Cách kéo trẻ ra khỏi nỗi sợ học toán

18/12/2016 14:35 GMT+7

Kinh nghiệm dạy toán bằng những hoạt động trải nghiệm thực tiễn, học toán như cách ăn một bữa tiệc tự chọn… là cách để kéo trẻ ra khỏi nỗi sợ học toán .

Hội thảo “Giáo dục trải nghiệm - Để học toán không là cuộc chiến" đã được tổ chức tại Hà Nội hôm 17.12 với sự tham gia của các diễn giả là PGS - TS. Chu Cẩm Thơ, khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhà sáng lập phương pháp học tư duy dựa trên trải nghiệm PoMath và chị Phan Hồ Điệp, mẹ “thần đồng” Đỗ Nhật Nam, sự kiện đã thu hút hơn 300 phụ huynh và giáo viên tiểu học tham gia.
Mỗi đứa trẻ sẽ “chạm tay vào toán” theo cách mà chúng thích
Tại sự kiện, PGS Chu Cẩm Thơ đã đưa ra các đánh giá đáng chú ý về tình hình học toán nói riêng và học tập nói chung của học sinh tiểu học tại Việt Nam, bắt nguồn từ các công trình nghiên cứu tâm huyết của bà trong hơn 15 năm qua.
Hội thảo đã gỡ rối giúp nhiều bậc phụ huynh cách dạy con yêu toán Ảnh Tuệ Nguyễn
Thực tế là không ít học sinh tiểu học không thích học toán, và còn giải bài một cách thụ động, các cô giáo bày tỏ khó khăn trong quá dạy học của mình. Cũng trong phần giao lưu với phụ huynh, chị Chu Cẩm Thơ đã chia sẻ các về những trăn trở khi con không yêu thích học Toán, không có động lực học, và tư duy rất thụ động - máy móc. Bà cũng giải thích, chính những phương pháp giáo dục kiểu “cưỡng bức”, hoặc theo các “khuôn mẫu” hiện nay đang diễn ra tại rất nhiều trường học, là nguyên nhân chính của vấn đề này.
Tại hội thảo, nhiều phụ huynh chia sẻ những băn khoăn khi con sợ học toán, không làm được toán nâng cao; nhưng cũng có những bà mẹ thì lại lo lắng vì con mình học rất giỏi toán nhưng lại có biểu hiện sống quá khép kín, không tham gia vào các hoạt động tập thể. Ngay cả đi dã ngoại với lớp, con cũng tìm một góc ngồi để… giải toán.
PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng, không nên lấy thước đo sự giỏi giang của con bằng những bài toán nâng cao hay những bài toán mang tính đánh đố học sinh. Thực tế đã chứng minh ngay cả những giáo sư hàng đầu về toán học hiện nay cũng cho rằng, những bài toán đánh đố như vậy chỉ khiến học sinh sợ học toán hơn mà thôi. Thay vì ép con ép con luyện đi luyện lại những dạng toán nâng cao, bất chấp khả năng của trẻ đến đâu thì hãy cho con học toán theo kiểu… ăn buffet, trong toán có hàng chục phân môn, hãy cho con chọn những phần con yêu thích trước.
Để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, PGS.Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh đến hiệu quả của phương pháp học trải nghiệm. Đây là một phương pháp tiên tiến trên thế giới, đã được giới thiệu nhiều trong môn học tiếng Anh tại Việt Nam, nhưng lại chưa được đưa vào áp dụng trong các môn học khác, đặc biệt là với môn toán. Phương pháp này sẽ giúp học sinh có nền tảng tư duy độc lập, để các em có thể tự chủ động tìm lời giải cho các vấn đề của các môn học và cả các vấn đề trong cuộc sống. Và đặc biệt, vai trò lớn nhất của phương pháp trải nghiệm chính là mang đến niềm yêu thích học, yếu tố quan trọng nhất để trẻ học tốt.
“Dám chắc với phụ huynh, nếu cho tôi hai tuần với những đứa trẻ sợ toán tôi sẽ khiến chúng thay đổi cách nhìn về môn học này bằng những hoạt động trải nghiệm. Chúng có thể “chạm tay vào toán học” theo sở thích của mỗi đứa trẻ, có thể học toán bằng xếp hình, bằng vẽ tranh, bằng trò chơi…”, bà Thơ khẳng định.
“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam từng rất sợ môn toán
Trong khi đó, chị Phan Hồ Điệp lại chia sẻ câu chuyện thực tế của chị khi áp dụng phương pháp học trải nghiệm cho Nam từ hồi bé. Chị “bật mí”: Hồi học tiểu học ở Việt Nam, Đỗ Nhật Nam rất sợ môn toán. Đến giờ học toán, đặc biệt là trước mỗi bài kiểm tra môn này ở trường là “cu cậu” cảm thấy “ốm yếu” và còn hỏi mẹ “em có thể nghỉ học hôm nay được không?”…
Biết Nam căng thẳng thế nhưng chị Điệp cũng hiểu không phải Nam không thể học tốt được môn toán, chỉ có điều sẽ phải làm cho Nam thích học môn này thay vì lập tức ép Nam luyện giải các bài toán nâng cao như cách mà nhiều lớp học thêm cho trẻ vẫn “nhồi nhét”.
Sở thích của Nam là chủ đề ăn uống, chị Điệp tận dụng điều này để dạy con, những giờ học được chuyển từ bàn học sang khu vực nấu bếp và các hoạt động khác trong đời sống hang ngày. Ví dụ, hai mẹ con cùng nấu ăn, chị đưa cho Nam một củ su hào và bảo đố con cắt được thành bao nhiêu miếng, chiều dài của miếng hình chữ nhật ra sao, miếng hình vuông thì thế nào… hoặc chị dạy phép cộng phân số bằng cách cho Nam chia hoa quả cho mọi người trong nhà; dạy quy luật dãy số bằng cách cho Nam tự tiết kiệm tiền hàng tháng…
Hội thảo thu hút sự chú ý của đông đảo phụ huynh quan tâm Ảnh Tuệ Nguyễn
Sở trường của Nam là ngôn ngữ nên môn toán được chị kết hợp với môn văn và tìm hiểu tự nhiên xã hội. Ví dụ, chị thường đưa ra những đề toán rất dài, có câu chuyện ở trong đó để Nam không thấy toán khô khan. Ví dụ đề bài về việc tính toán số voi hiện có và nguy cơ tiệt chủng trong vòng bao nhiêu năm tới, chị Điệp lại lồng ghép thêm một yêu cầu để Nam thấy hào hứng hơn: “Nếu em đóng vai một chú voi thì em sẽ nói gì với loài người lúc này?”…
Cứ như vậy, dần dần Nam cũng tìm thấy vẻ đẹp của môn toán. Chính những nền tảng trải nghiệm từ ban đầu đó đã giúp Nam có được những tiến bộ rất nhiều trong việc học toán khi đi du học, và quan trọng hơn, là Nam có được tư duy nền tảng, độc lập và niềm ham học lớn như hiện nay.
Nam rất hào hứng khi thầy giáo dạy toán ở Mỹ gặp riêng Nam và nói: “Này, khi nào kết quả của em đưa ra khác với đáp án của thầy thì em phải nói ngay để thầy xem lại cách làm của mình có đúng hay không nhé”. Điều đó khiến Nam cảm thấy mình được tôn trọng, tự tin hơn khi chính thầy ngầm chủ động nói với mình, rằng không phải giáo viên lúc nào cũng đúng.
Chị Phan Hồ Điệp gửi gắm tới các bậc phụ huynh: “Kẻ thù vô hình” nhưng rất đáng sợ của trẻ là mỗi khi bố mẹ nhắc tới “con nhà người ta” để so sánh với con nhà mình. Chắc chắn không phải đứa trẻ nào cũng đồng loạt học tốt một môn học. Thay vì ép chúng phải giỏi giống “con nhà người ta” thì bố mẹ hãy đồng hành với con, khích lệ con bằng những lời khen khi so sánh với chính sự tiến bộ của trẻ.
Chị Điệp cũng lưu ý, bố mẹ không khen trực tiếp phẩm chất của con, ví dụ “con thông minh quá”, “con tuyệt vời quá” bởi vì dễ khiến trẻ ngộ nhận về bản thân. Thay vào đó, nên khen con bằng chính cảm xúc của cha mẹ, ví dụ “con làm mẹ vui quá, tự hào quá”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.