Theo ông Võ Văn Hoan, tại TP đang có 65 doanh nghiệp (DN) đăng ký dịch vụ đòi nợ thuê. Trong đó, 44 DN đã hoàn tất mọi điều kiện để được hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê, nhưng 12/44 DN đã nộp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do hoạt động không hiệu quả, 4 DN xin tạm ngưng, còn lại 28 DN đang hoạt động thì phần lớn đến từ địa phương khác. Trong quá trình quản lý hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê, TP thấy phát sinh những “khuyết tật” cần phải chấn chỉnh. Đó là chưa có quy định pháp lý về địa bàn hoạt động của dịch vụ đòi nợ thuê dẫn tới rất nhiều công ty đòi nợ thuê ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía bắc đều có văn phòng đặt ở TP.HCM. Các công ty này đưa người, lực lượng ở các nơi đến TP để thực hiện các dịch vụ của mình, dẫn tới rất khó quản lý. Trong quá trình hoạt động, các công ty đòi nợ thuê biến tướng rất nhiều, đe dọa con nợ, dễ dẫn tới vi phạm pháp luật, gây bất ổn cho xã hội... Trước tình hình như thế, UBND TP kiến nghị T.Ư về việc cấm kinh doanh dịch vụ này. “Quan điểm UBND TP là cấm đòi nợ thuê, bởi vì việc nợ tiền là quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế giữa hai đối tác, giữa hai người bằng hợp đồng cụ thể. Khi có mâu thuẫn cần đưa ra tòa và phán quyết của tòa chính là phán quyết cuối cùng mà các bên buộc phải theo”, ông Hoan nói.
“TP kiến nghị mạnh mẽ như vậy nhưng biết chắc rằng cần phải có một quá trình. Bởi nghị định liên quan đến dịch vụ này ra đời cách đây 10 năm rồi, muốn sửa phải có báo cáo, đánh giá cụ thể. Việc đánh giá này phải xét trên nhiều khía cạnh. Cho nên việc điều chỉnh nghị định, đưa dịch vụ đòi nợ thuê ra khỏi danh mục cho phép là điều rất khó khăn”, ông Hoan nhìn nhận và cho biết thêm từ dự báo sẽ khó khăn nên bên cạnh kiến nghị cấm hoạt động, TP.HCM cũng kiến nghị cần phải tăng cường quản lý nhà nước bằng các quy định, quy trình, quy tắc ứng xử của lực lượng đòi nợ thuê, từ đó giảm bớt hoạt động tiêu cực từ dịch vụ đòi nợ thuê.
Rà soát 5 băng nhóm, 137 DN cầm đồ
Nói thêm về hoạt động của dịch vụ đòi nợ thuê, thượng tá Nguyễn Quang Thắng, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, nhìn nhận trong thực tế loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ phát sinh nhiều phức tạp, các đối tượng cho vay nặng lãi luồn lách, thực hiện việc khủng bố đối với người dân. Công an TP đã rà soát, tuy nhiên việc xử lý còn nhiều khó khăn, có thể xử lý hình sự, phạt hành chính nhưng đối tượng chủ mưu đứng đằng sau lại không ra mặt.
“Công an TP có mời một số đối tượng lên làm việc để răn đe, nhắc nhở, xử lý hành chính, kể cả vụ việc ở Tân Bình mà Báo Thanh Niên phản ánh về cụ ông xin từ con vì liên tiếp bị khủng bố buộc trả nợ thay (cụ Hồ Tăng Quang, 95 tuổi, ở P.11, Q.Tân Bình phải xin từ con gái vì liên tục bị côn đồ tới khủng bố, đe dọa buộc trả nợ thay - PV). Tuy nhiên, việc xử lý đối tượng đứng phía sau gặp khó khăn”, thượng tá Thắng nói và cho biết Công an TP đang rà soát, lên danh sách 5 băng nhóm và 137 DN cầm đồ có biểu hiện nghi vấn, với thủ đoạn cho vay sau đó đi đòi nợ. Công an TP cũng đã chỉ đạo công an địa phương, các đơn vị có biện pháp bảo vệ người dân trong những trường hợp cần thiết, không để xảy ra hoạt động gây rối an ninh trật tự tại địa phương.
DN đòi nợ thuê được làm những gì ?
Theo luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, Nghị định 104/2007 quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ chỉ cho phép các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ; thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ; nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ. “Mục đích sử dụng các phương pháp trên để đàm phán, thương thuyết với chủ nợ. Chứ không phải dùng các biện pháp gây mất thiện cảm, gây mất trật tự an toàn xã hội để ép khách nợ trả nợ như hiện nay”, luật gia Hậu nói.
Luật gia Hậu cũng cho rằng tinh thần trong Nghị định 104/2007 cũng thể hiện rất rõ tiêu chuẩn của người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê: không có tiền án; trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh. .. “Luật quy định rất rõ nhưng vẫn để xảy ra thực trạng biến tướng thì do quản lý không chặt và chế tài DN vi phạm còn thấp, chưa có tính răn đe. Vì vậy, điều cần làm là sửa luật để tính lại khâu quản lý, chế tài và xử lý cơ quan chức năng được luật cho phép quản lý nhưng để “lọt” giang hồ tham gia vào DN dịch vụ đòi nợ, chứ không phải cấm”, ông Hậu nhấn mạnh.
P.T
|
Sẽ xem xét trách nhiệm để VPCC giả hoạt động
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để văn phòng công chứng (VPCC) giả hoạt động, có khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho hay công ty ở địa chỉ số 229 Man Thiện, P.Hiệp Phú (Q.9) được Sở KH-ĐT TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 29.6.2018. Tuy nhiên, do hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán nên tới ngày 1.8.2018, công ty này mới được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận liên quan kiểm toán, khi đó công ty mới chính thức hoạt động.
Ngày 12.9, chủ công ty dán một số decal Văn phòng công chứng Sao Bắc Đẩu trước mặt tiền công ty và diễn ra hoạt động hành nghề công chứng. Ngày 21.9, Sở Tư pháp nhận được phản ánh và yêu cầu Thanh tra Sở xuống kiểm tra, xác minh. Ngày 25.9, Sở Tư pháp phối hợp UBND Q.9, Công an Q.9 làm việc với công ty, thu được các chứng từ như sao y, chứng thực ủy quyền, con dấu... liên quan đến hoạt động công chứng. Ngoài việc báo cáo với cơ quan cấp trên, công bố thông tin trên báo chí, Sở Tư pháp cũng gửi văn bản cho Công an Q.9 tiếp tục điều tra.
Ông Hạnh cho hay sau khi có kết luận điều tra sẽ xem xét việc khởi tố cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong công tác quản lý.
|
Bình luận (0)