“Thật ra chuyện đóng cửa SuperBowl là chuyện sớm muộn, cũng chỉ còn khoảng một năm nữa là hết hợp đồng với phía nhà hát. Mà giá thuê ở đây thực sự quá cao, trong khi tình hình sân khấu cũng không khả quan đến mức khiến tôi bù lỗ thêm một năm nữa. Tôi nghĩ nếu giá thuê giảm 50% thì là hợp lý, tôi có thương lượng rồi nhưng không đạt được thỏa thuận nên buộc phải chấm dứt hợp đồng sớm. Sân khấu kịch Hồng Vân bên quận Phú Nhuận thì trả mặt bằng sân khấu theo suất diễn nên chúng tôi dễ trang trải hơn, còn ở đây họ khoán cho mình theo tháng với giá rất cao, diễn bao nhiêu cũng phải trả ngần đó”, NSND Hồng Vân trần tình.
Mặt khác nghệ sĩ Hồng Vân cũng cho biết việc SuperBowl đóng cửa không ảnh hưởng đến công việc của các nghệ sĩ, văn công trong đoàn. Vì lâu nay diễn viên thuộc hệ thống sân khấu kịch Hồng Vân vẫn được luân chuyển công tác giữa hai sân khấu chứ không cố định.
NSND Hồng Vân bày tỏ: “Thật sự mọi người nghĩ SuperBowl đóng cửa tôi sẽ buồn nhưng không, tôi còn thoải mái hơn nữa là khác vì từ giờ mình có thể dồn lực để lo cho một sân khấu kịch còn lại thôi. Cái khiến chúng tôi vương vấn, tiếc nuối đến giờ này là vì lâu nay nơi đây đã đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ kịch trẻ nổi trội từ khóa đầu tiên như Xuân Nghị, Hoàng Long… mà đến nay đã là khóa thứ 8 rồi. Do đó khi đóng cửa nơi đây chúng tôi có một cảm xúc chung là luyến tiếc một nơi đã gắn bó, đi đi về về với mình như một thói quen chứ không phải lo ảnh hưởng thu nhập. Tôi cũng lên kế hoạch cho mọi người đi phục vụ diễn bà con ở các tỉnh thành. Vì nói một cách khách quan, đi diễn tỉnh thì các nghệ sĩ được tiếp xúc với nhiều đối tượng khán giả hơn. Chạy show tỉnh mà đi lẻ thì mức cát sê còn cao hơn gấp 10 hoặc nhiều lần so với diễn sân khấu”.
|
Về tình hình doanh thu kịch Tết Mậu Tuất vừa qua, bà bầu yêu nghề cho biết khoảng 25 suất diễn đều có lời. Đó cũng là sự phấn khởi của hầu hết các đoàn kịch tại TP.HCM vì dịp này nhu cầu giải trí của khán giả cao hơn nên dễ bán vé. Tuy nhiên khoản lãi của dịp tết so ra chỉ là muối bỏ bể vì tính các tháng còn lại gần như SuperBowl phải bù lỗ liên tục.
Đạo diễn Ngọc Hùng, người có công gầy dựng nên sân khấu kịch Thế giới trẻ, cho hay tình hình ở sân khấu này khả quan hơn do may mắn có lượng nhân lực hùng hậu, từ diễn viên trẻ đến nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm. Mới đây sân khấu còn được ban giám đốc đầu tư mới lại với kinh phí lên đến mấy tỉ đồng nâng sức chứa từ 300 ghế lên 350 ghế. Hầu hết các suất diễn đều cháy vé với mức giá phù hợp là 180.000 đồng. Duy chỉ có vài suất diễn của các vở kịch cũ thì khả năng bán vé hơi chậm. Thế giới trẻ là sân khấu kịch đang đi lên, đặc biệt kể từ khi vở Chuyện tình Băng Cốc ra đời năm 2013 được công diễn thì rất được khán giả yêu thích.
|
|
Ban lãnh đạo nơi đây cũng rất chịu khó đầu tư sân khấu và kịch bản nên liên tục thay đổi các vở mới phục vụ người xem. Làm ăn có lãi là thế, nhưng đạo diễn Ngọc Hùng cho biết nguồn thu chính của mình là hoạt động nghệ thuật bên ngoài chứ không phải từ sân khấu này.
“Nói một cách thật tình thì mức lương tác giả, đạo diễn và cả văn nghệ sĩ của đoàn kịch đều rất thấp so với đi show bên ngoài. Mọi người bám trụ là vì đam mê và yêu nghề thôi chứ để nói sống và làm giàu bằng cách kinh doanh sân khấu thì cũng khó. Mức thu nhập của một diễn viên có suất đều đặn hằng đêm rơi vào tầm 20 triệu đồng, trừ chi phí các thứ chắc chỉ đủ sống”, anh chia sẻ.
Trưởng nhóm kịch Tía Lia khá nổi tiếng hiện nay là Huỳnh Lập cũng nhận định các sân khấu nhỏ, sân khấu kịch cà phê như của mình dễ tồn tại hơn do có mức giá vé phải chăng và lượng khách ổn định. Với sức chứa chỉ 70 người hằng đêm, sân khấu kịch Tía Lia luôn cháy vé. Mặt khác các thành viên trong nhóm kịch cũng thường xuyên chạy show truyền hình nên là gương mặt quen thuộc được yêu thích của nhiều đối tượng khán giả, một cách thông minh để bảo chứng cho doanh thu phòng vé.
|
Cô kể: "Riêng về sân khấu Trịnh Kim Chi chúng tôi đã nỗ lực hết sức suốt hai năm qua, tôi với các anh chị em nghệ sĩ luôn cố gắng duy trì sân khấu một cách lâu dài nhất có thể. Giữa thời buổi khó khăn như thế này tôi làm việc vì sự đam mê và trách nhiệm với các nghệ sĩ và học trò của mình để họ vẫn có thể diễn dưới ánh đèn sân khấu. Người ta nói sân khấu là thánh đường với đầy đủ các khía cạnh từ tác phẩm đến khán giả nhưng hiện nay thánh đường đó quá khó khăn để đi tìm người xem. Sân khấu của tôi xa trung tâm nên tôi nghĩ cần phải nỗ lực hơn rất nhiều lần mới tồn tại được. Hiện tại tôi chỉ đủ chi trả hằng đêm và lương tháng cho nhân viên, vậy là thở phào được rồi".
|
"Khi tôi làm việc tại sân khấu chị Hồng Vân, tôi vô tư lắm, thấy mọi việc đối với chị ấy sao đơn giản. Khi quản lý một sân khấu riêng của mình tôi mới thấm thía được mọi thứ, thấy được sự vất vả của người đứng đầu một tập thể với bao nhiêu con người và bao nhiêu trách nhiệm, đông tây nam bắc tả xung hữu đột. Tôi quá nể và thương chị Vân, nên mặc dù rất tiếc khi thành phố mất đi một sân khấu, nhưng tôi tin chị Vân có cách tính toán riêng của chị và chị ấy sẽ không bỏ cuộc", Trịnh Kim Chi nói thêm.
Bình luận (0)