(TNO) Theo TechnologyReview, các nhà khoa học tại Đại học Munich (Đức) vừa thử nghiệm thành công một công nghệ chạm mới, có khả năng “cảm” được tương tác của người dùng trên bề mặt của quần áo, dây tai nghe, bàn làm việc hay thậm chí mẩu giấy nhỏ.
Công nghệ này tuy mới nhưng hoạt động trên nguyên lý của kỹ thuật TDR (Time Domain Reflectomentry) có từ những năm 1960 để phát hiện sự cố trong hệ thống cáp ngầm.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của giáo sư Patrick Baudisch đã dán hai sợi đồng dát mỏng lên một trang giấy, sau đó sử dụng kẹp kim loại để nối từng sợi đồng lần lượt với máy tạo xung điện và máy ghi nhận xung điện. Tiếp đến, một tín hiệu xung điện tần số cao sẽ được gửi vào hai sợi đồng và nếu có bất kỳ sự thay đổi điện dung nào giữa hai sợi đồng, ví dụ khi tay của người dùng di chuyển đến gần hay chạm vào dây dẫn thì tín hiệu sẽ được phản hồi. Cuối cùng, phần mềm trên máy tính sẽ phân tích những dữ liệu có được để “nội suy” ra vị trí của tiếp điểm (hay nói chính xác là vị trí mà người dùng tương tác).
Sinh viên Raphael Wimmer tham gia nghiên cứu kể trên cho biết, do bề mặt cảm ứng của mô hình này chỉ yêu cầu duy nhất hai dây dẫn nên khả năng “áp” công nghệ này lên nhiều bề mặt vật liệu là hoàn toàn dễ dàng. Nhưng cũng theo Wimmer, kiểm soát được tín hiệu vào/ra trên một bề mặt duy nhất như giấy hay gỗ lại khá phức tạp. Trong khi đó, màn hình cảm ứng điện dung trên iPhone sử dụng một ma trận của các dây dẫn xuất phát từ đồng thời hai cạnh của bề mặt màn hình cảm ứng.
An Huy
Bình luận (0)