Hiểu những khó khăn, thiếu thốn
Sáng sớm chủ nhật hàng tuần, không khí tại ngôi nhà số 35/14 đường số 4, P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM lại trở nên nhộn nhịp. Từ 2 giờ, chị Nguyễn Thị Hạnh (33 tuổi) đã tất bật chuẩn bị từ 200 đến 300 phần ăn sáng dành tặng cho người khó khăn và bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Cách đây một năm, vợ chồng chị Hạnh cùng đứa con trai 2 tuổi đã chiến đấu với bệnh tật suốt hơn 2 tháng ở khoa ung bướu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Sau khi con trai qua đời, hình ảnh những bệnh nhân oằn mình chống chọi với cơn đau của bệnh tật, hay bao nhiêu khó khăn, cực nhọc của người nuôi bệnh… lại ùa về và thôi thúc chị Hạnh thực hiện bữa ăn sáng cuối tuần 0 đồng.
Chị Hạnh vừa trò chuyện với tôi nhưng tay vẫn không nghỉ nấu nướng để kịp giờ bữa ăn sáng. Nguyên liệu để nấu được chị chuẩn bị đầy đủ và sơ chế công phu từ chiều tối ngày hôm trước. Mỗi tuần chị đều tự mày mò nghiên cứu để đa dạng hóa món ăn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Hạnh đảm nhận công việc nấu nướng chính, vì dụng cụ nấu ăn của chị đều nhỏ nên phải chia ra nấu nhiều đợt. Đến độ 5 giờ, có các bạn tình nguyện viên và hàng xóm, bạn bè đến hỗ trợ chị gói thức ăn vào hộp rồi vận chuyển đến bệnh viện để trao tặng cho mọi người.
"Mình từng ở trong hoàn cảnh đó, mình hiểu những khó khăn, thiếu thốn của họ nên mình muốn lan tỏa rằng ở đâu đó vẫn còn rất nhiều khó khăn, đôi khi bạn chỉ cần giúp một phần ăn nhỏ thôi là mọi người cũng đã đủ ấm lòng rồi, chứ chẳng cần gì nhiều. Những suất ăn tuy nói ít mà lại nhiều, nhiều tình cảm và yêu thương, mình mong có thể giúp họ đỡ đi phần nào nỗi lo âu", chị Hạnh chia sẻ.
Mong có sức khỏe để có thể cố gắng "giữ lửa" bếp ăn 0 đồng
Suốt 13 tuần qua, bếp ăn 0 đồng đều đặn đỏ lửa và mang đến những phần ăn ngon. Chị Hạnh cho biết kinh phí duy trì bếp ăn là số tiền tích góp được của vợ chồng chị và được vận động từ bạn bè, đồng nghiệp… Mỗi lần kêu gọi thiện nguyện, chị Hạnh đều nhận được sự quan tâm, tin tưởng từ bạn bè và các mạnh thường quân. Số tiền vận động được chị luôn công khai rõ ràng, vì lẽ đó mà có rất nhiều người xa lạ dần biết đến và sẵn sàng đồng hành cùng bữa ăn sáng cuối tuần cho những người cần nó. Bằng cách này hay cách khác, có người thì quyên góp tiền mặt, có người gửi tặng nguyên liệu hay dụng cụ chế biến, có người đến đóng góp công sức.
Riêng sáng 30.4, chị Hạnh chuẩn bị 500 phần ăn sáng để trao tặng trước cổng cơ sở 2 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (400 phần) và cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM (100 phần). Đúng 7 giờ, chiếc xe chở thức ăn của chị Hạnh đã có mặt trước bệnh viện, hai hàng dài được xếp trật tự để chuẩn bị nhận phần ăn. Độ hơn 30 phút, tất cả 400 phần mì trộn tôm thịt rau củ đã được chị và các tình nguyện viên trao hết.
Xếp hàng nhận phần ăn sáng, chị Thái Thị Hoa Mai (39 tuổi), ngụ tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, bày tỏ: "Mình đang chăm mẹ bị bệnh ung thư tại bệnh viện, sáng sớm thấy mọi người bảo xếp hàng nhận đồ ăn sáng nên mình cũng đứng vào hàng. Nhận được phần quà này mình thấy vui lắm, một phần ăn sáng và một chai nước được đóng hộp cẩn thận, nhìn rất ngon và hấp dẫn. Hành động của chị gái thật sự đáng trân quý và biết ơn".
Xong xuôi công việc tặng quà, chị Hạnh chuẩn bị thu dọn ra về, trên mặt vẫn ướt đẫm những giọt mồ hôi, chị nhìn về phía cổng nở một nụ cười tươi hạnh phúc. "Nhìn họ vui, mình có thêm động lực để thực hiện nhiều bữa ăn sáng 0 đồng hơn. Mình xem những người mình giúp đỡ đó là người nhà của mình, họ đang cần gì thì mình làm cho họ, miễn là mình còn có thể. Đây cũng là cách để mình cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người trước đó dành cho mình. Biết đâu những người được giúp hôm nay thì mai sau sẽ giúp lại cho người khác nữa. Chỉ mong bản thân đủ duyên và có sức khỏe để có thể cố gắng giữ lửa bếp ăn 0 đồng này".
Bình luận (0)