Khải hoàn môn và tấm lòng một người Việt tha hương
Nhiều người nói rằng, đến Paris nơi đầu tiên phải đến là tháp Eiffel. Chúng tôi lại chọn nơi chiêm ngưỡng đầu tiên ở Paris là đại lộ Champs Elysées và Khải hoàn môn. Đến nhà ai cũng phải qua cổng, mà đã đến đây rồi thì làm sao không đi qua một cánh cổng vĩ đại cùng một con đường đã chứng kiến những giây phút thăng trầm của nước Pháp? Điều chúng tôi chọn quả không uổng công, khi mà tôi không những sờ tận tay những viên gạch của hơn 170 năm về trước cùng những chiến tích của Napoleon trên cánh cổng cao 49 mét của Khải hoàn môn, mà còn tận mắt chứng kiến người dân Pháp trân trọng và tự hào quá khứ biết là nhường nào. Dù không phải là ngày cuối tuần, vậy mà bên cạnh dòng du khách dày đặc, vẫn có hàng đoàn học sinh và người dân Pháp ở khắp nơi đến dạo chơi và tìm hiểu công trình này. Thật may mắn khi chúng tôi chứng kiến được cảnh những cựu binh trong Thế chiến thứ hai đang làm lễ tưởng niệm những chiến sĩ vô danh đã hy sinh khi chống lại Đức Quốc xã. Hoa tràn ngập quanh ngọn lửa bất diệt - biểu tượng tôn vinh những chiến sĩ đã ngã xuống cho nước Pháp đi lên. Hai hàng duyệt binh oai vệ cùng những cựu binh với những tấm huân chương lấp lánh trên ngực trong một buổi chiều Paris làm lòng tôi dâng lên một cảm xúc khó tả. Ở đâu và khi nào cái niềm tự hào dân tộc vẫn mãi ở trong tim mỗi người, dù chính kiến, dù thời gian đôi khi làm người ta cố xóa nhòa đi một quá khứ nào đó theo cách nghĩ của mỗi người. Như ở ngay dưới lòng đất Khải hoàn môn này, đầu đại lộ Champs Elysées, có một phụ nữ Việt làm việc tại đây đã trả lời cho chúng tôi biết điều đó. Bà đã nhận ra đoàn du khách Việt Nam khi chúng tôi bước xuống nơi này. Bà mừng đến nỗi chúng tôi cũng phải ứa nước mắt theo. Bà giới thiệu là người Sài Gòn, đã rời Việt Nam hơn 30 năm, nhưng vẫn không quên một cái gì thuộc về Việt Nam. Bà nói rằng mỗi khi gặp người Việt ở trong nước sang là mừng lắm! Bà mong làm có tiền để được về Việt Nam thăm viếng. Bà cứ ôm chầm lấy chúng tôi hết người này đến người khác và nói rằng bà mừng là "người mình trong nước ngày càng giàu nên mới đi du lịch thế này". Rồi bà rưng rưng khi đưa chúng tôi lên trên mặt đất... Tôi chợt nghĩ đến diễn đàn Nước Việt ta nhỏ hay không nhỏ? đang được rất nhiều người hưởng ứng trên Báo Thanh Niên. Có thể giữa Khải hoàn môn bề thế, công việc tạp vụ của người phụ nữ Việt ấy là rất nhỏ bé, nhưng tấm lòng của bà với quê hương, với tình đồng bào không nhỏ tí nào. Nếu như trong chúng ta ai cũng có một tình yêu quê hương nồng nàn như người phụ nữ kia cùng một khát vọng vươn lên để khẳng định mình thì tôi nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ có những đại lộ thênh thang, những cổng chào uy nghi với những cái tên làm lẫy lừng lịch sử để mà đón chào du khách khắp thế giới.
Trước tác phẩm Mona Lisa của Leonard de Vinci
Bảo tàng Louvre và những kiệt tác
Tôi thật sự choáng ngợp khi đứng trước Bảo tàng nghệ thuật Louvre. Được xây dựng cách đây hơn 800 năm để làm hoàng cung cho triều đại Francois I, vậy mà đến hôm nay nó vẫn sừng sững bên bờ sông Seine thơ mộng. Người ta ước đoán, nếu đi hết viện bảo tàng lớn nhất thế giới này (rộng 24 hecta) để chiêm ngưỡng 400.000 hiện vật thì phải mất... một năm. Thôi thì cũng như hàng triệu triệu du khách khác, tôi chọn phương án "cưỡi ngựa xem... tranh". Trường, hướng dẫn viên du lịch của V.Y.C và chị Catherine - hướng dẫn viên của công ty đối tác của V.Y.C ở Pháp, nói rằng không một du khách nào đến đây mà không xem 3 kiệt tác của thế giới mà Bảo tàng Louvre và nước Pháp vì đặc thù lịch sử đã sở hữu được, đó là bức họa Mona Lisa của Leonard de Vinci; bức tượng Nữ thần chiến thắng của Hy Lạp và bức tượng Venus de Milo. Điều đó quả không sai, khi mà mới 9 giờ sáng, đã có hàng hàng, lớp lớp người với đủ quốc tịch, màu da nối bước nhau để vào Louvre - mà chủ yếu vẫn chen chúc nhau để được đứng trước 3 kiệt tác nói trên. Chúng tôi lại có một lựa chọn khác, thay vì chỉ xem 3 kiệt tác đó, chị Catherine và Trường đã đưa chúng tôi đi chạm tay vào bức tường thành của pháo đài được xây dựng từ thế kỷ 12 dưới lòng đất của Bảo tàng Louvre còn giữ lại và bảo quản rất kỹ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ (như những ký hiệu hình trái tim trên những tảng đá) cho đến ngày hôm nay. Rồi thì những bức tượng thời Hy Lạp - La Mã, tượng nhân sư của Ai Cập cổ đại... cứ hiện dần ra trước mắt tôi. "Người Pháp quả là khôn ngoan khi không những đi thôn tính thuộc địa mà còn biết "sưu tầm" những báu vật về cho mình", một bác cán bộ về hưu đi cùng đoàn thốt lên đầy hóm hỉnh. Ồ, khi nhìn tượng nhân sư ở đây, tôi thấy nó bơ vơ thế nào ấy - mặc dù lòng tràn đầy cảm xúc, nhất là khi nhìn vào bàn chân cụt của nó - mà vô tình hay cố ý một người lính Pháp khi mang nó từ những kim tự tháp về đã nã đạn vào bàn chân trái nó. Cái cảm xúc đó vẫn đeo theo tôi khi đứng trước tượng Venus de Milo - một tuyệt tác về vẻ đẹp của thần Vệ nữ, dù là đã phải mất một cánh tay. Mà thôi, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật, cái may mắn là những kiệt tác đó vẫn còn có mặt đến ngày hôm nay để cho nhân loại thấy rằng cái đẹp vẫn là vĩnh cửu. Chỉ tiếc là tại nơi trưng bày bức danh họa Mona Lisa, tôi cũng như các du khách không thể nào chụp được một bức ảnh vì chỉ duy nhất nơi này trong Bảo tàng Louvre không ai được chụp ảnh với lý do bức danh họa này luôn là "tầm ngắm" của những tay chôm chỉa siêu hạng của thế giới. Dẫu vậy, nụ cười của Mona Lisa vẫn như đang nhìn theo từng du khách dù rời khỏi Louvre từ bất cứ hướng nào. Phải chăng đó mới chính là giá trị của một kiệt tác của một thiên tài - dù bức tranh không mang tính hoành tráng như nhiều tác phẩm khác?
Tác giả tại một cuộc biểu tình ở Paris |
Và... biểu tình
Có lẽ cái cảm xúc khó tả - xen lẫn một chút tò mò, một chút vui vui, một chút đồng cảm, đó là khi tôi chứng kiến buổi biểu tình trước đại lộ nhà hát Opera và trung tâm mua sắm lớn nhất ở Paris La Fayette. Nước Pháp vừa trải qua 2 "cơn bão" khi cách nay mấy tháng hàng loạt vụ bạo động, đập phá các cửa hàng, đốt xe hơi của cộng đồng thanh niên da màu khi mà họ cảm giác bị kỳ thị chủng tộc, sau khi cảnh sát bắt và đánh 2 thanh niên da màu, rồi đến chuyện thanh niên, sinh viên xuống đường chống lại một dự luật lao động liên quan đến quyền lợi lao động của họ, đến nỗi cả Tổng thống J.Chirac và Thủ tướng Villepin phải nhượng bộ, rồi bây giờ đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình của dân nhập cư đòi quyền lợi phải được đối xử như những người lao động hợp pháp. Tháng trước, ở Mỹ cũng đã có những cuộc biểu tình rầm rộ như thế của dân nhập cư, đến nỗi Tổng thống G.Bush phải đề nghị quốc hội xem xét cho dân nhập cư có việc làm ổn định được quyền nhập quốc tịch. Phải chăng điều đó cũng sẽ thành công ở Pháp? Có lẽ khó trả lời, khi mà mới mấy ngày ở Pháp tôi cũng nhìn thấy được tình cảnh dân nhập cư từ châu Phi, châu Á... Rất nhiều người thất nghiệp hoặc làm những việc mà dân Tây "chính gốc" không làm. Một số người Việt trẻ tuổi tôi gặp cũng đều than thở về tình trạng rất khó tìm công ăn việc làm cũng chỉ vì không có quốc tịch và bao năm rồi... đâu vẫn hoàn đấy! Nhưng hy vọng vẫn là hy vọng cho dân nhập cư - mà trong đó có những đồng bào của tôi, khi mà hòa trong dòng người biểu tình cuồn cuộn đó có không ít những nghị sĩ, những người da trắng với những câu khẩu hiệu: "Không được đụng đến bạn tôi!”. Và tôi cũng đã bước vào đám đông đó khi được một người Pháp nhét vội vào tay một câu khẩu hiệu như thế khi biết tôi từ Việt Nam mới sang du lịch... Tôi đang nghĩ đến người phụ nữ Việt Nam - mà tôi xin tạm gọi là dì T. đang làm việc dưới lòng đất Paris hoa lệ này...
Cao Minh Hiển
(từ Paris, Pháp)
Bình luận (0)