Khởi nghiệp không như là mơ

Cần 1.001 tố chất, gồm cả sự may mắn

Thanh Nam
Thanh Nam
07/07/2024 06:00 GMT+7

Xoay quanh câu chuyện khởi nghiệp nói chung và vấn đề thất bại của người trẻ khi bước vào thương trường nói riêng, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với anh Trần Vũ Nguyên (còn gọi là Bung Trần, ảnh), giám khảo của nhiều cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nước như: Rice Bowl (Malaysia), Việt Challenge (Mỹ), Khởi nghiệp xanh, Runway to the world, Startup weekend...

Khởi nghiệp là lớp học cuộc đời

Có những quan điểm trái ngược nhau về chuyện người trẻ khởi nghiệp. Một bên cho rằng cần khởi nghiệp, một bên lại phản bác điều này. Còn quan điểm của anh là gì?

Tôi tin rằng không phải tất cả người trẻ đều cần phải khởi nghiệp. Mà ai cũng nên học về tinh thần nghiệp chủ. Và nếu có thể, ai cũng nên tham gia vào một hoạt động khởi nghiệp. Bởi đó là một lớp học cuộc đời có thể dạy rất nhiều điều mà trường học thường không cung cấp.

Đó có thể là cách tư duy giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, cách quan sát và phản biện về những việc đang diễn ra với câu hỏi "nếu là tôi, tôi có thể tốt hơn như thế nào?". Ngoài ra, việc hiểu biết về tài chính, giao dịch, pháp lý, tiếp thị và rất nhiều điều mới mẻ mà một người khởi nghiệp phải tự học, tự làm, sẽ giúp rèn luyện tư duy lãnh đạo và nâng cao chỉ số kiên trì của mỗi người.

Cần 1.001 tố chất, gồm cả sự may mắn- Ảnh 1.

Anh Bung Trần

THANH NAM

Anh đánh giá gì về câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ VN hiện nay?

Nếu tính về năng lực, chúng ta đã có những "kỳ lân", là doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD. Nếu tính về tính chuyên môn, chúng ta đã hình thành những cụm ngành nghề rất riêng: nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, giao thông xanh, ứng dụng đời sống, y tế, tài chính và cả trí tuệ nhân tạo. Mỗi nhánh đều có những thành tựu riêng và hội nhập rất sâu vào đời sống, quốc tế.

Tôi nghĩ đây là các chỉ dấu của sự trưởng thành của "ngành công nghiệp" này. Và tôi cũng thấy rất rõ một thứ niềm tin và kỳ vọng vào sự trưởng thành của thế hệ khởi nghiệp mới ở VN: giàu trải nghiệm hơn, đội ngũ mạnh hơn và tham vọng lớn hơn trên con đường tuy chông gai mà lại đầy ắp niềm hứng khởi này.

Cần có năng lực cạnh tranh bất bình đẳng

Anh nhìn nhận thế nào về câu chuyện đã và đang có khá nhiều dự án khởi nghiệp "chết yểu"?

Điều đó là bình thường. Và có 1.001 lý do để khởi nghiệp "chết yểu". Trên thế giới cũng vậy thôi, tỷ lệ thành công chẳng cao. Với tôi, lý do mà các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ "chết" nhất là họ chẳng có chút "lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng" nào trong công việc họ đang tham gia.

Theo anh, làm thế nào để hạn chế rủi ro một cách thấp nhất, cũng như nâng cao khả năng thành công?

Là nhận ra rủi ro và xác định một cách rõ rệt "thế nào là thành công?". Tôi tin rằng chẳng có khởi nghiệp nào có thể thành công nếu không sở hữu "năng lực cạnh tranh bất bình đẳng" (unfair advantage - thuật ngữ chỉ một lợi thế nhất định nào đó gần như là độc quyền, vì người khác khó có thể sao chép được). Chẳng hạn: giỏi vượt trội về công nghệ, thậm chí có bằng sáng chế; "siêu tài năng" trong vận hành và điều hành công việc; năng lực gọi vốn đầu tư hoặc là chuyên gia số 1 trong lĩnh vực nào đó.

Cần 1.001 tố chất, gồm cả sự may mắn- Ảnh 2.

Nhiều người trẻ đã thành công với dự án khởi nghiệp của mình

THANH NAM

Khi nhận câu hỏi: "Tại sao bạn tin sẽ thành công khi khởi nghiệp trong lĩnh vực này?", nếu có thể trả lời dõng dạc một cách thỏa đáng và trung thực rằng: "Vì sự vượt trội so với người khác", "Vì chúng tôi sở hữu bằng sáng chế độc quyền phát minh toàn cầu", "Vì chúng tôi có sẵn 10.000 khách hàng đã đăng ký sử dụng sản phẩm dù chưa chính thức ra mắt"… thì mới có thể nghĩ đến thành công.

Để những nhà khởi nghiệp có thể tự tin bay cao

Với anh, gen Z khởi nghiệp có thuận lợi và bất lợi gì so với gen Y?

Họ trẻ hơn, và có đủ thời gian để làm lại nếu chưa thành công. Ít ai "một phát ăn ngay". Và cũng vì trẻ hơn, họ có khi chưa tích lũy đủ một số mảnh ghép cuối cùng để mang đến thành công: các mối quan hệ xã hội, các quy luật bất thành văn trong ngành đang tham gia và quan trọng là khả năng lãnh đạo, quản trị khi doanh nghiệp tăng trưởng về quy mô nhân sự lẫn thị trường.

Những tố chất, kỹ năng cần phải có của người trẻ nếu muốn khởi nghiệp, theo anh là gì?

Sự kiên trì, khả năng tự phục hồi sau chấn thương, kiên cường trước nghịch cảnh hay tôi gọi tắt là "lì đòn". Ngoài điều này ra thì còn thêm… 1.001 tố chất khác nữa, bao gồm cả sự may mắn. Cũng đừng quên trong các yêu cầu để khởi nghiệp thành công cần có một mentor (người thầy, người cố vấn đồng hành - PV) "xịn".

Để câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ VN ngày càng phát triển, anh có đề xuất gì?

Nên chăng thành lập trung tâm... chống khởi nghiệp? Đó sẽ là lớp dạy về những lý do không nên khởi nghiệp. Nếu vượt qua được "kiếp nạn" với chừng 100 câu hỏi mang tính "lột trần" năng lực và tiềm năng của bản thân, thì có nghĩa là đã sẵn sàng khởi nghiệp.

Đây là cơ hội để mọi người học được từ kinh nghiệm thất bại một cách thực tế của người khác để có cơ hội soi chiếu lại mình.

Anh Bung Trần là nguyên giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, Phó chủ tịch Quỹ đầu tư Flying Fish, đồng sáng lập Vietnam Mentor Initiative (Sáng kiến mạng lưới cố vấn đồng hành khởi nghiệp). Anh cũng là nhà sáng lập AI Education, TraquéStudio, và là giảng viên người VN chính thức đầu tiên của chương trình Google vì Giáo dục (Google for Education)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.