Các tỉnh phía Bắc dồn sức ứng phó với bão số 4

12/07/2009 17:08 GMT+7

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, chiều và tối nay (12.7), tâm bão số 4 sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8 (từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 10. Hiện một số địa phương phía Bắc đang dồn sức để ứng phó với cơn bão này.

Tại Thái Bình

Bão số 4 đã gây gió cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa vừa đến mưa to trên địa bàn, khả năng chiều tối và đêm nay bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 2 huyện ven biển là Tiền Hải, Thái Thụy với sức gió dự báo có thể mạnh dần lên từ cấp 6 đến cấp 8, cấp 9 kèm theo mưa vừa đến rất to; đồng thời khả năng nước biển sẽ dâng cao, sóng cao 3,5m.

Ngay từ chiều qua (11.7), ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đến những địa phương ven biển này để chỉ đạo và triển khai các phương án phòng chống bão. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cũng đã thông báo khẩn cấp và kêu gọi gần 1.000 tàu, thuyền của ngư dân đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn; huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ biên phòng và hàng chục phương tiện tham gia thường trực cơ động phòng chống bão; thực hiện các phương án bảo vệ an toàn cho ngư dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển, khu du lịch và khu vực nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt, để chủ động bảo vệ các công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công trên sông, ngoài đê biển; đưa người nuôi trồng thủy, hải sản vào bờ, kiên quyết không để người người dân còn ở ngoài đê biển trước khi bão đổ bộ vào; chủ động mở các cống tiêu để tiêu thoát nước trên các trục sông chính, tránh gây ngập úng...

Tính đến 12 giờ trưa nay, Thái Bình đã có 907 tàu, thuyền di dời vào các bến tránh trú bão an toàn.

Hiện Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình đã lên các phương án phòng chống lũ và nước biển dâng cao khi có mưa lớn và gió giật tại các khu vực giáp biển. Ngay từ đêm qua, UBND tỉnh đã cắt cử các bộ phận theo dõi thường trực 24/24 và triển khai các phương án khả thi để đối phó với cơn bão được xem là nguy hiểm này.

Tại Hải Phòng

Chiều 12.7, bão số 4 đã gây mưa vừa đến mưa to kèm theo gió mạnh ở nhiều khu vực ở thành phố. Tại các đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và Cô Tô (Quảng Ninh) có mưa rất to và gió giật cấp 7, cấp 8, biển động mạnh. Thủy triều đang lên, nhưng chưa phải ở mức cao. Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng cho biết: Hầu hết các tàu thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi của thành phố và các tỉnh bạn đã vào bờ hoặc neo đậu tại các âu tàu ở các đảo Cát Bà và Bạch Long Vĩ để tránh, trú bão. Hàng trăm hộ dân nuôi cá lồng bè trên mặt biển ở Cát Bà và nuôi thủy sản tại các đầm, ao phía trong và ngoài đê thuộc các huyện cũng đã triển khai các phương án bảo vệ tài sản khi bão về.

Đề phòng bão lớn nước dâng kết hợp triều cường gây vỡ đê ngập lụt, chiều nay huyện đảo Cát Hải đã thực hiện phương án di dân thuộc khu vực từ các xã vùng thấp lên vùng cao với khoảng 4.000 người, chủ yếu người già và trẻ em, chủ động bảo vệ an toàn nhân dân. Đây là vùng đảo trũng có hệ thống đê biển rất xung yếu, dễ bị tổn thương do triều cường và nước dâng, gây ngập lụt nên thường phải tiến hành di dân tạm thời trong khu vực, thậm chí đưa dân vào đất liền mỗi khi có bão lớn.

Hiện các lực lượng xung kích phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương đã triển khai các phương án đối phó với bão số 4; tổ chức tuần tra, canh gác suốt ngày đêm, chủ động sẵn sàng ứng phó kịp thời với mọi tình huống do thiên tai gây nên.

Tại Hà Nội

Chi Cục trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho biết: Để chủ động đối phó với bão số 4, Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố đã yêu cầu Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện, sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai các phương án phòng chống bão số 4 theo kế hoạch, phương án đã lập.

Theo đó, các quận, huyện có đê trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc, quyết liệt việc thường trực và tuần tra canh gác tại các điểm, các tuyến đê; chú ý các vị trí đang chuẩn bị triển khai xử lý như kè Tráng Việt (Mê Linh), Tình Quang (Long Biên) và một số điểm sạt lở tại các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì…; đồng thời tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, hồ đập, các công trình đang thi công như hồ Miễu, hồ Linh Khiêu, hồ Đồng Sương. Đặc biệt thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho hồ Đông Mô đang được thi công trong mùa mưa lũ. Đối với các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Ban chỉ huy PCLB&TKCN thành phố chuẩn bị phương án sẵn sàng đối phó với khả năng sạt lở đất, lũ quét xảy ra trên địa bàn, bảo đảm an toàn về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Các chủ đầu tư, các ban Quản lý dự án chỉ đạo thực hiện bảo đảm an toàn cho các công trình đang xây dựng trên địa bàn thành phố; bảo đảm an toàn về điện. Các công ty thủy lợi, công ty đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội chủ động tiêu nước đệm (tự chảy, bơm tiêu), kiểm tra máy móc thiết bị, bảo đảm 100% máy móc sẵn sàng chống úng. Ngành điện kiểm tra bảo đảm an toàn lưới điện và sớm cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân sau mưa bão. Công ty TNHH NN một thành viên thoát nước Hà Nội triển khai phương án cho việc tiêu thoát chống úng ngập nội thành, Công ty TNHH NN một thành viên Công viên cây xanh sẵn sàng xử lý các cây đổ, gãy trên địa bàn thành phố.

Ngành giao thông - vận tải phối hợp với Công an thành phố sẵn sàng cho việc phân luồng giao thông trong thành phố và ngoại thành khi xảy ra úng ngập.

Tại Quảng Ninh

Theo tin từ Chi cục phòng chống bão lũ và quản lý đê điều tỉnh: Hiện ở huyện đảo Cô Tô đang có gió giật cấp 7, cấp 8 và có mưa. Thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà có gió cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa, nhưng chưa gây thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, trang thiết bị phương tiện như rọ thép, bao tải, cuốc xẻng… để chủ động ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Các địa phương cũng đang khẩn trương kêu gọi những tàu thuyền ngoài khơi về bến, neo đậu nơi an toàn đã được thông báo. Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo đường đi của bão để các chủ phương tiện thủy biết; rà soát các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá để di dời dân; triển khai thực hiện ngay các phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng; kiểm tra phương tiện cứu hộ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.