Cạm bẫy “giăng lưới” sinh viên

03/11/2011 12:51 GMT+7

Bước vào cuộc sống của môi trường đại học, nhiều sinh viên (SV) không tự chủ được, bị cuốn vào vòng xoáy đỏ đen của cờ bạc, cá độ bóng đá, say sưa kiếm tiền...

Nhiều người đã phải bỏ dở con đường học hành, khi hối hận nhìn lại thì đã quá muộn.

 
Ngoài thời gian học, tham gia các hoạt động phong trào sẽ giúp sinh viên tích lũy cho bản thân nhiều kỹ năng mềm. Trong ảnh: SV ĐH Kinh tế TP.HCM tham gia hội trại “Sức trẻ kinh tế 2011” - Ảnh: Phước Tuần

Nhiệm vụ số 1: kiếm tiền!

Dù đang trong đợt kiểm tra giữa kỳ nhưng bạn bè vẫn không thấy M.A.T. (khoa kỹ thuật địa chất và dầu khí ĐH Bách khoa TP.HCM) có mặt trên giảng đường. Hầu hết các tiết học T. đều nhờ các bạn điểm danh giùm. Một tuần T. chỉ lên lớp 1-2 buổi. Công việc trực điện thoại trong một công ty với mức lương gần 3 triệu đồng/tháng đã chiếm hết thời gian hằng ngày của T., việc học vì thế ngày một sa sút. Đợt thi cuối học kỳ, bảy môn thì T. rớt đến bốn. Hai năm học tại ĐH Bách khoa, kỳ này qua kỳ khác, số môn nợ ngày càng nhiều nên T. chán nản và bỏ học. Mới đây T. làm hồ sơ thi lại vào ĐH Kinh tế - luật TP.HCM, xem như bắt đầu lại.

Nguyễn Chí Hằng Hải (SV năm 4 khoa thương mại, ĐH Luật TP.HCM - gương SV 5 tốt tiêu biểu của Hội SV TP.HCM năm 2011): Nên xác định rõ những mục tiêu của thời SV

Bước vào cuộc sống SV, một môi trường mới cần đòi hỏi tính tự lập và tự giác cao trong học tập và sinh hoạt, các tân SV nên định hướng rõ trong quãng thời gian SV mình sẽ đầu tư vào những mục đích như: học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, hoạt động tình nguyện... Tích cực tham gia các hoạt động Đoàn - Hội, CLB và những chuyến tình nguyện sẽ giúp bạn rèn luyện cho bản thân rất nhiều kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm… Nếu muốn làm thêm để trang trải cuộc sống và tích lũy kinh nghiệm, nên tìm kiếm những công việc phù hợp thời gian, chuyên môn của bản thân. Tốt nhất các bạn nên liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm của nhà trường, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thành phố.

Nhiều SV khác cũng rơi vào cảnh mải mê kiếm tiền, dở dang học hành, nhưng không phải ai cũng có thể quay đầu làm lại. Ngay từ khi học năm 2, L.V.G. (khoa báo chí truyền thông ĐH KHXH&NV TP.HCM) đã kiếm được tiền với công việc bồi bàn đám cưới, bán hàng. Từ đó G. mải mê chạy theo công việc làm thêm, chẳng màng học. Đến năm cuối, bạn bè ôn thi tốt nghiệp còn G. vẫn dửng dưng vì nghĩ năm nay không ra trường được thì năm sau. Đến nay G. đã học gần sáu năm, nợ các môn học chồng chất. Nhìn bạn bè ra trường có công việc ổn định, G. lại thấy hối tiếc cho những tháng ngày mê kiếm tiền của mình, rầu rĩ cho tương lai mù mịt.

Còn N.V.T. (ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 TP.HCM) bộc bạch: “Lúc ấy mình chỉ biết làm và làm để có tiền nộp học phí, lo tiền ăn, tiền trọ. Lên năm 2 mình vào một mạng lưới bán hàng đa cấp, tiền kiếm được nhiều hơn. Giao tiếp với nhiều người, mua áo quần đẹp, giày dép mới… làm mình sao nhãng chuyện học. Kết quả là mình bị nợ quá số môn quy định của trường nên bị lưu ban xuống khóa dưới. Chán, mình bỏ học đi làm luôn”.

Đỏ đen, luyện game và…tội phạm

P.V.H. (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) gia đình khá giả, kinh doanh xăng dầu ở Gia Lai. Xuống Sài Gòn học, ban ngày H. tụ tập với bạn bè ở quán nước đánh bài, tối thì đến những tụ điểm cà phê bóng đá. Suốt năm học, bạn bè ít khi thấy H. lên giảng đường. Hết năm nhất, do nợ quá nhiều môn H. bị lưu ban rồi sau đó bỏ học luôn.

Còn N.T.B. (ngành cầu đường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 TP.HCM) đậu điểm cao đại học nhưng bị dính vào trò chơi game đến quên cả học. Hằng tháng, tiền sinh hoạt bố mẹ gửi vào, B. đốt hết vào game. Đêm, B. thức trắng chơi game, ngày thì ngủ li bì nên ít xuất hiện ở giảng đường. Đến lúc thi cả lớp mới thấy B. xuất hiện với dáng vật vờ do mất ngủ. Hết năm nhất, B. còn nợ hơn 2/3 số môn học.

Không khó bắt gặp hình ảnh của những SV như H. và B. tại các khu đại học. Nhiều SV tụ tập từ sáng đến chiều trong quán cà phê đánh bài hay miệt mài chơi game, cá độ bóng đá, quên mất việc đến trường. Gần các trường CĐ Tài chính hải quan (Q.9), ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐHQG (Q.Thủ Đức), ĐH Giao thông vận tải (Q.Bình Thạnh)… có không ít quán xá ghi cá độ bóng đá phục vụ SV. Nhiều SV bán xe máy, cầm laptop, nợ nần chồng chất khi lao vào vòng xoáy đỏ đen. “Khi máu cá độ đã ngấm vào người thì SV khó mà thoát ra khỏi được.”, H. (ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, TP.HCM) - một SV mê cá độ bóng đá - cho biết.

A.D. (khoa công trình ĐH GTVT cơ sở 2 TP.HCM) lao vào cá độ như con thiêu thân. Thắng độ thì D. mua sắm, nhậu nhẹt cùng bạn bè. Lúc thua thì D. vay nợ. Tiền gia đình gửi cho D. nướng sạch vào những trận bóng thâu đêm. Rồi D. cầm cả xe máy, laptop để trả nợ. Số tiền nợ lên đến gần 40 triệu đồng, chủ nợ dọa kêu giang hồ xử nên D. hoảng hốt cầu cứu bố mẹ đem tiền lên trả. Dù hứa bỏ cá độ, nhưng vài tháng sau D. lại “ngựa quen đường cũ”, nợ tiếp trên 50 triệu đồng. Bố mẹ già của D. lần nữa đứng ra trả nợ thay con, và còn thêm một lần… sau nữa.

Thua độ, nợ nần nhiều nhưng không muốn cho gia đình biết, có SV trộm cắp xe máy, laptop của bạn bè trả nợ. Mới đây, bạn bè cùng lớp đều bất ngờ khi hay tin H.H.N. (SV ĐH Giao thông vận tải) bị khởi tố và bắt tạm giam về tội trộm cắp tài sản. N. thừa nhận do mê cá độ bóng đá, thiếu nợ nhiều người nên đã lấy trộm tài sản của bạn cùng phòng.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.