(TNO) Kình ngư người Mỹ Michael Phelps đã treo kính bơi. Nữ vận động viên đua xe đạp người Anh Victoria Pendleton đưa xe đạp vào garage. Vận động viên nhảy cầu người Trung Quốc Wu Minxia cũng sẽ “nghỉ hưu”...
>> Ai khóc nhiều nhất khi đoạt huy chương vàng Olympic 2012?
>> Nhìn lại những vụ scandal tại Olympic 2012
>> Ngày đầu tiên sau khi giải nghệ của Michael Phelps
|
Nhiều vận động viên đã cúi chào và chia tay người hâm mộ tại Olympic 2012 sau nhiều năm cống hiến và hy sinh cho môn thể thao của họ. Một số đã có kế hoạch cho cuộc sống hậu thi đấu trong khi số khác chưa biết ra sao.
Những vận động viên như Phelps và Pendleton từ giã khi ở đỉnh cao của sự nghiệp và hàng đống huy chương vàng trong tay. Điều đó đảm bảo cho họ một nghề hái ra tiền với các hợp đồng quảng cáo và xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Một số ra đi vì tuổi tác đang chống lại họ. Chẳng hạn như vận động viên thể dục dụng cụ 27 tuổi người Anh Beth Tweddle. Cô nói cơ thể cô không thể chờ đợi thêm 4 năm nữa cho đến Olympic 2016 tại Rio de Janeiro, Brazil.
Số khác thi đấu không gây tiếng vang tại London năm nay và biết rằng họ cần tiếp tục. Song cũng có người buộc phải rời cuộc chơi vì chấn thương như vận động viên thể dục dụng cụ người Mỹ Shawn Johnson, người đoạt 4 huy chương Olympic. Anh lỡ hẹn vì chấn thương gối trước khi Olympic năm nay khởi tranh.
Với tất cả, cuộc chuyển giao sang cuộc đời không tập luyện là sự điều chỉnh lớn. Đến nỗi, một thành ngữ đã ra đời: các vận động viên chết hai lần, lần đầu là khi "về vườn".
Theo Reuters, một số nghiên cứu cho thấy các vận động viên có thể bị chứng trầm cảm và những vấn đề về thần kinh khác. Họ có thiên hướng lạm dụng thuốc, rối loạn ăn uống và tự tử nhiều hơn người bình thường.
Vận động viên xe đạp người Anh Bradley Wiggins từng tâm sự về cha mình là Garry, cựu vô địch xe đạp đã tuột dốc ra sao sau khi từ giã môn thể thao này. Kết cục bi thảm là Garry chết trong vị thế của một kẻ nghiện rượu ở Úc.
|
Ngày càng nhiều vận động viên nhờ đến sự hỗ trợ của các nhà tâm lý học thể thao. Càng nhiều người trải qua huấn luyện truyền thông với hy vọng có được nghề truyền hình. Các nhà tư vấn nghề nghiệp cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Nhà Olympic người Anh Kelly Holmes, 42 tuổi đã từ giã nghiệp vận động viên vào năm 2005 sau khi đoạt hai huy chương vàng tại Olympic Athens 2004. Bà đã lập quỹ Legacy Trust để giúp các vận động viên xây dựng kinh nghiệm trong quá trình chuyển từ thi đấu sang cuộc sống mới.
Reuters cũng cho biết, đã có những nghiên cứu cho thấy rèn luyện thể dục cũng gây nghiện như ma tuý. Một nghiên cứu được đăng trên tờ Journal of Sports Sciences hồi tháng 3.2012 đã phát hiện 35% trong 234 vận động viên ưu tú bị lệ thuộc vào tập luyện thể dục và ngưng hoạt động này có thể làm bùng nổ chứng trầm cảm và lo lắng.
Chứng nghiện này có thể là một lý do khiến một số vận động viên đã về vườn rồi lại "tái xuất giang hồ" vài năm sau đó.
|
Vận động viên chèo thuyền người Anh Greg Searle giành huy chương vàng tại Barcelona 1992 và huy chương đồng tại Atlanta 1996, nhưng đã nói lời chia tay sau khi đứng thứ tư tại Sydney 2000. Anh trở lại môn này vào năm 2010 và giành huy chương đồng tại Olympic năm nay, một chiến thắng mà anh mô tả là vinh quang Olympic cuối cùng.
Kình ngư Ian Thorpe sau khi giành 9 huy chương Olympic đã về hưu năm 2006 ở tuổi 23 song cố trở lại để đến London năm nay. Tuy nhiên, anh không qua vòng loại.
Khi Michael Phelps nói anh muốn cải thiện trình độ chơi golf, điều hành tổ chức từ thiện và các trường học hè do anh lập sau Olympic và đi du lịch thì lời khuyên của Ian Thorpe dành cho anh: “Tiếp tục bơi đi”.
"Anh ấy (Phelps) nên bỏ ra khoảng 3 tháng sau Olympic để tiếp tục tập luyện, trở lại hồ bơi. Thay vì ngưng ngay, hãy để cơ thể dần làm quen với chuyện bơi là hoạt động rèn luyện sức khoẻ bình thường”, Reuters dẫn lời Thorpe.
Quốc Huy
Bình luận (0)