Cai thuốc lá

21/01/2012 10:06 GMT+7

(TNTS) Vì trong thuốc lá có chất gây nghiện nên việc cai thuốc đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực từ nhiều phía.

Tự cai

Anh Hoài chia sẻ về việc cai thuốc rất vui mà hiệu quả. Thời sinh viên, do phải thường xuyên thức khuya để học bài nên anh phải mượn thuốc lá để chống buồn ngủ rồi nghiện lúc nào không hay. Khi ra trường chật vật mãi mà vẫn không bỏ được, chưa kể tiền bạc đã eo hẹp lại còn trang trải để mua thuốc lá. Năm đó anh quyết tâm bỏ thuốc để cuối năm có tiền về thăm quê, cứ mỗi lần thèm thuốc anh lại lấy số tiền định mua bỏ vào heo đất, quả thật sau một năm anh đã dành dụm được tiền mua vé, thế mới biết sự thiệt hại về kinh tế do thuốc lá là không nhỏ. Cũng nhờ vậy mà anh Hoài đã cai được thuốc.

 
Ảnh: shutterstock

Trường hợp thứ hai cũng thú vị không kém, đó là câu chuyện của anh Việt. Anh buộc phải bỏ thuốc lá không phải vì động cơ cá nhân mà do sự áp lực từ vợ. Vợ anh đang mang thai nên ra chỉ tiêu cho anh phải cai thuốc trong vòng 3 tháng. Nghe cái kế hoạch thời gian vợ vạch ra mà anh đổ mồ hôi hột, bởi đã năm lần bảy lượt anh bỏ thuốc mà chưa được. Vốn làm ở phòng nghiên cứu, anh thường phải dùng đến thuốc lá thì mới có thể tỉnh táo sáng tạo, không có là đầu óc cứ mụ mị. Lần này, vợ quyết tâm đồng hành cùng anh. Ở nhà và cơ quan chị đều trang bị cho anh hộp kẹo sing gum lớn, bảo khi nào thèm thuốc thì lấy kẹo ra nhai. Quả thật, nhờ vậy mà anh cai được, giờ đây anh Việt đã cai được thuốc và quay sang nghiện kẹo sing gum cho... sạch răng, thơm miệng.

Nhờ đến bác sĩ

Cai thuốc là để bảo vệ sức khỏe, hoặc vì đồng nghiệp và gia đình... Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân thôi chưa đủ, vì trong thuốc có chất gây nghiện, nếu không có ý chí vững vàng thì việc tái nghiện diễn ra là không tránh khỏi. Lúc này, người cai phải nhờ đến bác sĩ.

TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Trưởng khoa bệnh phổi nam C6, phó giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho biết, tùy trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có biện pháp thích hợp. Biện pháp hỗ trợ cai thuốc lá được chứng minh là có hiệu quả là điều trị nhận thức - chuyển đổi hành vi và điều trị bằng thuốc như nicotin thay thế; bupropion hydrochloride, varenicline. Trong đó, biện pháp điều trị nhận thức - thay đổi hành vi là biện pháp căn bản, xuyên suốt toàn bộ quá trình cai thuốc lá. Trái với các biện pháp điều trị bằng thuốc vốn chỉ có chỉ định trên người hút thuốc lá có ý muốn cai thuốc, biện pháp điều trị nhận thức - chuyển đổi hành vi cần chỉ định cho người hút thuốc lá ở mọi giai đoạn. Cơ chế tác dụng của biện pháp này là can thiệp vào các thành phần cấu thành nên hành vi hút thuốc lá để giúp người nghiện nhận biết và tìm cách chuyển đổi hành vi có hại cho sức khỏe là hút thuốc lá thành một hành vi khác có lợi cho sức khỏe. Cách thức tác động  là tư vấn cá nhân, tư vấn theo nhóm, tư vấn trên phương tiện thông tin đại chúng.

Những trường hợp lệ thuộc nicotine nặng, bác sĩ sẽ khuyên dùng nicotine thay thế dưới nhiều dạng khác nhau như băng dán (Nicorette, Nicopatch, Nicoderm), viên thuốc nhai (Nicopass), viên thuốc ngậm dưới lưỡi (Nicorette microtab, Niquitin), nicotine dạng hít (Nicorette).

Nicotine sinh ra do hút thuốc lá sẽ thấm qua phổi vào máu rất nhanh, đạt nồng độ cao đột ngột; còn nicotine trong chế phẩm thay thế thấm vào máu chậm, làm cho nồng độ nicotine trong máu tăng, giúp cơ thể không quá thiếu nicotine nên không xuất hiện hội chứng cai thuốc; Nhưng cũng không tăng cao đạt đỉnh nên không đem đến cho người bệnh sự sảng khoái khi hút thuốc và như vậy sẽ không gây nghiện. Nhờ vậy, nicotine thay thế giúp giảm thiểu được các triệu chứng vật vã trong những ngày đầu cai thuốc. Khi cơ thể đã quen dần, bác sĩ sẽ giảm dần liều thuốc nicotine thay thế sao cho các triệu chứng cai thuốc không xuất hiện.

Điều trị bằng bupropion hydrochloride (Zyban, Wellbutrin) được chỉ định cho những trường hợp lệ thuộc nicotine nặng. Cơ chế tác dụng của bupropion hydrochloride  là ức  chế một phần sự bắt giữ dopamin, làm tăng nồng độ dopamin tại trung tâm “thưởng” ở não; ức chế mạnh sự bắt giữ noradreanaline, làm giảm triệu chứng của hội chứng cai nghiện và tăng cường khả năng tập trung; ức chế cạnh tranh với thụ thể nicotine với chất nicotine. Với cơ chế tác động như vậy, bupropion hydrochloride ban đầu được xem là giải pháp rốt ráo cho việc cai thuốc, nhưng đáng tiếc là có đến 30% số người cai thuốc lại không đáp ứng với bupropion. Hơn nữa, bupropion hydrochloride là một thuốc hướng tâm thần, có một số tác dụng phụ cũng như chống chỉ định tuyệt đối, nên phải được kê toa bởi bác sĩ.

Tiến sĩ Adrian Taylor, chuyên gia sức khỏe tâm lý của Đại học Exeter (Anh) cho biết, ngoài các bí quyết thông thường như nhai kẹo cao su hoặc ăn một thực phẩm nào đó, thì luyện tập cũng có hiệu quả không kém. Mỗi khi lên cơn thèm thuốc hãy luyện tập trong vòng 5 phút những môn thể thao đơn giản như đi bộ, chạy hoặc aerobic. Việc luyện tập với cường độ vừa phải sẽ giảm cảm giác "nhớ" nicotine ở người nghiện thuốc.

Còn theo cuốn Tips for Quitting của Trường đại học y khoa Harvard, một số liệu pháp tâm lý cũng giúp người cai thuốc đạt được mong muốn của mình. Đầu tiên hãy chọn một thời gian nhất định trong ngày như trước khi đi ngủ là lúc bạn không vướng bận công việc để bỏ thuốc. Tránh giao lưu với những người bạn có hút thuốc hoặc đi đến những nơi có khói thuốc. Việc cai thuốc thường có quy trình, bạn sẽ thấy khó chịu trong 1 - 2 tuần đầu sau khi cai (buồn ngủ, bứt rứt, cáu gắt...), và phải mất 3 tháng bạn mới cai được hoàn toàn, lúc này bạn cần phải bản lĩnh không được bỏ cuộc dù nhiều lần hút lại. Bởi những người bỏ thuốc thành công thường phải lặp lại việc cai nhiều lần. Trong quá trình cai nếu thèm thuốc bạn có thể hút một hơi hoặc nửa điếu sau đó giảm từ từ.

Tại sao người ta hút thuốc?

Câu hỏi trên được đặt ra từ rất nhiều năm. Nhiều tổ chức y tế cho rằng người ta hút thuốc do bị "nghiện" nicotine. Nicotine trong khói thuốc lá khi hít vào sẽ thấm qua mạch máu phổi vào máu tuần hoàn, 7 giây sau sẽ lên đến trung tâm "thưởng" ở não. Tại đây

nicotine gắn vào thụ thể nicotine gây phóng thích các chất trung gian dẫn truyền thần kinh chủ yếu là dopamin và noradrenaline tạo ra các hiệu quả như tăng cường sự chuẩn xác, độ tập trung, khả năng hoạt động trí óc; gây cảm giác sảng khoái, yêu đời, hưng phấn; giảm lo âu, tăng chuyển hóa cơ bản nên giảm cân nặng. Khi nồng độ nicotine giảm xuống, người hút sẽ xuất hiện các triệu chứng rất khó chịu như thèm thuốc, mất ngủ, buồn bã hay hưng phấn quá mức, thèm ăn, ăn nhiều, tăng cân. Lúc này, người ta thường chọn giải pháp là hút thuốc, do quá lệ thuộc vào nicotine.

Tuy nhiên, hút thuốc vì nicotine không chỉ là lý do duy nhất. Có thể người hút thuốc có cảm giác thích thú với điếu thuốc trên tay, với mùi vị, giác quan và hương vị của khói thuốc; hút thuốc còn thể hiện sự "chia sẻ" với những người hút khác; thanh niên mới lớn hút thuốc do bắt chước người lớn và như một cách khẳng định mình không còn trẻ con nữa; sống trong môi trường có nhiều bạn bè nghiện hút thuốc lá thì bị nghiện theo; trong gia đình có cha mẹ nghiện thuốc lá thì con cũng dễ bị nghiện; và cuối cùng vấn đề quảng cáo của các hãng sản xuất thuốc lá cũng góp phần tác động rất mạnh đến vấn đề nghiện hút thuốc lá của nhiều thế hệ.

Người già thường khó cai thuốc hơn người trẻ do cuộc sống của họ trôi qua chậm rãi, thời gian nhàn rỗi nhiều nên bị cơn nghiện thuốc chi phối, chưa kể sự cô đơn ở người già cũng là yếu tố khiến họ hút thuốc nhiều hơn. Còn ở phụ nữ, việc cai thuốc cũng khó hơn nam giới do sự ám ảnh tăng cân. Việc hút thuốc giúp tiết chế cảm giác thèm ăn, giúp kháng lại cơn đói khi quá bận, nên người bỏ thuốc thường tăng cân nhanh do đó khi cai thuốc bạn phải ăn nhiều thứ thay thế.

 ----------------------------------------------------------------------------------------

Người muốn cai thuốc có thể tìm mua loại dược phẩm hỗ trợ nếu không có điều kiện đến bác sĩ, hiện trên thị trường VN đang lưu hành varenicline. Varenicline hiện được các nước tiên tiến đánh giá là giúp cai nghiện thuốc lá thành công. Tỷ lệ người sử dụng varenicline thành công là 67%, còn người dùng bupropion chỉ 55% và 50% khi dùng nicotine thay thế.

Các quy định về cấm hút thuốc

Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ, từ ngày 1.1.2010 nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất và nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, các quy định về cấm hút thuốc lá thường được các cơ quan quy ước với nhau, chẳng hạn như thành lập phòng hút thuốc cho người có nhu cầu hoặc ra ban công để tránh gây ảnh hưởng đến người khác, những nơi khác thì việc hút thuốc vẫn diễn ra công khai vì không thấy ai đến xử phạt.

Cá biệt, có một số nơi thực hiện triệt để việc cấm hút thuốc thông qua các quy định nghiêm ngặt như tại Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), hiệu trưởng yêu cầu không hút thuốc lá trong nhà trường và có khung mức xử phạt cụ thể cho người vi phạm (như đối với sinh viên sẽ bị nhắc nhở, hạ hạnh kiểm và buộc ra khỏi trường; đối với cán bộ nhà trường thì hạ bậc thi đua hằng năm, đối với giảng viên thì hạ bậc thi đua và không cho thỉnh giảng). Tương tự, tại các bệnh viện như Nhi đồng 1, 2 TP.HCM, Phạm Ngọc Thạch... quy định không hút thuốc lá cũng được tuân thủ nghiêm ngặt do có mức xử phạt bằng tài chính thích đáng.

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.