GDP quý 1/2019 đạt 6,79%
Sáng 20.5, kỳ họp 7 Quốc hội (QH) khóa 14 đã khai mạc tại Hà Nội. Ngay sau phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 trước QH.
Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, năm 2018, Chính phủ đã thực hiện đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 3 chỉ tiêu đạt, 9 chỉ tiêu vượt và nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo QH. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08% (đã báo cáo trên 6,7%), cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2% (đã báo cáo 11,2%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỉ USD và xuất siêu 6,8 tỉ USD cũng cao nhất từ trước tới nay.
Với bước “chạy đà” tốt của năm 2018, những tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. Mặt bằng lãi suất ổn định, giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên; nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tính thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm; đấu tranh quyết liệt với hoạt động tín dụng đen. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục... Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý 1 đạt 6,79%.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ đánh giá vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm; cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp (DN) nhà nước (NN) chưa đáp ứng yêu cầu; xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Chi ngân sách (NS) NN ở một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự tiết kiệm. Đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
“Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng... gây bức xúc xã hội”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Đẩy nhanh điều tra, xét xử các vụ tham nhũng lớn
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2019 và trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là rất nặng nề nên cần kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó phải thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo đề án được duyệt. Thúc đẩy xử lý dứt điểm theo cơ chế thị trường đối với các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, mất vốn, bảo đảm đúng quy định pháp luật. “Quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và người đứng đầu trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; công khai kết quả thực hiện”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa DNNN, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ; kiên quyết phòng chống, xử lý nghiêm mọi hình thức chạy chức, chạy quyền. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của NN và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Đề nghị làm rõ những yếu tố thiếu bền vững
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh năm 2018 là năm đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc đạt được các kết quả trên, cũng như 11 nhóm vấn đề hạn chế chủ yếu nêu trong báo cáo, nhất là mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế còn yếu tố thiếu bền vững; cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng, chất lượng cổ phần hóa DNNN chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra...
Ủy ban cũng đề nghị phân tích yếu tố bền vững của thu NS, khi những năm gần đây, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn, mà chưa thực sự phát huy từ các yếu tố cạnh tranh nội tại của nền kinh tế. Cụ thể, năm 2018 các khoản thu về nhà và đất có số tăng lớn so với dự toán và số báo cáo QH, chiếm khoảng 72,4% tổng số vượt thu NSNN; thu từ dầu thô vượt 30.100 tỉ đồng so với dự toán, tăng 11.000 tỉ đồng so với số báo cáo QH, tăng 33,2% so với thực hiện năm 2017. Ngược lại, cơ cấu thu từ một số khu vực sản xuất kinh doanh đều giảm so với số báo cáo QH, cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác 240.000 tấn dầu thô so với con số đã báo cáo QH; về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm (chỉ đạt 75,8% so với dự toán QH giao) dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, hiệu quả thấp. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện chính sách ưu đãi đầu tư với DN FDI để hoàn thiện thể chế chính sách về đầu tư nước ngoài. Về môi trường kinh doanh, các bộ, ngành có nhiều nỗ lực rà soát, loại bỏ những thủ tục, điều kiện bất hợp lý; về cơ bản đã chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự kiểm tra của nhiều cơ quan khác nhau nhưng theo phản ánh của nhiều DN (kết quả khảo sát 12.500 DN của Phòng Thương mại - Công nghiệp VN), những cải cách đi vào cuộc sống còn chậm, chưa mang lại hiệu quả thực chất.
Quản lý đất đai tiềm ẩn thất thoát, tham nhũngBáo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Tổng kiểm toán NN Hồ Đức Phớc cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở. Ông Phớc cho rằng công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất DN đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát NSNN.
Lê Hiệp
|
Bình luận (0)