Thực tế này một lần nữa được chứng minh, khi mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đăng đàn bác thông tin Công ty TNHH CBRE VN (CBRE) công bố lượng người Trung Quốc mua nhà tăng đột biến tại TP.HCM. HoREA cho rằng việc lấy mẫu khách hàng của công ty để khẳng định tỷ lệ này tăng từ 2% lên tới 31% không mang tính đại diện toàn bộ khách hàng tại TP.HCM; không phù hợp từ phương pháp, cách thức, hệ thống, chỉ tiêu thống kê.
tin liên quan
HoREA bác tin người Trung Quốc mua nhà ồ ạt tại TP.HCMDư luận cũng lo ngại ngoài số liệu thiếu chính xác, báo cáo của CBRE có thực sự khách quan khi nó bóp méo cung cầu, làm sai lệch giá cả thị trường bất động sản. Nguy hiểm hơn việc cho rằng người Trung Quốc chưa đặt chân đến VN đã có thể sở hữu nhà là hành vi trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến chính sách mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà của nhà nước.
Nhìn rộng hơn sang các lĩnh vực khác, báo cáo sai, cẩu thả, phân tích một chiều, thiếu khách quan hiện nay nhiều nhan nhản. Đặc biệt là báo cáo phân tích cổ phiếu của các công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán Quân đội (MBS), một tên tuổi lớn thuộc tốp 5 công ty chiếm thị phần lớn về môi giới, từng công bố bản phân tích mã cổ phiếu của Ngân hàng TMCP VN Thịnh Vượng (mã VPB) vào tháng 3.2018 có thể lên tới 65.000 đồng cổ phiếu trong trung hạn. Tuy nhiên, đến nay với kết quả kinh doanh kém khả quan, cổ phiếu này giảm chỉ còn hơn 19.000 đồng. Bản báo cáo có đính kèm chú ý “không khuyến nghị tư vấn và miễn trừ trách nhiệm”, nhưng nó cũng làm cho nhiều nhà đầu tư thiệt đơn thiệt kép khi mua vào cổ phiếu này.
Thậm chí, để lấy uy tín, làm hình ảnh, có báo cáo công bố còn lợi dụng cả các cơ quan nhà nước như trường hợp của Vietnam Report - đơn vị định kỳ hằng năm đứng ra công bố tốp 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất VN. Bảng xếp hạng của công ty này đã bị Tổng cục Thuế ban hành công văn yêu cầu đính chính, xin lỗi khi khẳng định không phối hợp, không cung cấp dữ liệu, không tham gia truyền thông sự kiện như những thông tin mà Vietnam Report đã tuyên bố trước đó.
Những bản báo cáo không đúng thực tế gây ra nhiều tác hại. Số liệu sai làm méo mó thị trường, gây thiệt hại cho khách hàng, nền kinh tế, niềm tin của người dân. Nó cũng khiến nhiều chủ trương, chính sách của nhà nước ban hành không đi vào cuộc sống. Đối với công ty, tổ chức là sự hoen ố hình ảnh, mất uy tín, thương hiệu.
Sự trung thực của thông tin trong các báo cáo phải đi từ các cơ quan chức năng với hàng loạt quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, một điều lạ, từ trước đến nay gần như chưa có bất kỳ “chủ nhân” của một báo cáo nào chịu giám sát, kiểm tra, chế tài của pháp luật, còn nhà đầu tư, khách hàng thì cứ bơi trong mớ số liệu hỗn loạn, không thiếu động cơ, chiêu trò như vậy.
Bình luận (0)