Cấm nuôi gia cầm trên địa bàn TP.HCM: Những ghi nhận trước “giờ G”

15/11/2005 10:13 GMT+7

Theo ghi nhận, đến ngày 15/11, thời điểm ngưng nuôi gia cầm trên toàn địa bàn theo chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.HCM, TP đã huy động nhiều lực lượng để tuyên truyền vận động, kiểm tra, kiểm soát việc ngưng nuôi gia cầm.

2 cơ sở giết mổ trên 100.000 con gà!
 
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm (PCDCGC), cao điểm kiểm tra trong ngày 12 và 13/11/2005 cho thấy tình hình nuôi gia cầm nhỏ lẻ đã giảm khá nhanh (khoảng 80%), chỉ còn nuôi rải rác tại một số địa bàn giáp ranh các quận huyện như: 2, 9, 12, Củ Chi, Hóc Môn...

Tính đến ngày 13/11, các cơ sở giết mổ có phép đã thu mua và giết mổ được 81.663 con (chiếm 23,14% tổng đàn gia cầm của TP), dự kiến trong ngày 14/11 sẽ giết mổ thêm 21.000 con. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn kinh doanh gia cầm lén lút; thả gà lẻ ngoài đồng ruộng; nuôi gà rải rác trong hộ dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: tiếp tục vận động, hỗ trợ để các hộ kinh doanh sản phẩm gia cầm sớm chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác; bếp ăn tập thể tại các trường phải chú ý nguồn gốc sản phẩm gia cầm khi đưa vào chế biến bữa ăn. Ngành công an TP nhanh chóng có biện pháp xử lý đàn bồ câu tại các nơi công cộng.

Từ nhà máy giết mổ tập trung của Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ trở về, tối qua, 14/11, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y TPHCM Huỳnh Hữu Lợi cho biết, đã có trên 50.000 con gà (1 kg/con trở lên) đã được giết mổ tại đây (kế hoạch khoảng 120.000 con gà). Như vậy, tiến độ mua, giết mổ gia cầm còn chậm so với yêu cầu.

Trong khi đó, Công ty TNHH Phú An Sinh (quận 12), đã mua và giết mổ trên 40.000 con. Kế hoạch đặt ra là khoảng 120.000, nhưng do người chăn nuôi tự tiêu thụ, di dời đàn gà đẻ… nên hiện nay, về cơ bản, gà có số lượng lớn tại Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn không còn, chỉ còn lại đàn gà tại huyện Củ Chi, khoảng 14.000 con gà đẻ. Theo Giám đốc Công ty TNHH Phú An Sinh, với tiến độ này, cần khoảng 2 ngày nữa để mua hết số lượng gà còn lại.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm gia cầm và thủy cầm TP, còn khoảng 80.000 con gà (chưa đến 1 kg/con, không thể bán được) và khoảng 110.000 cút, bồ câu chưa thể xử lý. TP sẽ tiêu hủy toàn bộ số lượng này trong thời gian tới.

Siết chặt các cửa ngõ!

Chiều ngày 14/11, Sở Thương mại TP.HCM phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý thị trường, Ban An toàn giao thông, UBND các quận huyện tăng cường thêm lực lượng CSGT, Cảnh sát 113, TNXP trực 24/24 giờ tại các trạm kiểm dịch Thủ Đức, An Lạc, An Sương, QL 50… nhằm giảm tải và tránh ùn tắc giao thông. Tất cả xe vận chuyển gia cầm đều phải gắn bảng quy định “Ban chỉ đạo PCD cúm gia cầm TP.HCM” có lôgô con gà màu xanh do Chi cục Thú y cấp khi lưu thông trên đường.

Tại chợ Trần Chánh Chiếu, BQL chợ kết hợp với các đội kiểm tra liên ngành đóng chốt 24/24 (từ ngày 15/11 đến Tết Nguyên đán) cấm và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Ngày 14/11, Phòng kinh tế quận 5 thành lập 4 tổ kiểm tra, thường xuyên kiểm soát các khu vực và các chợ là điểm nóng kinh doanh gia cầm của quận từ nay cho đến Tết nguyên đán.

Tại phường 5 quận 8, từ 16h chiều ngày 14/11 đến 6h sáng ngày 15/11 đoàn liên ngành chốt chặn không cho các các xe tải gà, vịt nhập về và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ gia cầm sống tại 2 khu vực nóng là Bến xe quận 8 và hẻm 399. Tại chợ Phạm Văn Hai, gia cầm và sản phẩm gia cầm có giấy kiểm dịch vẫn được bán và được đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc.

Nhìn chung, so với các chợ khác, chợ Pham Văn Hai thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm khá tốt, toàn bộ lượng gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập chợ đều được Chi cục thú y Quận Tân Bình và chi cục Thú y TP.HCM kiểm tra gắt gao. Cạnh đó, đa số tiểu thương kinh doanh gia cầm trước kia tại chợ Phạm Văn Hai cũng đã bắt đầu chuyển sang kinh doanh đậu hủ và thịt heo.

Sáng 14/11, giá thịt heo sỉ tại hầu hết các chợ đầu mối ở TP.HCM như Phạm Văn Hai, Hòa Bình, An Lạc… đều tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Giá thịt heo lẻ tại các chợ nhỏ cũng tăng nhẹ: thịt nạc 45.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg); thịt đùi 39.000 đồng/kg (tăng 2.000đ/kg); ba rọi 36.000đ/kg (tăng 1.000đ/kg). Nguyên nhân do hiện nay các chợ và siêu thị đều đã bắt đầu ngưng kinh doanh hầu hết các loại thịt và trứng gia cầm dù đã qua kiểm dịch.

Viện Pasteur TP.HCM: Phát hiện một chủng virus kháng Tamiflu

Sau 1 năm 3 tháng nghiên cứu giải mã gien virus cúm A H5N1 của Việt Nam trên bệnh phẩm người và gia cầm, công trình của TS Cao Bảo Vân - Trưởng khoa sinh học phân tử Viện Pasteur TPHCM vừa được Hội đồng khoa học Bộ Khoa học - Công nghệ nghiệm thu đánh giá xuất sắc, được lưu vào danh sách gien virus H5N1 của Việt Nam trong Ngân hàng gien thế giới tại Mỹ. Qua gần 30 mẫu (trên gia cầm và trên người) được giải mã, kết quả cho thấy chủng virus gây dịch vẫn là H5N1, tuy nhiên chủng này đang có dấu hiệu đột biến với độc tính cao hơn và dần thích nghi với những vật chủ mới.

Ngày 14/11, TS Cao Bảo Vân cho biết, từ kết quả đã đạt được, Viện Pasteur TP.HCM vẫn tiếp tục nghiên cứu giám sát những biến đổi bất thường của chủng virus cúm trên gia cầm và trên người. Thành quả đạt được sẽ góp phần cho Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới nghiên cứu thêm để đưa ra những chẩn đoán bệnh phù hợp, đánh giá lại qui mô chủng virus kháng Tamiflu, sản xuất vaccine đúng loại và sớm ngăn chặn độc tính của chủng virus mới.

Nhằm giúp người dân có thông tin về việc sử dụng thuốc Tamiflu, ngày 14/11, Sở Y tế TP.HCM có thông báo gởi các báo-đài, bệnh viện, đơn vị kinh doanh thuốc tuyên truyền sâu rộng về việc trữ và buôn bán thuốc Tamiflu. Bộ Y tế sẽ phân phối thuốc Tamiflu điều trị miễn phí cho người dân và dự phòng khi xảy ra dịch. Việc người dân mua Tamiflu để dự phòng là không cần thiết, tạo cơn sốt giả tạo về nhu cầu thuốc, hoặc có thể mua nhầm thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng. Để đảm bảo tính an toàn, tránh hiện tượng virus kháng thuốc, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc Tamiflu khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3 lộ trình được phép vận chuyển gia cầm đến các cơ sở giết mổ của TP

* Lộ trình đến Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ (E8/212A, QL 50 xã Phong phú, huyện Bình Chánh): hướng từ miền Tây Nam bộ qua trạm kiểm dịch An Lạc: Quốc lộ (QL)1 - Nguyễn Văn Linh - QL 50; hướng từ Tây Ninh qua trạm An Sương theo QL 22- QL 1A - QL1 - Nguyễn Văn Linh - QL 50; hướng từ Bình Dương qua trạm Vĩnh Bình theo QL 13 - QL 1A - QL1; hướng Đông Nai qua trạm Xa lộ Hà Nội - trạm QL 1A - Xa lộ Hà Nội - QL 1A - QL1 - Nguyễn Văn Linh - QL 50.

* Lộ trình đến cơ sở An Nhơn (139/1558 Lê Đức Thọ, theo QL1 - QL1A - Lê  quận Gò Vấp): hướng từ Miền tây qua trạm An Lạc Đức Thọ; hướng từ Tây Ninh qua trạm An Sương theo QL 22 - QL 1A - Lê Đức Thọ; hướng từ Bình Dương qua trạm Vĩnh Bình theo QL 13 - QL 1A - Lê Đức Thọ, hướng từ Đồng Nai qua trạm Xa lộ Hà Nội theo cầu Đồng Nai - Xa lộ Hà Nội - QL 1A - Lê Đức Thọ.

* Lộ trình đến công ty Phú An Sinh (154/1 Tô Ngọc Vân, phường Thạnh Xuân, quận 12): hướng từ miền tây qua trạm An Lạc theo QL 1 - QL 1A - Tô Ngọc Vân; hướng từ Tây Ninh qua trạm An Sương theo QL 22 - QL 1A - Tô Ngọc Vân; hướng từ Bình Dương qua trạm Vĩnh Bình theo QL 13 - QL 1A - Tô Ngọc Vân; hướng từ Đồng Nai qua trạm Xa lộ Hà Nội, trạm QL 1A theo cầu Đồng Nai - Xa lộ Hà Nội - QL 1A - Tô Ngọc Vân.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.