Các nước Ả Rập đe dọa tăng lệnh trừng phạt kinh tế với Qatar

15/07/2017 16:44 GMT+7

Bốn nước Ả Rập tẩy chay Qatar vì cáo buộc liên quan đến khủng bố dường như không hề có kế hoạch sẽ chấm dứt sự cô lập sớm. Ngược lại, họ có thể đẩy mạnh áp lực bằng cách gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế.

Theo CNN, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập cho biết họ sẽ tiếp tục các biện pháp chế tài dành cho Doha cho đến khi nước này chấp nhận “những yêu cầu chính đáng để đảm bảo rằng mối đe dọa khủng bố được giải quyết và an ninh trong khu vực được thiết lập ổn định”, bao gồm việc đóng cửa mạng lưới truyền thông Al Jazeera do chính phủ tài trợ, giảm quan hệ ngoại giao với Iran và ngừng xây dựng căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar.
Tuy nhiên, Qatar vẫn kiên quyết phủ nhận tất cả các cáo buộc. Không những thế, quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé còn bỏ qua thời hạn cuối tuần trước để đáp ứng danh sách những yêu cầu trên của các nước láng giềng, đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ điều kiện nào mà họ coi là vi phạm luật pháp quốc tế.
Phản ứng trước các động thái từ phía Doha, Anwar Gargash, Bộ trưởng Ngoại giao của UAE, mới đây đã viết trên trang Twitter cá nhân của mình rằng: “Sự cô lập sẽ còn lớn hơn với các biện pháp được gia tăng”.
Dưới đây là một số hành động mà "bộ tứ" Ả Rập có thể sẽ còn tiếp tục đưa ra trong cuộc chiến ngoại giao.
Ép buộc các đối tác kinh tế chung phải lựa chọn
Farouk Soussa, chuyên gia kinh tế chính của Citibank về khu vực Trung Đông, và các nhà phân tích khác nói rằng Ả Rập Xê Út, UAE cùng đồng minh sẽ gia tăng áp lực bằng cách thuyết phục các đối tác thương mại chung của hai bên ở nước ngoài hạ cấp mối quan hệ với Qatar, buộc họ phải lựa chọn hợp tác giữa một trong hai bên. Điều này có thể tạo ra hiệu ứng domino đối với nền kinh tế Qatar.
“Ngành tài chính sẽ phải chịu đựng tổn thất nếu các ngân hàng trong khu vực trở nên miễn cưỡng kinh doanh hoặc thậm chí lựa chọn phương án rút tiền ký quỹ với Qatar”, Amy McAlister, chuyên gia kinh tế Trung Đông tại Oxford Economics, cho biết.
''Trục xuất'' Qatar ra khỏi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh
Một gạch đầu dòng khác có mặt trong danh sách các hình phạt là trục xuất Qatar ra khỏi Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Được thành lập vào năm 1981, GCC là một liên minh để điều phối các chính sách trong khu vực, với sự tham gia của Ả Rập Xê Út, UAE, Bahrain, Oman, Qatar và Kuwait. Công dân của các nước này có thể đi du lịch cũng như làm việc tự do ở bất kỳ quốc gia thành viên nào.
“Hành động trục xuất Qatar ra khỏi GCC sẽ là một bước leo thang lớn có nguy cơ đẩy Qatar vào quỹ đạo bị cô lập như Iran”, Torbjorn Soltvedt, nhà phân tích chính về tình hình Trung Đông và Bắc Phi tại Maplecroft, một công ty tư vấn rủi ro toàn cầu, nhận định.
Theo ông Dima Jardaneh, giám đốc điều hành nghiên cứu kinh tế tại Standard Chartered, Qatar có khả năng “giảm nhẹ những rủi ro kinh tế và tài chính bằng cách xuất khẩu hydrocarbon. Tuy nhiên, chi phí hoạt động kinh doanh ở Qatar có thể sẽ trở nên ngày càng tốn kém nếu sự cô lập có xu hướng mạnh mẽ hơn”.
Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng cảnh báo rằng nếu không có một giải pháp nhanh chóng, thì những nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế của chính phủ Doha có thể sẽ bị gián đoạn do ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh cấm.
Được biết, nhiều nỗ lực ngoại giao từ cộng đồng quốc tế đang được tiến hành để cứu vãn tình hình căng thẳng vùng Vịnh. Kuwait mới đây cố gắng đưa ra một số giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Doha hôm 11.7 cũng đã ký một bản ghi nhớ về chống khủng bố với quốc gia vùng Vịnh. “Tôi nghĩ rằng Qatar đã khá rõ ràng về vị trí của mình. Chúng tôi muốn tiếp tục thảo luận để tháo gỡ những khó khăn hiện tại và đó là mục đích của tôi khi đến đây”, ông Tillerson nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.