Cách xử lý đồ điện tử bị ngập nước sau bão lũ

23/09/2024 15:00 GMT+7

Sau bão lũ, nhiều thiết bị điện tử trong nhà bị ngập nước, nếu không xử lý đúng cách có thể gây ra nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cho người dùng.

Các tỉnh miền Bắc và miền Trung đang trải qua mùa bão lũ phức tạp, trong khi miền Nam đang trong mùa mưa. Đồ điện tử trong nhà như tủ lạnh, máy giặt, TV... có khả năng cao bị ẩm ướt, thậm chí ngập nước gây thiệt hại tài sản, nguy cơ cháy nổ nếu không được bảo dưỡng, sửa chữa đúng cách.

Theo các chuyên gia của Telamcoinc, thực tế không chỉ nước phá hủy thiết bị, tạp chất có trong nước cũng góp phần làm linh kiện điện tử bị hư. Nếu máy móc đang bật và dòng nước bất ngờ ngấm vào, điện có thể được truyền đến những nơi không cần thiết, từ đó gây ra hư hỏng. Không phải đồ điện tử nào vào nước cũng bị hư. Nhiều thiết bị vẫn hoạt động được nhưng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong tương lai.

Cách xử lý đồ điện tử bị ngập nước sau bão lũ- Ảnh 1.

Đồ điện tử trong gia đình bị ngập trong bùn, nước sau bão

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH JAKA VINSEK

Theo chuyên gia của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sau mưa bão hay ngập lụt, người dùng nên kiểm tra và thay thế (nếu cần) các thiết bị như dây dẫn có vỏ bọc bằng nhựa, bản mạch, thiết bị ngắt điện, hộp cầu chì, công tắc, ổ cắm ngoài...

Dưới đây là các bước cần thiết để bảo trì, kiểm tra và sửa chữa thiết bị điện tử trong nhà sau bão lũ.

Làm sạch thiết bị điện tử bị ngập nước

Việc đầu tiên khi phát hiện đồ điện tử tiếp xúc với nước là tắt thiết bị, ngắt điện, tháo rời pin. Tiếp đó, làm sạch bùn đất bằng cách tháo rời vỏ, lắc hoặc dốc ngược cho nước chảy ra ngoài. Dùng nước sạch để rửa những nơi bùn, bẩn bám. Sau đó lau khô bằng khăn rồi để thiết bị ở nơi thoáng mát. Thao tác này đặc biệt quan trọng vì bùn bám trong các mạch có thể làm hỏng các linh kiện điện tử.

Sấy khô thiết bị

Ngoài việc để thiết bị ở nơi thoáng mát cho nước bốc hơi, người dùng cũng có thể dùng quạt hoặc máy sấy để sấy khô. Tuy nhiên cách này không được các chuyên gia khuyến cáo nếu người dùng không có hiểu biết nhất định về đồ điện tử. Việc sấy không đúng cách có thể làm nước đi sâu hơn vào các ngóc ngách, khiến thiết bị lỗi nặng hơn.

Theo khuyến cáo của EVN, đồ điện tử thường chịu được nhiệt độ 50 - 60 độ C. Người dùng nên dùng máy sấy ở chế độ thấp chất, cứ 2 - 3 phút nghỉ một lần rồi sấy tiếp cho đến khi khô hẳn.

Nếu không dùng máy sấy, người dùng cũng có thể đóng hộp gỗ hoặc bìa cứng, cho đồ cần làm khô vào trong, thắp đèn sợi đốt (bóng đèn tròn) trong hộp khoảng 8 giờ để làm khô. Nhiệt độ đèn tỏa ra khoảng 50 - 60 độ C có thể giúp thiết bị làm khô từ bên trong.

Kiểm tra lại trước khi cắm điện

Sau khi đã làm khô thiết bị, người dùng không nên cắm điện chạy thử ngay. Có thể vẫn còn hơi nước hoặc một số lỗi bên trong khiến đồ điện tử có nguy cơ bốc khói, thậm chí cháy nổ. Để đảm bảo an toàn, người dùng cần đo điện trở cách điện bằng đồng hồ đo vạn năng. Điện trở cách điện an toàn trong khoảng 0,5 M mới tiếp tục cắm điện.

Trong trường hợp không rành về kỹ thuật, điện. Người dùng không nên tự ý tháo mở hoặc thay thế linh kiện, gây mất an toàn. Với những đồ điện tử phức tạp như tủ lạnh, máy giặt, TV, người dùng nên mang máy đến các trung tâm bảo dưỡng uy tín để sửa chữa.

Nhìn lại bão Yagi và hành trình tàn phá miền Bắc

Nhiều nhãn hàng hỗ trợ sửa chữa sau bão Yagi

Sau bão số 3, nhiều hãng điện tử gia dụng lớn tại Việt Nam cũng đang triển khai các chương trình hỗ trợ sửa chữa, bảo trì thiết bị cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Cụ thể Samsung đang miễn phí công sửa chữa, miễn phí đi lại và vận chuyển (nếu có), giảm 50% giá thay linh kiện. Nếu mua sản phẩm mới, khách hàng cũng được hưởng chính sách ưu đãi, tùy mặt hàng.

LG thông báo miễn phí kiểm tra tình trạng sản phẩm để phát hiện nguy cơ hư hỏng và đưa ra phương án khắc phục kịp thời, miễn phí vệ sinh cơ bản để đảm bảo tuổi thọ sản phẩm bền lâu. Với các sản phẩm xuất hiện lỗi, LG sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí kiểm tra, đi lại, vận chuyển (nếu có) và nhân công sửa chữa. Các phụ tùng thay thế sẽ được giảm giá từ 30 - 50%.

Toshiba Việt Nam đang áp dụng chế độ hỗ trợ đặc biệt cho tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, máy lọc nước của người dân bị ảnh hưởng do bão Yagi. Cụ thể, người dùng sẽ được miễn phí tiền công kiểm tra, đi lại, giảm 50% tiền linh kiện thay thế.

Ngoài ra nhiều thương hiệu khác như Panasonic, Daikin, Aqua.. cũng đang có chính sách tương tự. Chương trình diễn ra đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, tùy nhãn hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.