Ngày 1.4, tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến “Bộ GD-ĐT hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia”, đại diện Bộ cùng các chuyên gia đã cung cấp thông tin và giải đáp những băn khoăn về cách thức nộp hồ sơ đúng quy cách để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào các trường ngay nguyện vọng 1.
Nhiều học sinh và phụ huynh tới dự và đặt câu hỏi tại buổi tư vấn chiều qua - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Có nên đăng ký hết 4 ngành trong nguyện vọng 1 ?
Trong ngày đầu tiên thí sinh (TS) nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), lưu ý: “Điều quan trọng đầu tiên TS cần lưu ý trong khai phiếu đăng ký dự thi là thông tin về chính sách ưu tiên. TS phải chịu trách nhiệm về các thông tin này, nếu sai sót có thể mất quyền trúng tuyển nên nếu chưa chắc chắn cần hỏi lại trường THPT đang học”.
Cũng theo ông Nghĩa, việc chọn môn thi và cụm thi rất quan trọng. “Nếu không có lý do đặc biệt nào, TS nên đăng ký thi cả mục đích xét tuyển ĐH và CĐ thay vì chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp. Bên cạnh 4 môn xét tốt nghiệp thì phải chọn cả môn thi để xét tuyển ĐH. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần định hướng rõ việc sẽ thi vào ngành, trường nào để có lựa chọn phù hợp”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Tham dự buổi tư vấn, phụ huynh Nguyễn Bích Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM), thắc mắc có được xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của nhiều trường khác nhau trong ĐH Quốc gia TP.HCM cùng nguyện vọng (NV) 1 hay không? Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết ĐH Quốc gia TP.HCM dự định sẽ cho phép TS nộp hồ sơ cùng lúc vào nhiều trường thành viên khác nhau ngay NV1, nhưng vì quá trình xét tuyển phức tạp nên đã chốt lại phương án cuối cùng chỉ cho phép TS nộp vào một trường. Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, bổ sung: “Không nhất thiết TS phải đăng ký hết cả 4 ngành trong NV1 mà có thể đăng ký vào một ngành của một trường và có thể rút hồ sơ thay đổi NV để vào trường khác. Còn nếu đăng ký đủ cả 4 ngành thì cơ hội xét tuyển vào ngành yêu thích có khi không còn”.
Về điểm này, ông Trần Văn Nghĩa gợi ý thêm: “Ở NV1, TS có thể đăng ký tối đa 4 ngành cùng một trường nhưng TS không nên tham quá vì nếu đã trúng tuyển vào NV nào đó thì sẽ không còn cơ hội xét tuyển thêm vào ngành yêu thích ở trường khác. Khả năng, nhiều trường sẽ tuyển hết chỉ tiêu ở NV1, vì vậy TS cần tận dụng cơ hội ngay ở NV này”.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyên TS có thể chọn cả 2 hình thức xét tuyển: từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia và học bạ vào một trường (nếu có cả 2 hình thức).
Cùng tại hội trường, phụ huynh học sinh Nguyễn Như Hà (Q.Gò Vấp) đặt câu hỏi: “Con tôi năm nay thi lại ĐH thì xác nhận hồ sơ ở đâu, muốn đăng ký dự thi tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho gần nhà được không?”. Ông Trần Văn Nghĩa giải đáp, TS tự do có thể xác nhận nhân thân trong phiếu đăng ký dự thi tại công an phường, xã nơi cư trú. Theo quy định, TS tự do có thể đăng ký dự thi tại cụm thi gần nhà, còn TS chưa tốt nghiệp phải đăng ký dự thi và thi tại cụm thi quy định của trường THPT.
Chỉnh sửa sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi từ xa
Trả lời thắc mắc của một học sinh xung quanh việc Bộ cung cấp mỗi TS một tài khoản, PGS-TS Trần Văn Nghĩa cho biết Bộ làm việc này xuất phát từ việc các năm trước đây các trường phải chỉnh sửa hồ sơ của TS rất nhiều. Nhiều khi TS khai đúng nhưng người nhập ghi sai dẫn đến dữ liệu sai. Vì vậy, Bộ quy định sau khi nộp hồ sơ, mỗi TS được cấp một tài khoản. TS sẽ đăng nhập vào hệ thống và chỉ xem được thông tin cá nhân của mình. Nếu thấy có sai sót, cần báo ngay cho nơi thu nhận hồ sơ để chỉnh sửa.
Thạc sĩ Lương Đình Thành bổ sung, Bộ GD-ĐT quy định trước ngày 5.5 TS phải phản hồi sai sót về việc đăng ký dự thi; trước ngày 5.6 phản hồi về giấy báo dự thi, thông tin xét tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH, CĐ. TS được cấp tài khoản cần theo mốc thời gian đó để thông báo chỉnh sửa nếu có sai sót.
Ngày đầu nộp hồ sơ: Học sinh chưa vội đăng ký
Ghi nhanh của Thanh Niên trong ngày 1.4, học sinh (HS) ở nhiều trường THPT của TP.HCM chưa đăng ký hồ sơ chính thức. Một phần do nguồn hồ sơ mà các trường đăng ký với sở GD-ĐT chưa về, một phần do HS còn nhiều thời gian để cân nhắc và đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình), cho biết: “Trước thời điểm này trường đã có những bước thăm dò để biết nguyện vọng của học sinh nên hầu như đã biết học sinh chọn và đăng ký dự thi môn gì. Do vậy việc nộp hồ sơ gần như được coi là hợp thức hóa thủ tục hành chính mà thôi”. Sang tuần sau trường mới gửi thông báo đến từng phụ huynh để phối hợp với giáo viên trong việc cho học sinh chọn môn thi, xét tuyển. Sau đó 10 ngày trường mới tổ chức nhận hồ sơ.
Cũng như vậy, ông Nguyễn Hồng Anh, Hiệu phó Trường THPT Long Trường (Q.9) cho hay: “Đến tuần sau trường mới tổ chức hướng dẫn học sinh cách làm hồ sơ. Sau đó dành thời gian để học sinh với phụ huynh suy nghĩ lựa chọn”.
Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú) cũng đã cho HS đăng ký thử. Theo đó, các môn HS lựa chọn lần lượt là lý, hóa, sinh, sử và địa. Kết quả cũng tương tự tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
B.Thanh - M.Luân
|
Bình luận (0)