Một thành viên của Hội cựu sinh viên phản đối quấy rối tình dục tại Trường đại học Cheongju đã gây chú ý khi nói về tình trạng của những nạn nhân từng bị tài tử Jo Min Ki quấy rối trong quá khứ. Người này khiến nhiều người ngỡ ngàng khi tiết lộ: “Sau khi tin tức Jo Min Ki qua đời được đăng tải, những nạn nhân của ông đã trở thành mục tiêu của hàng loạt chỉ trích và sự ghét bỏ. Họ còn nhận được các tin nhắn đe dọa như: “Coi chừng mỗi khi ra đường buổi tối đấy”, “Tôi sẽ giết cô”…".
“Chúng tôi đã yêu cầu Trường đại học Cheongju tổ chức cuộc điều tra trên diện rộng. Thế nhưng, họ chẳng làm gì với lý do muốn ổn định tâm lý của giáo viên và sinh viên cũng như tình hình nội bộ không cho phép”, người này nói thêm.
Khi phát biểu trên được chia sẻ rộng rãi, dư luận xứ kim chi đã vô cùng phẫn nộ. Cộng đồng mạng bày tỏ sự tức giận đối với Jo Min Ki vì hành động tự tử vô trách nhiệm. Đa phần đều cho rằng người đáng bị đe dọa là sao phim Phía đông vườn địa đàng dù ông đã mất hơn 2 tháng.
Họ để lại các bình luận: “Ông ta tự tử vì những hành động trong quá khứ của mình. Người duy nhất giết Jo Min Ki chính là Jo Min Ki”, “Cái chết của ông không phải là lỗi của các nạn nhân. Tại sao lại đe dọa người ta chứ?”, “Bất cứ ai đổ lỗi cho nạn nhân trong tình huống này đều đáng được xem là tội phạm tình dục tiềm năng”… Ngoài ra, công chúng cũng “ném đá” Trường đại học Cheongju vì không chịu hành động giúp đỡ những nạn nhân từng bị Jo Min Ki quấy rối tình dục.
|
Jo Min Ki là nam diễn viên kỳ cựu của làng giải trí xứ Hàn. Ông được biết đến qua các phim như Phía đông vườn địa đàng, Ngọn lửa tham vọng, Nữ hoàng Seondeok, Hwajung, Người tình ánh trăng (Bộ Bộ Kinh Tâm bản Hàn), Love 911… Giữa tháng 2.2018, ông xin thôi việc ở Đại học Cheongju và rời các dự án phim mới khi bị một số sinh viên tố cáo quấy rối tình dục. Đến ngày 9.3, ông quyết định tự sát, để lại di thư dài 6 trang gửi lời xin lỗi đến các nạn nhân, gia đình và những người yêu mến mình.
Sự ra đi của ông cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của phong trào #MeToo tại showbiz Hàn. Không ít người dân xứ kim chi đã thẳng thắn phê bình chiến dịch này vì cho rằng phong trào đã dần mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu, trở thành một “cuộc săn đuổi phù thủy” (Witch Hunt) góp phần nâng cao thành kiến đối với nam giới trong ngành giải trí.
Bình luận (0)