Cấm câu cá để giữ “kênh xanh”

28/03/2013 03:05 GMT+7

Phong trào câu cá trên các kênh rạch đã được cải tạo như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dọc đại lộ Võ Văn Kiệt... dấy lên sự e ngại về việc hủy hoại môi trường sống trên những dòng kênh này.

Giải trí “tiêu cực”

Anh Nguyễn Văn Tâm - buôn bán trên đường Trường Sa, gần chân cầu Lê Văn Sỹ, Q.3 cho biết: “Càng ngày số người đến câu cá trên kênh này càng nhiều, ước tính mỗi ngày có đến hàng chục, hàng trăm ký cá bị người câu cá giết hại. Có người còn quăng cả lưới, chích điện để bắt cho được nhiều cá. Dòng kênh vừa mới hồi phục, cá bắt đầu sinh sôi nảy nở thì con người đã thi nhau tận diệt”.

Bác Trần Tuyên - nhà ở ngã ba đường Hoàng Sa - Trương Định, Q.3 nói thêm: “Không chỉ câu cá, họ còn giẫm đạp lên cỏ ở các công viên nhỏ ven kênh. Thiết nghĩ, nhà nước cần có biện pháp để ngăn chặn việc câu cá tràn lan như hiện nay, bảo vệ đàn cá vừa mới sinh sống trở lại trên dòng kênh này. Tôi cho rằng giải trí bằng cách câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL-TN) là một cách giải trí “tiêu cực”, vì chỉ để thỏa mãn thú vui của mình mà tận diệt đàn cá đang cố để sống trên kênh”.

Cấm câu cá để giữ “kênh xanh”
Tụ tập câu cá trên kênh Tàu Hủ - Ảnh: Bạch Dương

Cũng với quan điểm này, hòa thượng Thích Quảng Minh, Phó trụ trì chùa Pháp Hoa (đường Trường Sa, Q.3, TP.HCM) cho biết, trước đây khi kênh NL-TN còn ô nhiễm nặng, các phật tử thường phóng sinh cá ở những nơi khác. Kể từ khi dòng kênh được cải tạo sạch đẹp, phật tử đem cá đến phóng sinh nơi đây rất nhiều, vào những dịp lễ lớn hay rằm thì phóng sinh càng nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, lượng người câu cá ngày càng nhiều khiến cá dường như không kịp sinh sôi nảy nở. Nhiều lúc bên này người dân thả cá, bên kia người ta lại câu lên. “Nếu nhà nước khuyến khích người dân thả cá xuống để cải tạo môi trường thì cần có biện pháp để hạn chế việc câu cá, thậm chí nên có lệnh cấm để bảo vệ môi trường, chứ với đà câu cá thoải mái thế này thì có thả bao nhiêu cũng không đủ”, hòa  thượng Thích Quảng Minh đề nghị. 

 

Chế tài mạnh đối với những ai câu cá sai khu vực

Ông Trần Thanh Bình - Chủ tịch UBND P.9, Q.3 nêu ý kiến: Câu cá là thú vui của nhiều người dân, nhưng tôi nghĩ không nên câu trên kênh. Bởi cá câu được không ai ăn, còn câu lên thả xuống sẽ làm tổn hại, khiến cho cá chết. Để đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như sự phát triển bền vững cho dòng kênh, nên chăng thành phố cần quy hoạch lại việc câu cá. Chỉ cho phép câu cá ở một số khu vực nhất định mà thôi. Đồng thời cần có chế tài mạnh đối với những ai câu cá sai khu vực để mang tính răn đe.

Nỗ lực bảo vệ sinh thái

Cuối năm 2013, Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) cũng đã thả 150 cá thể cá bản địa xuống kênh NL-TN trong chương trình “Nhân giống và thả cá bản địa về thiên nhiên” do WAR tổ chức với hy vọng cứu lại môi trường sinh thái của dòng kênh. Mới đây, lúc 8 giờ sáng ngày 3.3, các thành viên của Hội quán bạn câu TP.HCM (www.hoiquanbancau.vn) cũng đã thả hơn 160 kg cá trê và cá phi xuống dòng kênh này. Anh Lê Đức Huy, một thành viên của Hội quán tâm sự: Năm nào hội cũng thả cá xuống sông Sài Gòn với mong muốn bảo tồn cá và bảo vệ môi trường. Năm nay, chúng tôi thấy kênh Nhiêu Lộc đã sạch nên hội đã tổ chức thả cá xuống đây, dù chẳng đáng là bao nhưng với hành động này, hội khuyến khích mọi người hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường bằng những việc làm đơn giản nhất. Bên cạnh đó, anh Huy cũng bày tỏ sự e ngại khi mà việc câu cá diễn ra ngày càng nhiều mà thiếu sự quản lý, đặc biệt là với hành vi dùng điện chích hoặc dùng lưới để bắt cá. Việc làm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống.

Thực tế hiện nay, ngoài một số ít câu cá để mưu sinh thì phần đông câu chỉ để giải trí chứ cũng không dám mang về ăn vì lo ngại ô nhiễm còn tồn dư trong cá. Hậu quả là, câu lên xong nhiều người đã thả lại xuống kênh. Tưởng rằng như vậy là không vấn đề gì, nhưng thực chất hành động này sẽ làm cho cá khó sống tiếp tục vì tác động của lưỡi câu gây ra.

Đã đến lúc thành phố cần có quy định cấm các hành vi xâm hại đến môi trường, trong đó có việc câu cá vô tội vạ trên các dòng kênh, hồ cảnh quan trong nội thành.

Đừng câu cá của Chíp !

Một câu chuyện được nhiều cư dân mạng xã hội Facebook chia sẻ liên quan đến đàn cá trên kênh NL-TN đó là chuyện của cô bé Chíp (3 tuổi) nhà ở đường Nguyễn Lâm, Q.Phú Nhuận. Những ngày cuối tuần, Chíp thường được ba mẹ đưa đi dạo dọc kênh NL-TN, trên đường đi, mẹ Chíp hay ghé chùa để mua một bịch cá con cho Chip thả xuống kênh để Chíp... nuôi. Mới rồi, vào đêm diễn ra sự kiện giờ trái đất, cả nhà Chíp cũng tắt đèn hưởng ứng và đưa Chíp ra kênh NL-TN hóng mát. Trong lúc đi dạo, Chíp thấy mấy chú câu được cá to màu vàng giống với cá mà Chíp thả, vậy là Chíp vừa khóc vừa la lên: “Cá của Chíp, cá của Chíp mẹ ơi. Mẹ nói mấy chú đừng bắt cá của Chíp”. May quá, sau khi câu xong mấy người câu cá đã thả cá lại dòng kênh, nếu không chẳng biết cô bé mếu máo đòi... cá của mình đến khi nào.

Thanh Đông - Hải Nam

>> Mất tích khi đi câu cá
>> Câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
>> Câu cá đêm giữa Trường Sa
>> Câu cá ở Phú Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.