Sáp nhập các địa phương lại thành tỉnh hoặc thành phố song "cái đuôi" nông thôn quá rộng, tính chất địa phương vì thế không rõ, cộng với hướng đi lên công nghiệp càng mờ nhạt. Có những tỉnh cộng hai, ba tỉnh lại, vẫn từ một quá khứ gần gũi nhau lâu dài, nhất là ở Bắc Bộ, như Bắc Thái (Bắc Cạn và Thái Nguyên), Hải Hưng (Hải Dương và Hưng Yên). Bắc Trung Bộ thì tương đối phù hợp với Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) hay Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên), nhưng từ Trung Trung Bộ trở vào Nam thì sự hình thành các tỉnh có thể nói quá tùy tiện như Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định), Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa), Hậu Giang (Cần Thơ và Sóc Trăng), Cửu Long (Vĩnh Long và Trà Vinh), Minh Hải (Bạc Liêu và Cà Mau). Tỉnh lớn, bộ máy cồng kềnh, mỗi tỉnh có quá nhiều tiểu vùng với đặc thù về địa hình, về cư dân, về tiềm năng kinh tế, về lịch sử... nên hiệu quả quản lý rất thấp. Sau đợt "nhập vào" đó là đợt "tách ra" tương phản. Về một nghĩa nào, sự "tách ra" kia phù hợp với bộ máy quản lý và trình độ cán bộ, do đó, đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của đất nước. Ngày nay, cả nước có 64 tỉnh và thành trực thuộc Trung ương. Như thế đã hợp lý chưa? Có thể trả lời ngay là chưa và trong tương lai, xu thế có thể thêm một số đơn vị địa phương nữa. Vấn đề là không có một "mẫu" đơn vị, mà chủ yếu phải giải đáp cho được yêu cầu phát triển. Tôi xin nêu vài ví dụ: Tại sao Đà Lạt không là một thành phố trực thuộc Trung ương - bản thân Đà Lạt cần quy chế ấy để đạt độ hoàn chỉnh một thành phố (dù diện tích không rộng) với tất cả sức mạnh đặc thù; phần đất còn lại nằm trong một tỉnh, có thể tỉnh lỵ là Bảo Lộc? Tại sao Vũng Tàu không là một thành phố trực thuộc Trung ương, còn Bà Rịa gồm các huyện còn lại? (riêng thị xã Bà Rịa rất có thể thành thành phố cấp 2); cũng nên tính đến khả năng thành lập tỉnh Côn Đảo tách khỏi Bà Rịa, nếu nhìn tương lai không quá xa... Ngay thành phố Hà Nội, theo tôi nghĩ, tại sao không là quần thể Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây - Bắc Ninh, cắt các địa phương chưa đô thị hóa giao về một tỉnh (tỷ như Hà Tây hay Bắc Giang)?
Chúng ta biết, nước Pháp chia làm 90 địa hạt, Mỹ thì 50 bang, Trung Quốc 30 tỉnh thành, có những cái ra đời cách nay nhiều trăm năm..., nghĩa là, mô hình không đâu giống đâu, nhưng có một quy định bao quát: đơn vị địa phương chủ yếu chính là cấp tỉnh, thành, còn bên dưới là cấp cơ sở. Ở ta, cơ sở có đến hai cấp (huyện, quận và xã, thị trấn, phường). Đây là vấn đề cần xem lại để hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở chỉ qua một nấc trung gian mà thôi. Nhất là, khi quá trình công nghiệp hóa gắn chặt với đô thị hóa triển khai nhanh, quản lý địa bàn nhất định phải có thay đổi quan trọng: thành phố nhỏ, thị xã, thị trấn lần lượt giữ vai trò chính cả về số lượng đơn vị hành chính cơ sở lẫn sức mạnh kinh tế - văn hóa - xã hội, trong khi nông thôn sẽ dần dần tổ chức lại thành những tổ hợp kinh tế công nông nghiệp, những trang trại, những khu chuyên canh.
Trình bày như trên để thấy hướng cải cách hành chính trên địa bàn sắp tới cần được nghiên cứu chặt chẽ, bởi nó liên quan đến khung tổ chức và cán bộ, quy hoạch hệ thống công chức cũng như hệ thống tổ chức Đảng và các đoàn thể gắn chặt với thực tế xã hội. Có thể còn cần nhiều thời gian để hoàn thiện công việc này nhưng tất cả phải được đưa vào kế hoạch chuẩn bị, đảm bảo sự chủ động của lãnh đạo. Làm tốt, sẽ thúc đẩy sự phát triển chung hiệu quả hơn...
Bên cạnh "tư lệnh lĩnh vực" - theo ý của Thủ tướng - thì đào tạo "tư lệnh địa bàn" hết sức trọng yếu - phải chuyên môn hóa mức cao, dù không xem nhẹ nội dung bầu cử. Và, "tư lệnh địa bàn" vẫn nằm trong quy chế điều động, thay đổi như "tư lệnh lĩnh vực".
2/2006
Trần Bạch Đằng
Bình luận (0)