Các nước châu Á tăng cường đề phòng khủng hoảng tiền tệ

04/01/2017 14:38 GMT+7

Các nước châu Á đang nỗ lực nhiều hơn nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tiền tệ khác bằng cách mở rộng thỏa thuận hoán đổi đa phương mà họ có thể tiếp cận ngay lập tức đến 96 tỉ USD khi cần, theo báo Nhật Bản Nikkei Asian Review .

Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN (tức ASEAN+3) sẽ thảo luận việc mở rộng Sáng kiến Chiang Mai, công cụ hỗ trợ lẫn nhau về thanh khoản bằng USD trong trường hợp khẩn cấp được thiết lập sau cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997. Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á và một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính ASEAN+3, cả hai đều diễn ra tại thành phố Yokohama (Nhật) vào tháng 5, có thể sẽ là cơ hội tiến hành các cuộc thảo luận như thế.
Sáng kiến Chiang Mai được thiết kế để giúp các nước ký kết bảo vệ đồng tiền của mình nếu chúng mất giá trị nhanh chóng so với đồng USD, bằng cách chuẩn bị sẵn nguồn cung USD để sử dụng khi cần can thiệp vào thị trường. Nó có sẵn khoản tiền 240 tỉ USD, nhưng chỉ 30%, tức 72 tỉ USD, có thể được tháo khoán với sự đồng tình của ASEAN+3.
Phần 70% còn lại có thể được giải ngân sau khi quốc gia nhận tiền tham gia một chương trình hỗ trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Do tổ chức này cần thời gian để đưa ra quyết định hỗ trợ, ASEAN đang kêu gọi tăng thêm phần tài chính phản ứng nhanh. Nhiều nước đóng góp như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc ban đầu tỏ ra thận trọng với một bước đi như thế do những lo ngại về rủi ro tín dụng.
Tại cuộc họp cấp chuyên viên cuối năm ngoái, 3 nước đông bắc Á đã đồng ý hợp tác cùng nhau nâng phần tài chính tiếp cận được trong quỹ lên 40%, tức 96 tỉ USD, với điều kiện các quyết định về việc cấp quỹ phải xem xét các chỉ dấu về thanh khoản USD, tài chính và kinh tế vĩ mô.
Động lực cho thỏa hiệp này bắt nguồn từ những lo ngại ngày càng tăng về khả năng bất ổn kinh tế toàn cầu. Các nước ASEAN đặc biệt cảnh giác với tác động tiềm tàng từ việc tăng lãi suất của Mỹ. Lần tăng lãi suất USD hồi tháng 12.2016 đã đẩy đồng ringgit của Malaysia xuống mức thấp nhất so với đồng bạc xanh kể từ năm 1998. Đồng baht của Thái Lan cũng bị giảm giá so với USD, khoảng 5% kể từ tháng 8.2016.
Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất 3 lần trong năm nay như ngụ ý mà họ đưa ra hồi tháng 12.2016, các thị trường tài chính châu Á chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Kết quả các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và những nước châu Âu khác cũng có thể gây chấn động trên các thị trường toàn cầu.
Nhật và Trung Quốc đang thi nhau xúc tiến các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương riêng rẽ với các nước Đông Nam Á. Nhật đang đàm phán với Malaysia và Thái Lan, trong khi Trung Quốc đã gia hạn các thỏa thuận của họ với 2 nước trên trước ngày hết hiệu lực ban đầu, cùng với việc mở rộng một thỏa thuận hoán đổi được ký kết hồi tháng 11.2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.