Chiều 5.7, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời chất vấn các đại biểu HĐND TP.Hà Nội về các nhóm vấn đề về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc TP.Hà Nội.
Phải nhận thức được chuyển đổi số là sống còn
Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, bản thân ông nhận thức rõ, sâu sắc và cũng cảm thấy xấu hổ trước những tồn tại, hạn chế mà cử tri, nhân dân đã có kiến nghị; đại biểu HĐND thành phố tiến hành chất vấn.
“Mong những suy nghĩ, tâm tư này truyền tải đến các sở, ngành, địa phương để chúng ta cảm thấy rằng mình còn thấy có điều gì chưa trọn vẹn, chưa nỗ lực trong vấn đề chuyển đổi số của thủ đô”, ông Thanh bày tỏ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, trong việc chuyển đổi số, thành phố phải đi đầu, làm gương nhưng “việc này chưa hẳn cứ có tiền là làm được”. Vì điều kiện đủ ở đây là nhận thức của người đứng đầu, trách nhiệm của người đứng đầu và sự sẵn sàng của cả hệ thống.
Ông Thanh cho rằng, chủ tịch các quận, huyện, lãnh đạo thành phố, giám đốc các sở phải nhận thức được việc chuyển đổi số là sống còn thì mới làm được, chứ không phải cứ có tiền là làm được.
“Nếu các đồng chí còn nghĩ trong biên chế phải có cán bộ tin học mới chuyển đổi số được là sai. Còn suy nghĩ như vậy thì không bao giờ làm được. Chuyển đổi số chính là chúng ta. Chúng ta không có người thì đi thuê. Còn cứ vin vào không có người chỉ là cái cớ, cách tiếp cận vấn đề như vậy là sai về phương pháp. Quận, huyện, sở nào còn đề nghị chuyện đó thì các đồng chí xem lại. Đây là vấn đề cực kỳ hệ trọng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Tiếp tục chia sẻ trước HĐND thành phố, ông Thanh cho biết khối lượng công việc của thành phố vô cùng lớn nhưng biên chế của các sở, ngành không có sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác.
“Đôi khi, tôi không hiểu anh em làm việc vào lúc nào mà ra sản phẩm như vậy trong bối cảnh công việc nhiều, họp hành nhiều. Nói ra không phải thanh minh nhưng tôi mong cử tri, nhân dân thủ đô chia sẻ với bộ máy hành chính nhà nước đang có những bất cập nhất định. Đã rất quyết liệt rồi nhưng quả thật chưa đáp ứng được phần nào kỳ vọng của cử tri và nhân dân”, ông Thanh nói.
Không bắt địa phương “mặc áo” giống nhau khi phân cấp, ủy quyền
Trả lời chất vấn về nội dung phân cấp, ủy quyền, ông Thanh cho biết lúc mới về nhận chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, ông thấy ở Hà Nội “chưa ai muốn phân cấp, chẳng ai muốn ủy quyền cả”. Và sau đó, cả hệ thống nhận thức ra rằng cần phải phân cấp, ủy quyền nên đã lập tổ công tác, rà soát ra gần 1.900 thủ tục hành chính các cấp ở 21 lĩnh vực quản lý nhà nước.
Theo ông Thanh, hiện đã phân cấp, ủy quyền 531 thủ tục hành chính và ban hành quy trình thực hiện. Đối với các thủ tục hành chính còn lại chưa hoặc không làm quy trình phân cấp vì gặp vướng mắc trong hướng dẫn của T.Ư, vướng mắc do thủ tục không “mở” đến cấp huyện.
Ông Thanh cho biết thêm, sau khi được phân cấp, ủy quyền thì các quận, huyện đã phê duyệt theo thẩm quyền rất nhiều dự án, ước tính tổng giá trị đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Việc phân cấp, ủy quyền đã lập tức mang lại hiệu quả và chủ trương này là đúng.
“Bên cạnh đó, khi phân cấp, ủy quyền không phải có nghĩa là bắt tất cả quận, huyện “mặc áo” giống nhau; còn căn cứ vào năng lực, trình độ, số lượng cán bộ để phân cấp, ủy quyền đồng bộ hơn”, ông Thanh nói, và cho biết, sau 1 năm áp dụng thì sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Khâu nào làm tốt thì tiếp tục làm tốt hơn, chỗ nào cần mở rộng thì mở rộng hơn, “cái nào cần thu về thì thu về”.
Bình luận (0)