Các nước Đông Nam Á có metro từ năm nào?

21/12/2022 16:42 GMT+7

Hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại khu vực Đông Nam Á được xây dựng từ thập niên 1980 và đến nay, một số nước đã phát triển các mạng lưới metro hiện đại.

Singapore

Hệ thống metro tại Singapore bắt đầu chở khách từ năm 1987 sau 20 năm lên kế hoạch và xây dựng. Theo trang Roots của chính phủ Singapore, chỉ 2 năm sau khi độc lập, tức là vào năm 1967, chính quyền Singapore bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống chuyên chở hành khách cao tốc. Tháng 5.1982, sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, chính quyền quyết định xây dựng hệ thống giao thông công cộng đường sắt cao tốc (MRT) với kinh phí 5 tỉ SGD. Sau một thời gian hoạt động, vào ngày 12.3.1988, hệ thống MRT chính thức được Thủ tướng Lý Quang Diệu khai trương.

Tàu MRT tại Singapore

Reuters

Thủ tướng Lý Quang Diệu chuẩn bị lên tàu MRT vào năm 1988

Cơ quan văn khố Singapore

Trong bài phát biểu tại sự kiện, ông Lý nhắc lại lý do xây dựng MRT và kêu gọi cải thiện các dịch vụ xe buýt và taxi để bổ trợ, theo trang SGTrains. “Chúng ta chỉ có phần đất hạn chế để xây nhà, xây xí nghiệp, bệnh viện, đường sá, trường học và huấn luyện lực lượng vũ trang. Vì vậy chúng tôi quyết định ưu tiên đầu tư vào giao thông công cộng và đặt giao thông tư nhân xuống thứ hai. Chúng ta không có đất cho sự gia tăng không giới hạn số lượng xe tư nhân. Đồng nghĩa chúng ta phải tối ưu việc sử dụng MRT”, Thủ tướng Lý nói.

Ngày nay, MRT có tổng chiều dài 148 km, 106 trạm và ước tính chuyên chở 3 triệu lượt khách mỗi ngày.

Philippines

Hệ thống đường sắt đô thị hạng nhẹ đầu tiên hoạt động tại Philippines vào năm 1984, còn gọi là Hệ thống giao thông đường sắt hạng nhẹ Manila (LRT), chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại tại vùng đô thị Manila. Hệ thống được nghiên cứu từ năm 1976 và năm 1980, Tổng thống Ferdinand Marcos (cha của Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr) thành lập cơ quan chính phủ để quản lý các hoạt động dự án. Việc xây dựng bắt đầu vào tháng 9.1981. LRT có tổng chiều dài khoảng 37 km và có khoảng 158.000 lượt di chuyển mỗi ngày vào năm 2021.

Tàu thuộc hệ thống LRT của Manila

Ảnh chụp màn hình Interaksyon

Tuy nhiên, hệ thống metro đích thực của Philippines được cho là đi vào hoạt động vào năm 1999 tên là Hệ thống giao thông đường sắt metro Manila (MRTS), phục vụ khu vực vùng đô thị Manila và miền trung Luzon. Tuyến đầu tiên của hệ thống là MRT Line 3 được xây dựng từ tháng 10.1996, nhận khách từ tháng 12.1999 cho đến khi hoạt động đầy đủ vào tháng 7.2000. Trong năm 2021, lượt khách mỗi ngày là 136.935 và mỗi năm là 45,6 triệu lượt, theo tờ Philippine Daily Inquirer.

Thái Lan

Tại Thái Lan, Hệ thống tàu điện trên cao BTS Skytrain hoạt động từ cuối năm 1999 tại Bangkok sau gần 6 năm xây dựng, là hệ thống giao thông đường sắt công cộng tốc độ cao đầu tiên của nước này. Theo trang Future Southeast Asia, hệ thống BTS Skytrain khánh thành trước kế hoạch một tháng và không bị đội kinh phí. Hệ thống có 64 trạm, tổng chiều dài hiện nay là 70 km, năm 2020 chuyên chở 236 triệu lượt khách.

Tàu BTS Skytrain của Thái Lan

Bloomberg

Ngoài ra, Bangkok còn một hệ thống metro khác tên là Hệ thống giao thông cao tốc đô thành (MRT) phục vụ vùng đô thị Bangkok. Hệ thống hoạt động từ năm 2004 và phục vụ 95,3 triệu lượt khách vào năm 2020.

Malaysia

Malaysia có nhiều loại đường sắt đô thị do nhiều tổ chức khác nhau điều hành. Theo Future Southeast Asia, tuyến metro hạng nhẹ đầu tiên hoạt động tại Kuala Lumpur vào năm 1996.

Tàu metro hạng nhẹ LRT tại Kuala Lumpur

AFP

Indonesia

Tại Indonesia, hệ thống MRT Jakarta bắt đầu hoạt động vào tháng 4.2019, trễ 3 năm so với dự kiến. Hệ thống có chiều dài 15,7 km và 13 trạm. Dự án được phê chuẩn vào tháng 9.2010, khởi công xây dựng từ tháng 6.2013. Năm 2020, Jakarta MRT phục vụ hơn 9,9 triệu lượt khách.

Tàu MRT tại Jakarta năm 2019

Reuters

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.