Các nẻo đường sinh viên xin việc: Làm thế nào để "đánh bại" nhà tuyển dụng?

28/07/2005 10:13 GMT+7

Để có được một vị trí chủ chốt trong công ty lớn, hầu hết bạn trẻ đều trải qua những cuộc "thử lửa" ngoạn mục. Hãy xem họ đã "ghi điểm" trước các nhà tuyển dụng như thế nào. * Trả lời phỏng vấn: "Cuộc chiến" cân não

Tạo ấn tượng... khác người

Ứng Ngọc Anh (sinh năm 1980) tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Anh, cầm tấm bằng ra trường, cô cần mẫn tìm kiếm thông tin việc làm trên mạng. Thấy Hi-tek tuyển nhân viên, Ngọc Anh nộp hồ sơ và bước vào vòng phỏng vấn.

"Nhà tuyển dụng đã hỏi mình những câu rất hay, về tất cả các kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp, tuy nhiên có một câu mình không thể quên được: Bạn hãy xin một cuộc gặp qua điện thoại. Sau này, khi đi làm mình mới thấm, việc quan trọng nhất là làm sao để hẹn được đối tác, đó là kỹ năng mở đầu quyết định việc đàm phán có thành công hay không. Bạn biết không, mình đã "ghi điểm" bằng câu nói qua điện thoại ngọt như mía: "Nếu anh đồng ý gặp tôi, tôi tin rằng công ty anh sẽ tăng thêm 20% lợi nhuận".

Với câu nói cực kỳ thông minh ấy, Ngọc Anh đã vượt lên hàng trăm ứng viên khác. Giờ đây, cô đang là Trưởng đại diện Tập đoàn Đầu tư và công nghệ thông tin Hi-tek (Mỹ) tại Việt Nam.

Trần Thị Hương Lúa, hiện là Giám đốc Trung tâm Dalink - chuyên cung cấp thông tin giải trí cho người sử dụng điện thoại di động, thuộc Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC. Hồi mới ra trường, Lúa từng gây sốc cho lãnh đạo một công ty PR khi cô trả lời câu hỏi: "Bạn nghĩ gì về bài thi này" trong bài thi tuyển nhân viên, Lúa viết: "Nếu để thử tính kiên nhẫn ứng viên thì bài thi này đã hoàn thành tốt yêu cầu, còn nếu để chọn người phù hợp với công việc thì đây là một đề thi quá tồi".

Cô giải thích: "Mình nghĩ một đề thi hay chỉ cần qua vài ba câu hỏi là đủ để đánh giá năng lực của ứng viên rồi, đề thi lần ấy bắt người ta phải làm từ sáng cho đến 1h chiều mới xong, mà toàn những câu hỏi hết sức chung chung, mình nghĩ nó chẳng phục vụ gì cho việc tìm người, ngoài việc thử tính kiên nhẫn". Kết quả là Lúa được chọn phỏng vấn nhưng cô đã từ chối công việc.

Tại Vietnamnet, sau khi làm việc hai tuần ở vị trí biên dịch viên, Hương Lúa đặt trên bàn giám đốc một lá đơn xin thôi việc. Lúa nói với "sếp" Anh Tuấn: "Em muốn được làm công việc nào đó hoạt động hơn, nếu không em xin nghỉ, công việc biên dịch quá dễ đối với em". Chính từ quyết định táo bạo ấy, giờ đây Lúa đã trở thành "bà chủ" tại Trung tâm Dalink nổi tiếng.

Lọc “bột” tri thức, quấy “hồ” ấn tượng

Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, không có thành công nào dễ dàng đến với những người trẻ. Để có được vị trí tốt trong công việc, họ đã phải lọc cho được một thứ "hồ" chất lượng cao - đó chính là năng lực làm việc.

Nguyễn Kim Dung từ một cô gái từ Lai Châu ngơ ngác xuống Hà Nội học ngành Báo chí. Tuy nhiên cô đã trưởng thành trong thực tế. "Bằng cấp của mình không tốt nhưng mình nghĩ cái mình có là kinh nghiệm", Dung tự tin khẳng định.

Từ khi còn là SV năm thứ 2, cô đã đi làm tại đài truyền hình, bắt đầu bằng những việc nhỏ nhặt nhất như đón khán giả, đánh máy chữ, ổn định chỗ ngồi trường quay, sau đó là viết kịch bản, tham gia quay, làm phóng sự... và khi được nhận vào Công ty Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (TVAd), những kinh nghiệm từ hồi làm cộng tác viên tại đài đã cho cô những vốn liếng vô giá.

Còn Trần Thị Hương Lúa, để trở thành một nữ giám đốc nổi tiếng như hiện nay, cô đã rải đơn xin việc khắp nơi từ khi nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Lúa từng gửi hồ sơ vào các công ty lớn như Ford, VASC và thậm chí cả những cửa hàng cần nhân viên bán máy ảnh hay những trung tâm anh ngữ cần nhân viên lễ tân. Lúa bảo: "Chính những nơi "nhỏ" tuyển nhân viên bán máy ảnh hay làm lễ tân, mình lại bị loại ngay từ... vòng gửi xe. Bởi lẽ họ biết, có nhận mình thì chỉ vài tháng mình lại đi chỗ khác. Vì vậy, mình rút ra nhận xét, để có việc làm ở những chỗ đó, gửi hồ sơ với chứng chỉ 650 điểm TOEFL thì sẽ có... hiệu quả ngược".

Nhà tuyển dụng tiết lộ...

Trần Xuân Kiên - Phó giám đốc Công ty Máy tính Trần Anh:

Một năm trung bình chúng tôi tuyển từ 25-30 người tùy theo nhu cầu của công ty. Tỷ lệ chọi trung bình vào khoảng 1/50. Với tôi, ấn tượng đầu tiên là lá đơn xin việc của mỗi người. Bằng cấp không quan trọng bằng phần giới thiệu về bản thân. Nhiều người không chú ý đến điều này.

Đơn giản như trong sơ yếu lý lịch tự khai, đa số các bạn đều không quan tâm đến những chi tiết như anh, chị, em trong gia đình làm gì, ở đâu. Tuy nhiên, đó lại là cái tôi quan tâm. Đơn giản thế này, nếu anh có 3 anh chị em trong gia đình làm kế toán thì chắc chắn anh sẽ ảnh hưởng ít nhiều về nghề kế toán, vị trí mà tôi đang cần tuyển. Đó có thể là phần "ăn điểm" khi các chỉ số giữa hai ứng viên bằng nhau.

Kinh nghiệm đối với chúng tôi không phải là yếu tố quá quan trọng. Đôi khi người có kinh nghiệm làm việc vài năm ở một công ty khác nhưng là làm việc với sức ỳ lớn, làm việc không khoa học trong môi trường kém tính cạnh tranh thì việc đào tạo lại còn khó hơn so với SV mới ra trường.

Và theo tôi biết, với các công ty của Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, họ khá coi trọng tướng mạo ứng viên. Với chúng tôi, nếu hai ứng viên như nhau về mọi điều kiện thì lúc đó, tướng mạo cũng là một nhân tố để quyết định chọn người này, loại người kia.

Kinh Bắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.