Các ông lớn vờn nhau trên biển

14/03/2009 23:41 GMT+7

Vụ chạm trán giữa tàu do thám của Hải quân Mỹ và tàu Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua cho thấy vùng biển này đang rất được quan tâm giữa các cường quốc quân sự.

Săn tìm những mối đe dọa trong lòng biển

Nhân vật chính trong vụ chạm trán om sòm trên Biển Đông giữa tàu Mỹ và Trung Quốc vào ngày 8.3 là chiếc UNS Impeccable (Hoàn Hảo) của Hải quân Mỹ. Khi chiếc tàu này đang hoạt động trên vùng biển cách không xa đảo Hải Nam thì bị một nhóm tàu Trung Quốc chặn lại.

UNS Impeccable là tàu thăm dò đại dương của Mỹ, thuộc lớp Impeccable. Nó được hạ thủy vào năm 1998 và chính thức phục vụ cho hải quân Mỹ vào năm 2001, được biên chế vào Chương trình Nhiệm vụ Đặc biệt nằm dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Vận tải biển.

Tàu có tốc độ khoảng 22 km/giờ với đội ngũ thông thường là 25 thủy thủ dân sự và 25 quân nhân. UNS Impeccable được trang bị hệ thống cảm ứng dùng sóng siêu âm để thăm dò lòng biển. Đây là một hệ thống phức tạp cho phép người ta nhận biết được địa hình của đáy biển cũng như các mối đe dọa dưới lòng biển, chẳng hạn tàu ngầm của đối phương.

Phát hiện nguy cơ dưới đáy biển là một công tác được hải quân Mỹ cực kỳ chú trọng. Họ có một hệ thống đông đảo các tàu do thám lớp Impeccable, Victorious... chuyên sục sạo khắp nơi, từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, với mục đích chính là phát hiện tàu ngầm của các quốc gia khác. Hệ thống tàu do thám này phối hợp cùng các phương tiện khác, như vệ tinh, máy bay..., để giúp quân đội Mỹ định vị được mục tiêu, qua đó có thể triển khai các phương án đối phó.

Trước khi xảy ra vụ chạm trán tại Biển Đông vào ngày 8.3 gây xôn xao dư luận, tàu do thám của Mỹ cũng đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc và các nước khác phát hiện. Vào ngày 4.3, chiếc USNS Victorious đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Hoàng Hải, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 120 hải lý thì bị một tàu tuần tra của Cục Ngư nghiệp Trung Quốc phát hiện. Tàu Trung Quốc sau đó đã dùng đèn pha quét toàn bộ con tàu Victorious nhiều lượt. Vào ngày hôm sau, một chiếc máy bay do thám hàng hải Y-12 của Trung Quốc đã quần đảo 12 lượt trên đầu chiếc tàu Mỹ, ở độ cao chừng 120m. Vụ này ít được nhắc tới vì Mỹ và Trung Quốc đã không đẩy lên thành một cuộc tranh cãi ngoại giao.

Chạm trán Biển Đông

Sự kiện xảy ra tại Biển Đông vào ngày 8.3 không phải là lần đầu tiên tàu Mỹ và tàu Trung Quốc vờn nhau, nhưng sở dĩ nó được chú ý đặc biệt bởi cả hai bên đều làm ầm lên. Theo hãng tin AP, khi chiếc Impeccable đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm các mối đe dọa dưới lòng biển tại một vị trí cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 75 hải lý, tức cách không xa quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và bờ biển miền Bắc Việt Nam, thì nhiều tàu của Trung Quốc xuất hiện.

Các tàu Trung Quốc đã tiến sát chiếc Impeccable trong cự ly khoảng 15m, phát tín hiệu yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực này. Trước đó một ngày, vào ngày 7.3, một tàu thu thập tin tức tình báo của Trung Quốc cũng đã dùng bộ đàm liên lạc với chiếc Impeccable, nói rằng chiếc tàu Mỹ đang hoạt động phạm pháp và hãy nhanh chóng rời khỏi nơi này nếu không sẽ phải “chịu hậu quả”. Trước đó nữa, vào ngày 5.3, một tàu chiến Trung Quốc cũng đã tiếp cận chiếc Impeccable ở khoảng cách chừng 90m.

Sau đó hai tiếng, một máy bay Y-12 lại vờn qua vờn lại trên đầu chiếc tàu của Mỹ tới 11 lần. Sau sự cố ngày 8.3, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bật đèn xanh cho việc điều tàu khu trục USS Chung-Hoon tới Biển Đông để bảo vệ cho chiếc Impeccable vốn không được trang bị vũ khí.

Những vụ chạm trán nói trên cho thấy phía Trung Quốc theo khá sát các hoạt động của tàu Mỹ. Trên thực tế, với sự giúp sức của hệ thống cảnh giới khá hiện đại, việc phát hiện những “kẻ lạ mặt” như Impeccable đối với hải quân Trung Quốc không phải là quá khó. Vấn đề là các bên liên quan có muốn làm ầm ĩ câu chuyện hay không mà thôi.

Mỹ quan tâm tới điều gì?

Do thám là một hoạt động bình thường của bất cứ quân đội nào. Tuy nhiên, trong trường hợp vừa qua trên Biển Đông, hành động của Mỹ cho thấy ít nhất hai điểm: Mỹ quan tâm tới sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc và Mỹ quan tâm tới Biển Đông.

Mới đây, giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Cũng trong năm 2009 này, một quan chức lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng nước này đang xem xét việc xây dựng tàu sân bay, theo Tân Hoa xã. Đó là những bước đi cho thấy Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân đội, trong đó hiện đại hóa hải quân là một yếu tố then chốt. Từ đó, người ta có thể thấy được viễn cảnh hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường các hoạt động trong khu vực Thái Bình Dương và thế giới.

Đó thực sự là điều mà Mỹ không thể làm ngơ

Có thể theo dõi những bước đi của Nga mới đây để tham chiếu. Trước khi tan rã, Liên Xô là đối thủ số 1 của Mỹ trên thế giới, các hoạt động do thám, khiêu khích... được hai cường quốc này nhằm vào nhau thường xuyên, ở phạm vi toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga rơi vào khủng hoảng và buộc phải thu mình lại, cắt bớt hầu hết các hoạt động quân sự “rườm rà”.

Tuy nhiên, khi đã vượt qua cuộc khủng hoảng “hậu Liên Xô”, Nga lại bắt đầu chú trọng đến việc khuếch trương lực lượng trên toàn cầu. Tàu chiến của họ đã có mặt khắp nơi, từ nam Đại Tây Dương cho tới Ấn Độ Dương. Cách đây vài năm, Tổng thống (khi đó) Vladimir Putin đã tuyên bố Nga sẽ nối lại hoạt động tuần tra của các máy bay ném bom chiến lược. Từ đó đến nay, các máy bay ném bom tầm xa Tu-95 và Tu-160 của Nga không ngớt bay vè vè gần không phận của Canada, Mỹ, các nước châu u. Máy bay chiến đấu Canada, Mỹ, Na Uy, Anh... đã nhiều lần vọt lên để “nói chuyện” với máy bay Nga.

Mới đây nhất là vụ Canada cáo buộc máy bay Nga đã bay gần không phận quốc gia Bắc Mỹ ngay trước chuyến thăm Canada của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Thực ra những màn bay lượn của máy bay Nga phần lớn mang tính “PR”, chứ ít khi thực hiện một mục tiêu quân sự cụ thể nào. Nhưng bằng cách đó, Nga có thể gửi đi cho đối phương nhiều thông điệp về khả năng quân sự của mình, những thông điệp mang tính “răn đe”.

 
Tàu ngầm Trung Quốc - Ảnh: FAS

Trở lại với trường hợp Trung Quốc, với đà xây dựng quân đội như hiện nay, trong một tương lai không xa, họ cũng có thể sẽ có những hoạt động mở rộng hơn mà người Mỹ cảm thấy “nhột”, như cảm giác mà Mỹ đang có với Nga hiện nay. Thế nên, việc Mỹ cho tàu do thám lởn vởn tại các vùng biển gần Trung Quốc là điều dễ hiểu.

Bằng cách này, Mỹ muốn nhắn gửi với Trung Quốc rằng họ hoàn toàn có thể theo dõi sát các hoạt động quân sự của quốc gia châu Á.

Qua hoạt động do thám của Mỹ ở Biển Đông, cũng có thể thấy nước này đang quan tâm lớn tới vùng biển này. Sự quan tâm lớn trước hết có thể nhằm vào các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, nơi quốc gia châu Á này có hệ thống tàu ngầm cùng tên lửa đạn đạo. Bằng việc thăm dò Biển Đông, Mỹ có thể sẽ biết được phần nào các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở trong vùng biển này. Nhưng việc thăm dò Biển Đông cũng cho thấy Mỹ có thể đang quan tâm tới những lợi ích khác ở khu vực, chứ không đơn thuần là thái độ cảnh giác trước sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc và trước khả năng quốc gia đông dân nhất hành tinh gây ảnh hưởng xuống Biển Đông. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.