Nhưng đề án này không phải là chiếc đũa thần để mọi người nuôi hy vọng những hạn chế, tồn đọng của nền giáo dục phổ thông sẽ được giải quyết ngay sau khi thực hiện nó.
Chính vì vậy những chuyện cần phải làm trước khi đổi mới quan trọng không kém việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK). Nghĩa là làm thế nào tạo ra một môi trường giáo dục phù hợp để đạt hiệu quả thật sự khi áp dụng CT, SGK mới; không gây ra độ vênh, phản ứng ngược.
Một CT, nhiều bộ SGK là tư tưởng chủ đạo trong lần đổi mới này. Đây là sự thay đổi rất lớn, nền tảng đối với hàng triệu học sinh, hàng ngàn giáo viên và biết bao lãnh đạo giáo dục các cấp. Vậy những người chịu tác động trực tiếp với sự thay đổi này đã chuẩn bị như thế nào?
Hình dung trong một vài năm nữa sẽ không còn một bộ SGK thống nhất trên toàn quốc. Như con đường nhiều nước khác đã đi hàng bao lâu nay, chỉ với một CT chuẩn, nhà trường, giáo viên và học sinh VN sẽ có nhiều lựa chọn SGK để dạy và học. Lúc bấy giờ không chỉ có SGK của Bộ, các đơn vị nhà nước mà còn có sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân... Về nguyên tắc, có thể hiệu trưởng hay giáo viên được quyền lựa chọn SGK phù hợp với học sinh. Nghĩa là giáo viên được tự chủ, chủ động hơn trong việc giảng dạy. Điều này đòi hỏi giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải có bản lĩnh, có một tư tưởng tự do học thuật, thoát khỏi tư duy “lệ thuộc” lâu nay. Thế nhưng không kể những người đang giảng dạy, cả sinh viên ngành sư phạm hiện đã được đào tạo để thích ứng với sự đổi mới này chưa? Khi giáo viên vẫn với tư duy, cách nhìn nhận cũ, còn quá nô lệ về tư tưởng thì khó hy vọng những thay đổi sắp tới sẽ đạt hiệu quả.
Học sinh nếu vẫn được dạy theo lối tư duy một chiều, bị động thì liệu có thích ứng với những thay đổi của CT, SGK mới?
Có những chuyện tưởng nhỏ nhưng lại là điều cốt lõi làm tiền đề cho sự thay đổi. Chẳng hạn thói quen dạy theo khuôn mẫu từ môn văn đến toán, từ môn xã hội đến công nghệ... cần phải loại bỏ. Cần xem lại quan niệm trọng thành tích, đánh giá cao kiến thức sách vở hơn kỹ năng cần thiết để làm người trọn vẹn. Cách kiểm tra đánh giá chỉ thuần túy dựa vào kiến thức cũng cần thay đổi triệt để...
Xây dựng một CT chuẩn, linh hoạt là điều quan trọng. Tranh luận xem Bộ GD-ĐT tham gia viết SGK cùng với các tổ chức khác có gây ra sự bất bình đẳng cũng cần thiết. Lộ trình thực hiện đổi mới CT, SGK như thế nào cũng thiết thực... Nhưng nếu không chịu thay đổi những điều như đã nói ở trên thì đổi mới CT, SGK có tốn 34.000 tỉ hay chỉ còn gần 800 tỉ đồng vẫn không có giá trị.
Thùy Ngân
>> Bộ trưởng GD-ĐT: Không biết chắc có bao nhiêu bộ sách giáo khoa
>> Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa
>> Không phải cứ thích là sửa ngữ liệu sách giáo khoa - Kỳ 2: Mở rộng quyền lựa chọn văn bản
>> Đừng lấy tiền nhà nước soạn sách giáo khoa
>> Thiếu hứng thú vì sách giáo khoa
>> Tránh rủi ro khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới
Bình luận (0)