nhớ hết tất cả những kiến thức đã học. Ông Kasperski cho hay ông Tony Buzan, cha đẻ của mind map, lúc trẻ cũng gặp khó khăn trong học tập nên từ đó tạo ra phương pháp học tập sử dụng sơ đồ tư duy.

“Mind map là một giải pháp, sử dụng nhiều màu sắc khác nhau trong sơ đồ, kết nối những ý tương đồng bằng một màu giống nhau. Điều này sẽ giúp kích não bộ để ghi nhớ bài học một cách có hệ thống. Từ đó, học sinh, sinh viên có thể dễ dàng ôn tập bằng cách xem lại những sơ đồ trí tuệ”, ông Kasperski lưu ý.

Trong mind map, ông Kasperski cho hay người học chỉ cần dùng từ khóa (keyword) ngắn gọn. “Từ khóa là một phần rất quan trọng trong mind map. Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng nhánh và một từ khóa cho một nhánh, giúp học sinh tự do sáng tạo và dễ dàng xem lại bài học. Với mind map, các sinh viên của tôi chỉ cần bỏ ra 4 phút để xem lại sơ đồ tư duy ghi chú lại bài giảng kéo dài 50 phút của tôi”, ông Kasperski cho biết thêm.

Bên cạnh đó, việc vẽ sơ đồ tư duy cũng đơn giản và học sinh, sinh viên có thể tự do vẽ, sáng tạo sơ đồ với những màu sắc yêu thích.

Ông Kasperski tại chương trình

Để áp dụng mind map thành công, ông Kasperski lưu ý cần có lộ trình ôn tập khoa học. “Một ngày sau khi vẽ mind map, các bạn chỉ cần 4 phút xem lại, rồi 1 tuần sau, 1 tháng sau, 3 tháng. Nếu áp dụng đúng công thức này thì người học sẽ nhớ 80% bài học mà chỉ cần tổng cộng 16 phút”, ông Kasperski lưu ý.

Trước sự phát triển của công nghệ, người học không chỉ vẽ mind map trên giấy, mà còn có thể sử dụng ứng dụng nền tảng Vmindmap tại địa chỉ https://app.vmindmap.com.vn/ để vẽ sơ đồ tư duy trên thiết bị điện tử.

Theo đánh giá của ông Kasperski, Vmindmap được thiết kế đúng với quy tắc của ông Tony Buzan và sinh viên, học sinh có thể dễ dàng sử dụng nền tảng này. Ông Kasperski cho hay: “Chúng tôi đã phát triển nền tảng tương tự tại một số quốc gia như Anh, Tây Ban Nha nhưng thất bại, trong khi lại thành công ở Việt Nam”.

“3 mật mã vàng của não bộ”

Bí quyết học tập nhẹ nhàng của giáo sư Kasperski là một phần trong buổi giao lưu chuyên đề “Bí mật của những bộ não siêu phàm” do HIU phối hợp cùng Tập đoàn giáo dục Tâm Trí Lực và các đơn vị đồng hành: Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Mindmap Việt Nam tổ chức vào ngày 16.12 tại hội trường của HIU.

Trong chương trình, hơn 500 học sinh, sinh viên HIU đã gặp gỡ, giao lưu và chứng kiến những phần biểu diễn ấn tượng của các chuyên gia, kỷ lục gia quốc tế và trong nước về siêu trí nhớ và tư duy.

Các diễn giả, khách mời trong chương trình

Các diễn giả, khách mời là cao thủ hàng đầu trong lĩnh vực siêu trí nhớ của Việt Nam và thế giới như: Giáo sư Marek Kasperski, Trưởng Ban Trọng tài toàn cầu cuộc thi Sơ đồ Tư duy thế giới và cuộc thi Đọc nhanh thế giới; Thầy Dominic O’Brien, Tượng đài Siêu trí nhớ với 8 lần vô địch thế giới; Công chúa Tengku Faizwa Binti Tengku Razif, người tổ chức Giải Vô địch Siêu Trí nhớ thế giới đầu tiên tại Malaysia vào năm 2003, người tổ chức Giải Vô địch Siêu Trí nhớ thế giới đầu tiên tại Malaysia; Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong, Chủ tịch Hội đồng khảo thí Siêu trí nhớ thế giới và Sơ đồ tư duy Việt Nam.

Ngoài ra, còn có sự góp mặt của Đương kim vô địch Siêu trí nhớ Việt Nam Đặng Ngọc Phương Trinh và Á quân Siêu trí nhớ Việt Nam Đặng Thu Hiền. Ngọc Trinh và Thu Hiền đã có phần biểu diễn năng lực ghi nhớ tên của 20 học sinh bất kỳ. Chỉ trong vòng 5 phút, hai kỷ lục gia có thể nhớ và gọi tên các học sinh trước tràn vỗ tay tán dương của hàng trăm sinh viên, học sinh.

Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong

Tại buổi giao lưu, Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Nguyễn Phùng Phong chia sẻ “3 mật mã vàng của não bộ”, lưu ý mỗi người đều có “bộ não siêu phàm” nhưng chưa kích thích bộ não hoạt động tối ưu. Ông Phong đồng thời truyền động lực đến với sinh viên niềm tin vượt giới hạn của bản thân, bên cạnh đó ông còn chia sẻ bí quyết “5 phút thuộc bài” cùng các phương pháp vận động giúp khai mở cổng não bộ tiếp nhận thông tin, giải tỏa căng thẳng giúp tăng khả năng ghi nhớ.

Từ những câu chuyện, những kiến thức được chia sẻ, học sinh và sinh viên sẽ có thêm động lực học tập cùng các phương pháp học hiệu quả, phát huy sự sáng tạo và khả năng tư duy.

Bên cạnh đó, chương trình còn là cơ hội để các sinh viên, thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam ý thức được vị thế, giá trị của trí tuệ Việt trên bản đồ tư duy thế giới, từ đó có thể phát huy tài năng nội lực để thi đấu tại các cuộc thi trí tuệ mang tầm quốc tế trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.