Cách làm bài thi tốt nghiệp hiệu quả

27/05/2013 03:45 GMT+7

Cuối tuần này, học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT. Dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi không quá dài, quá khó, phù hợp với học sinh trung bình trở lên, nhưng để đạt điểm cao, học sinh cần phải nhớ những lưu ý quan trọng.

Cách làm bài thi tốt nghiệp hiệu quả

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) ôn tập thi tốt nghiệp trong sân trường vào cuối tuần qua - ẢnH : Đào Ngọc Thạch

Hóa học: Chú ý câu hỏi có ý phủ định

Trước lúc vào phòng thi và phát đề, thí sinh thường ở trạng thái không nhớ gì cả nhưng đừng mất bình tĩnh và lo lắng, chắc chắn khi nhận đề sẽ nhớ lại kiến thức đã học. Lúc này, thí sinh để sẵn bút chì 2B (không nên dùng bút chì kim), gôm, máy tính, đồng hồ lên bàn để xem giờ làm bài (ghi lại thời gian bắt đầu tính giờ làm), giấy tờ cần thiết... Khi nhận giấy làm bài trắc nghiệm, viết bằng bút mực và tô bằng bút chì. Kiểm thật kỹ từng chữ số trong số báo danh. Chú ý nếu có số 0 đầu tiên cũng phải tô vì thí sinh hay tô nhầm số 1 vào vị trí số 0. Thí sinh nên đọc thật kỹ từng chữ, làm các câu dễ trước, câu khó sau và các câu chưa chắc nên đánh dấu vào đề để kiểm lại. Ngoài ra cần chú ý câu hỏi có ý phủ định như “không”, “không đúng”, “sai”… Bài tập làm ngoài giấy nháp nhớ ghi số câu và kiểm kỹ từng câu, tránh trường hợp tô bị lệch.

TRẦN ĐÌNH HƯƠNG
(Tổ trưởng Tổ hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM)

Toán: Các bước làm bài thi hiệu quả

Muốn bài làm phát huy tối đa khả năng, thí sinh cần tuân theo các bước sau đây:

Bước 1: Đọc chậm rãi toàn bộ đề, đánh giá sơ bộ độ khó của các câu, xem những câu nào quen thuộc, lạ đối với mình. Bước 2: Câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Thường các câu dễ nhất trong đề thi là các câu liên quan đến số phức, khảo sát và vẽ đồ thị hàm số. Bước 3: Đọc kỹ câu hỏi, gạch dưới các từ quan trọng, nắm đầy đủ các giả thiết và yêu cầu của bài toán. Định hướng cách giải, hình dung độ phức tạp của cách giải để có sự lựa chọn đúng đắn. Không nên làm tắt, mỗi bước làm bài nên viết một dòng, vừa thuận tiện khi kiểm tra lại vừa không bị mất quá nhiều điểm khi giải sai, vì nếu có một bước nào đó sai thì vẫn còn điểm ở những bước biến đổi trước. Làm xong bước nào kiểm tra bước ấy để phát hiện ngay chỗ sai.

Cuối cùng là khâu kiểm tra để biết có bỏ sót bước làm, có quên ghi tập xác định, điều kiện có nghĩa của căn bậc chẵn, hàm logarit, đổi cận khi dùng phương pháp đổi biến để tính tích phân hay không.

Thạc sĩ HOÀNG HỮU VINH
(Trường THPT Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)

Tiếng Anh: Những lỗi thường gặp

Phần khó và thí sinh hay sai nhất trong đề thi tiếng Anh là phát âm (pronunciation). Chú ý phân biệt các chữ cái giống nhau được phát âm khác nhau hoặc chữ cái khác nhau có cách đọc giống nhau. Ví dụ: “o” trong từ “hot” được đọc /ɒ/, trong từ

“police” được đọc là /ə/, trong từ “cold” được đọc là /əu/, trong từ  “son” được đọc là /۸/ và trong từ “more” được đọc là /ɔ:/; “c” trong từ “cat” được đọc là /k/, trong từ “cinema” được đọc là /s/, trong từ “special” được đọc là /∫/ hay trong từ “science” thì là âm câm; “a” trong từ “arrive”, “e” trong từ “marvellous”, “i” trong từ “possible”, “o” trong từ “today”, “u” trong từ “success” đều được đọc là /ə/; “d” trong từ “educate”, “g” trong từ “age”, “j” trong từ “job” đều đọc là /dʒ/. Lưu ý một số quy tắc đánh dấu trọng âm như danh từ có đuôi “tion”, “sion”, hay “cian” và tính từ có đuôi “ic” thì trọng âm rơi vào âm tiết ngay trước nó.

Ví dụ:

“operation”/ɒpə’rei∫n/,
“decision”/di’siʒn/,
“mathematician”/mæθəmə’ti∫n/, “historic”/his’tɒrik/...

Với loại bài đọc điền từ vào chỗ trống, đôi khi thí sinh phải đọc đến cuối bài mới tìm đúng đáp án. Chú ý đáp án không chỉ làm câu có nghĩa mà còn phải phù hợp với cấu trúc hoặc từ sử dụng trong câu đó. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý các câu hỏi có từ “except” hoặc “not”.

PHẠM TN HOÀNG
(Giáo viên Trung tâm bồi dưỡng văn hóa - Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)

Địa lý: Kỹ năng phân tích số liệu và vẽ biểu đồ

Trước ngày thi, thí sinh nên lưu ý phần mục lục ở trang 31 trong Atlat giúp tìm nhanh vấn đề cần trả lời.

Khi câu hỏi có một trong các chữ “tỷ lệ”, “tỷ trọng”, “cơ cấu”, “kết cấu” dưới hoặc bằng 3 năm sẽ vẽ biểu đồ tròn; trên 3 năm vẽ biểu đồ miền. Khi câu hỏi có một trong 3 từ “tăng trưởng”, “phát triển”, “biến động” thì vẽ đồ thị. Bảng số liệu có 2 đơn vị, trên 3 năm thì vẽ biểu đồ kết hợp (2 trục tung). Sau khi vẽ xong, cần ghi đầy đủ các yếu tố trên bản đồ, chú thích, ký hiệu, đơn vị. Khi phân tích bảng số liệu, học sinh cần lưu ý đọc kỹ đề để thấy yêu cầu và phạm vi của nó, sau đó tìm mối quan hệ giữa số liệu cho hàng dọc và hàng ngang. Nếu bảng số liệu có thời gian nhiều năm thì nhận xét sự phát triển (tăng hay giảm), nếu có nhiều yếu tố thì nhận xét nhiều hay ít.

CHU THỊ NGUYỆT
(Nguyên Tổ trưởng Tổ địa lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM)

Sinh học: Với câu khó, dùng phương pháp loại trừ

Mỗi câu hỏi có thời gian trả lời trung bình là 1,5 phút nên thí sinh làm đến câu nào phải chắc câu đó. Đối với câu hỏi khó (phân tích, so sánh), nếu không chắc chắn thì dùng phương pháp loại trừ.

Số lượng câu hỏi lý thuyết luôn gấp 2 lần bài tập, thí sinh lưu ý kiến thức về tiến hóa, sinh thái, di truyền học… Ở phần bài tập, thí sinh luôn nhớ công thức tính chiều dài và thành phần các nucleotit, công thức nhân đôi - phiên mã - dịch mã dùng cho bài tập về ADN, ARN, protein. Xác định chiều dài, số liên kết dùng trong bài tập đột biến gien, số loại giao tử và tỷ lệ các loại giao tử dùng cho bài tập về các quy luật di truyền…

NGUYỄN THÁI ĐỊNH
(Giáo viên Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM)

Ngữ văn: Tận dụng cách viết sáng tạo

Với câu hỏi yêu cầu tái hiện kiến thức về tác phẩm văn học, dù đáp án của Bộ GD-ĐT có cho phép thí sinh trả lời theo hình thức gạch đầu dòng nhưng tâm lý người chấm đánh giá rất thấp kiểu trả lời này. Đặc biệt, về văn phong, thí sinh phải viết rõ ràng, súc tích, hỏi chỗ nào thì trả lời chỗ ấy, tránh viết lan man, dài dòng.

Trong thể làm văn nghị luận thì 2 thao tác chứng minh và giải thích là nền tảng cho các loại còn lại. Khi có đề, thí sinh đừng vội làm ngay mà hãy dùng bút chì gạch dưới những cụm từ khóa để có thể bám sát đề trong lúc làm bài; ý tứ, câu chữ cũng sẽ bớt vụng hơn. Nên giải nghĩa thật chính xác những từ khóa đã gạch dưới. Cách viết văn nghị luận xã hội cần sự ngắn gọn, súc tích, nhưng vẫn phải đầy đủ ý và không được khô khan. Đừng nên viết quá dài và lan man không sát chủ đề, rất dễ bị điểm kém. Nên tận dụng cách viết sáng tạo, để dễ có điểm tuyệt đối.

Thường thí sinh chỉ có từ 2 - 3 điểm cho một bài nghị luận xã hội, vì vậy chỉ nên dành 1/3 khoảng thời gian để làm câu này.

HỒ KỲ THUẬN
(Giáo viên Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM)

B.Thanh (ghi)

>> Thi tốt nghiệp THPT: Đề thi sẽ không dài và không khó
>> Tránh phạm quy khi thi tốt nghiệp THPT
>> Phương pháp ôn thi tốt nghiệp phổ thông và đại học hiệu quả
>> Những lưu ý quan trọng về thi tốt nghiệp THPT
>> Để có một kỳ thi tốt nghiệp PTTH nghiêm túc 
guyễn Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) ôn tập thi tốt nghiệp trong sân trường vào cuối tuần qua

ẢNH : ĐÀO NGỌC THẠCH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.