Cách trị 'bệnh than' ở người trẻ

06/09/2018 18:36 GMT+7

Than thở về con cái đóng quá nhiều khoản tiền năm học mới; than chồng hút nhiều thuốc lá, hay nhậu nhẹt; than mẹ chồng khó tính, sếp hay la mắng… có những người dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình, chỉ để than thở.

“Tôi rủ một đồng nghiệp đi ăn trưa và bảo bạn này rủ thêm Hiền, cô bé khá là xinh và dễ chịu đi ăn cùng. Tuy nhiên, đồng nghiệp của tôi xua tay và bảo “chị đó hay than thở lắm, ngày nào cũng than, đi ăn cơm mà suốt ngày than, nghe đến mệt”, Trần Bích Hương, 19 tuổi, nhân viên tiệm tóc và móng Hương Ly, đường Hưng Phú, quận 8, TP.HCM kể. Theo Hương, cảm giác của những người phải nghe than thở là “không dễ chịu gì”: “Nếu nghe người ta than một lần thì mình sẽ lắng nghe, chia sẻ, còn ngày nào cũng thấy mình là than thì mình giống sọt rác quá”.

Trần Thị Hằng, 28 tuổi, nhân viên bán thời gian tại FPT Telecom, bày tỏ: “Tôi là người hay lắng nghe nên bạn bè hay tìm đến mình để gỡ rối, tâm sự. Tuy nhiên tâm sự tức là có chuyện vui, chuyện buồn, nếu người nào đó thường tìm đến tôi mỗi khi họ gặp chuyện buồn, còn quên mất tôi khi họ có gì vui thì tôi cũng rất tổn thương. Tôi đã cho ít nhất khoảng 2 người từng là bạn của mình vào 'danh sách đen', ít khi nhận lời cà phê, ăn trưa vì gặp chỉ biết than”.
“Tôi rất sợ những người mắc 'bệnh than', tức là hay than thở. Cuộc sống này chưa đủ áp lực, mệt mỏi hay sao lại cứ phải lên mạng xã hội than, gặp bạn bè, anh em cũng than?”, Đỗ Ngọc Anh, 27 tuổi, food stylist (trang điểm món ăn), làm việc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM nói.
Liều thuốc nào trị 'bệnh than'?
“Tôi nghĩ cần lên tiếng thẳng thắn với những người bạn hay trò chuyện, tâm sự, nếu người đó thật sự là bạn bè thân thiết. Ví dụ như “mày có thể kể cái gì vui hơn được không?”, hay đánh lạc hướng, tạo chủ đề mới hơn khi thấy câu chuyện đang đi vào bế tắc, đối phương chuẩn bị than vãn “tao thấy mày mặc đồ đẹp quá, mua ở đâu vậy?”, “mày biết nấu món này không, chỉ cho tao đi?”; “cho tao xin địa chỉ chỗ mua rau ngon, sạch nhé”, từ đó người bạn sẽ nhận ra mình nên nói chủ đề gì thì hợp hơn là than”, Đỗ Ngọc Anh nói.
Trong khi đó, Trần Thị Hằng cho rằng cần góp ý với những người bạn thật sự muốn họ thay đổi cách nói chuyện: “Bạn bè thân nhưng không phải là trút lên đầu họ những bực tức, khó chịu của mình, tôi từng nói với bạn tôi là nếu bạn không thay đổi cách chúng ta chia sẻ cho nhau thì đừng gặp nhau nữa”.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên Trường đại học Hoa Sen, cho rằng khi bản thân một người suy nghĩ tích cực, nói những câu chuyện tích cực thì năng lượng tích cực cũng sẽ truyền cho mọi người xung quanh và ngược lại, khi mình chỉ biết than trách, đổ lỗi thì năng lượng tiêu cực sẽ bao trùm, tất cả đều mệt mỏi.
Thạc sĩ Giàu cho rằng mỗi người trong mỗi hoàn cảnh, hoặc trong mỗi mối quan hệ nên cố gắng tìm ra những điểm tích cực, dần dần sẽ hiểu ra bản chất và tìm thấy những giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề, từ đó cuộc sống sẽ hạnh phúc, an yên hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.