Máy móc sẽ thay thế lao động giản đơn
Mức thu nhập quá thấp đặt ra nhiều khó khăn trong việc thu hút người thầy giỏi tham gia công tác đào tạo nghề hiện nay.
Thông tin trên được nêu ra tại tọa đàm thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác dạy nghề đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực TP.HCM do Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 19.1.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại của công tác đào tạo nghề trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
tin liên quan
Chọn ngành học đón đầu 4.0Ông Dũng nói: “Một tin tôi vừa đọc được sáng nay không biết nên vui hay buồn khi có sự xuất hiện của một nhà máy sản xuất giày hoàn toàn chỉ sử dụng máy móc. Dự báo đến năm 2025 người thầy bằng máy sẽ ra đời, sắp tới có khoảng 10-15% xe tự lái. Lao động chân tay giản đơn sẽ dần dần mất đi”.
Nhìn nhận tác động của cuộc cách mạng này tới việc đào tạo nghề tại Việt Nam, ông Dũng nhấn mạnh: “Rất tiếc hệ thống đào tạo nghề của chúng ta chưa chuyển biến kịp với những thay đổi của cuộc cách mạng số đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Nếu không dạy cho người học tính sáng tạo chúng ta sẽ thua cuộc. Còn người thầy cũng không đơn giản chỉ dạy học mà phải là người hướng dẫn cho người học cách giải quyết các vấn đề phức tạp”.
“Sắp tới trường sẽ cấm giảng viên dạy học theo kiểu trình chiếu Powerpoint ở các môn kỹ thuật mà thay vào đó phải dạy theo dự án”, ông Dũng cho hay.
Cũng theo ông Dũng, để giải quyết vấn đề này cần có chính sách đồng bộ, trong đó có việc tăng thu nhập để thu hút người giỏi làm thầy.
|
“Mức lương giáo viên dạy nghề hiện nay rất thấp, khởi điểm chỉ 3,6 triệu đồng/tháng. Trong khi một kỹ sư qua Nhật làm việc đã có mức lương khởi điểm 50 triệu đồng/tháng, sau một thời gian làm việc có người được trả tới 100 triệu đồng/tháng. Vậy làm sao có thể thu hút được người giỏi trong đào tạo nghề?”
Để tăng thu nhập cho giáo viên dạy nghề, ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho rằng việc đầu tiên cần làm là thực hiện tự chủ tài chính.
Có những ngành học không có… vị trí việc làm
Cũng tại buổi tọa đàm ông Lê Văn Làm cho rằng vấn đề khó nhất trong đào tạo nghề hiện nay là hướng nghiệp và dự báo nhu cầu nhân lực. Thực tế hiện nay xảy ra tình trạng trong cùng một ngành nghề vừa thiếu lại vừa thừa người.
Phân tích lập luận này, ông Làm cho biết các bệnh viện chỉ nhận điều dưỡng tốt nghiệp từ các trường ĐH lớn, còn điều dưỡng tốt nghiệp từ các trường CĐ và TC bệnh viện đều không nhận do về phải đào tạo lại. Điều này cũng có thể thấy trong thực tế đội ngũ giáo viên của thành phố, một số môn học (hội họa, thể dục thể thao, ngoại ngữ…) rất thiếu trong khi thừa các môn khác (toán, văn, hóa, lý…). Trong khi đó có những người tốt nghiệp các ngành học không biết sắp xếp vào vị trí việc làm nào cho phù hợp như: Đông Nam Á học, Nhân học…
Trước thực trạng này, ông Làm nói: “Vấn đề ở đây là cần phải có dự báo và kế hoạch đào tạo phù hợp nhu cầu. Nhìn vào thực tế phát triển kinh tế xã hội trước mắt, TP.HCM hiện rất thiếu nhân lực về hướng dẫn viên du lịch và người có trình độ công nghệ thông tin”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cũng dự báo trong năm 2018 mức độ tăng trưởng trung bình của việc làm tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng nhân lực với mỗi năm cần khoảng 270.000 chỗ làm (trong đó 130.000 chỗ làm mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu ở khu vực dịch vụ chiếm 67%.
“Sẽ có một số nhóm ngành nghề mới xuất hiện, đáng chú ý là xu hướng phát triển mạnh các công việc thuộc nhóm: công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, y tế…”, ông Tuấn nói.
Đại diện Trung tâm dạy nghề huyện Nhà Bè cũng cho biết nhiều ngành nghề cần lao động qua đào tạo không tuyển đủ nhân lực, điển hình là các ngành cơ khí, công nghệ phần mềm, công nghệ thông tin, logistics.
Bình luận (0)