Theo Nikkei, các lô hàng đến nhà máy của hãng lắp ráp iPhone Pegatron ở Trung Quốc đã bị quan chức hải quan giữ lại để giám sát. Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi giám đốc điều hành cấp cao của Pegatron xuất hiện trong buổi gặp gỡ chung với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ở Đài Bắc trong chuyến thăm bị Bắc Kinh lên án gay gắt.
Cụ thể, các chuyến hàng đến cơ sở Tô Châu của Pegatron, nơi sản xuất nhiều loại sản phẩm cho những khách hàng Mỹ như Microsoft và Tesla, đã bị kiểm tra vào hôm 4.8 để xem liệu chúng có vi phạm quy định đối với nhãn dán có chữ “Đài Loan” (Taiwan) hoặc “Cộng hòa Trung Hoa” (Republic of China), tên chính thức của vùng lãnh thổ, hay không. Hiện cơ sở của công ty ở Thượng Hải, nơi sản xuất iPhone, chưa gặp sự cố như vậy. Pegatron là công ty sản xuất điện tử của Đài Loan chủ yếu phát triển sản phẩm điện tử tiêu dùng cho các nhà cung cấp có thương hiệu.
Pegatron của Đài Loan là nhà cung cấp iPhone chính với các cơ sở quan trọng đặt tại Trung Quốc |
Reuters |
Theo nguồn thạo tin, Phó chủ tịch Pegatron Jason Chen và các nhân vật quan trọng khác trong ngành công nghiệp chip Đài Loan đã gặp bà Pelosi trong bữa trưa do nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tổ chức hôm 3.8. Buổi gặp này còn có cả người sáng lập TSMC Morris Chang và Chủ tịch Mark Liu.
Ngoài Pegatron, một số nhà cung cấp linh kiện Đài Loan cũng nhận được yêu cầu khẩn cấp từ khách hàng vào sáng 5.8, yêu cầu họ phải đảm bảo rằng các lô hàng tuân thủ đúng yêu cầu về nhãn mác từ phía Trung Quốc. Quan chức Trung Quốc trước đó nhấn mạnh những thùng hàng, chứng từ vận chuyển, thùng carton và tờ khai xuất nhập khẩu không được thể hiện dòng chữ “Republic of China”, “R.O.C.” hoặc “Taiwan”.
“Nếu từ ‘R.O.C.’ xuất hiện, lô hàng sẽ bị giữ lại, bị kiểm tra và không thể vận chuyển”, trích thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc.
Mỹ tính chuyện "dìm" ngành sản xuất chip nhớ của Trung Quốc |
Theo nhiều nhà cung cấp và công ty hậu cần, quy tắc trên đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng chúng được thực thi thường xuyên hơn khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng, tạo ra nhiều rào cản thương mại. Tình hình giao hàng bị gián đoạn diễn ra khi Trung Quốc phát động cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong nhiều năm quanh Đài Loan hôm 4.8. Lần cuối cùng Trung Quốc bắn tên lửa vào vùng biển quanh đảo là năm 1996.
Đài Loan coi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng. Theo dữ liệu hải quan của Trung Quốc, xuất khẩu của Đài Loan sang đại lục đạt gần 250 tỉ USD vào năm 2021, tăng khoảng 24,7% so với năm 2020. Tuy nhiên, quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh xấu đi đáng kể khi cuộc chiến thương mại, công nghệ Mỹ - Trung diễn ra. Đài Loan, nền kinh tế công nghệ kiểm soát các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng hàng đầu thế giới, bị mắc kẹt giữa căng thẳng này kể từ năm 2018.
Bình luận (0)