Các 'ông lớn' phát đạt, người dân được gì?

11/12/2013 01:54 GMT+7

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước đang sản xuất kinh doanh các sản phẩm - dịch vụ thiết yếu cho nền kinh tế có doanh thu và lợi nhuận lớn trong năm nay. Vậy người dân được gì khi các ông lớn này làm ăn phát đạt?

Đứng đầu bảng là Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) với mức lợi nhuận năm nay tăng đột biến.

Chỉ hết quý 3, PV Gas đã bỏ túi hơn 10.000 tỉ đồng lãi và chiếm lĩnh 70% thị trường gas. Đó là phần của PV Gas. "Phần" của người dân là sau 6 lần tăng, giá gas năm 2013 đã tăng tổng cộng 130.000 đồng/bình trong khi đó chỉ giảm 85.000 đồng, người dân gánh thêm 45.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, gas lãi lớn và người dân phải mua gas với giá kỷ lục, gần 500.000 đồng/bình.

"Ông lớn" trong ngành xăng dầu Petrolimex năm nay cũng làm ăn phát đạt với mức lợi nhuận trong 9 tháng gần 1.600 tỉ đồng. Cả năm, lợi nhuận của Petrolimex chắc còn khủng hơn khi mới đây, nghi án họ thu thêm một "món hời" ngoài dự kiến từ việc Bộ Tài chính nhanh tay trích quỹ bình ổn sớm (9 ngày thay vì 10 ngày theo quy định) để bình ổn giá xăng đã được đặt ra. Nên nhớ quỹ bình ổn là do người dân đóng. Và cái họ được là xăng vẫn tăng gần 600 đồng/lít trong năm nay dù số lần tăng - giảm tương đương, cùng là 4 lần. Điều đáng nói là trước mỗi lần tăng giá, ngành xăng thường kêu lỗ để gây áp lực. "Chiêu" này cũ nhưng vẫn rất hiệu nghiệm. Họ bỏ túi hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận còn người dân "được" mua xăng với giá đắt hơn.

Tập đoàn điện lực VN (EVN) tiếp tục một năm làm ăn thuận lợi với doanh thu từ bán điện 11 tháng năm nay ước đạt trên 7,4 tỉ USD, tăng 21% so với năm trước. Có được sự tăng trưởng mạnh, theo Bộ Công thương là do thuận lợi về thủy điện. Thủy điện thuận lợi cũng giúp EVN có lãi trong năm trước. Nhưng đó là phần của EVN. Còn với người dân, thủy điện năm nay là cơn ác mộng khi xả lũ ồ ạt ngay trong mùa mưa bão, gây vỡ đập và hiểm họa luôn rình rập. EVN doanh thu "tỉ đô" còn người dân thì vừa gánh giá điện tăng, gánh luôn cả chi phí xây biệt thự, sân tennis, mua xe sang như phanh phui của Thanh tra Chính phủ. 

Điểm chung của các DN này là đều giữ vị thế độc quyền trên thị trường, phương pháp kinh doanh chủ yếu là tăng giá và kết quả là đều có doanh thu lớn, lãi lớn. 

Với những mặt hàng nhà nước quản lý giá, người dân cũng chịu cảnh tương tự. Giá nước năm nay đã tăng trung bình từ 400 - 1.700 đồng/m3; sữa nhập tăng giá 6 lần, giá dịch vụ y tế, giáo dục đều tăng mạnh...

Tăng giá với một số sản phẩm - dịch vụ là điều không thể tránh khỏi nhưng tăng dồn dập, tăng ngay trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã khiến áp lực với mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp ngày càng nặng nề hơn.

Giá tăng thì chất lượng cuộc sống giảm. Cái giảm ngay trước mắt là thưởng tết cho người lao động. Rất nhiều doanh nghiệp đã thông báo giảm và cắt thưởng.

Khảo sát mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết 72% người tiêu dùng VN ưu tiên hàng đầu cho việc tiết kiệm số tiền thừa còn lại sau khi đã trang trải các sinh hoạt phí thiết yếu. Những khoản bị cắt giảm nhiều nhất gồm thời trang và giải trí ngoài gia đình, điển hình như tỷ lệ giảm mua quần áo mới tại VN là 62%. "Thắt lưng buộc bụng" là giải pháp mà hàng triệu gia đình đang lựa chọn trong cơn bão giá, bão phí nói trên khi thu nhập ngày càng teo lại.

DNNN hoạt động bằng vốn ngân sách, do người dân đóng thuế. Lỗ thì nhà nước chịu, lãi thì họ hưởng, còn người dân, cái "được" là gánh nặng giá sản phẩm - dịch vụ thiết yếu chỉ tăng chứ không giảm. 

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.